NHIỀU HOẠT ĐỘNG ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM
Luôn coi trọng công tác tổ chức triển khai quán triệt và kiểm tra, giám sát nội dung thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW
Trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị trong thành phố; Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành có liên quan trong việc kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như công tác phối hợp và thực hiện ATTP trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đưa nội dung vào hội nghị báo cáo viên các cấp, trên cổng Thông tin điện tử của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ngành y tế; Sở Y tế chủ động phối hợp (là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Cần Thơ) với các ban ngành, đoàn thể nhằm định hướng, hướng dẫn các quận, huyện đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo về ATTP vào Nghị quyết, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát các nội dung thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, được các Đoàn giám sát của Quốc hội, của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội đồng nhân dân thành phố thực hiện thường xuyên và đột xuất theo kế hoạch phối hợp cụ thể. Ngoài ra, còn có các Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Ban chỉ đạo Vệ sinh ATTP các cấp trong các đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu... được thực hiện dưới nhiều hình thức như: Kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất hoặc lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn khác.
10 năm qua, toàn thành phố đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tổng số 42.449 cơ sở, với 38.128 cơ sở đạt (89,8%), không đạt: 4.321 cơ sở (10,2%). Trong đó 771 cơ sở bị phạt tiền (3.614.179.000 đồng) và 3.550 cơ sở được nhắc nhở; 05 năm trở lại đây, thành phố chưa để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, không có ca tử vong về ngộ độc thực phẩm.
|
Nhìn chung, việc triển khai Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư đã giúp cho nhận thức, cũng như ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi người dân thành phố đối với vấn đề ATTP, về vị trí, vai trò của công tác quản lý ATTP với sức khỏe con người được nâng cao; trách nhiệm của người đứng đầu, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm được nâng lên, tạo ra những chuyển biến cụ thể, thiết thực có tính đồng bộ cả trong nhận thức và hành động; trách nhiệm các ngành, các cấp và mỗi cán bộ công chức được giao nhiệm vụ liên quan đến ATTP thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng trước pháp luật; trình độ kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cán bộ và các điều kiện bảo đảm khác từng bước được nâng cao phù hợp yêu cầu thực tế.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền
Việc tuyên truyền thông qua các kênh thông tin đại chúng về tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, đến sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố được triển khai đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân bằng mọi hình thức phù hợp để người dân tự giác thực hiện tốt các tiêu chí ATTP gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, kinh doanh và tiêu dùng hàng hóa đảm bảo Vệ sinh ATTP góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân luôn được các cấp uỷ chú trọng; trong 10 năm, thành phố đã thực hiện trên 500.000 sản phẩm truyền thông, như băng rôn, tờ rơi, tờ bướm, sổ tay, cẩm nang, tài liệu ghi chép, bản tin truyền hình, phóng sự, bản tin phát thanh và các tài liệu tuyên truyền khác giúp nâng cao hiệu quả, giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ nhớ, dễ thực hiện. Cụ thể: Ngành Nông nghiệp, phát 70.822 tờ rơi, tờ bướm; 18 pa nô; 800 băng rôn; 2.000 sổ tay, cẩm nang, tài liệu ghi chép; 67 bản tin truyền hình, phóng sự; 12.600 bản tin phát thanh. Ngành Y tế, thực hiện in ấn, cấp phát, lắp đặt 87 pano; 3.429 băng rôn; 147 cờ phướn; 2.513 đĩa CD, DVD/đĩa âm; 16.145 tranh, áp phích/poster; 221.450 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền ATTP và 1.230 tờ tin ATTP. Ngành Công thương thực hiện nhiều phóng sự truyền thanh, truyền hình, chuyên mục, tin bài, tạp chí, băng rôn, áp phích về ATTP. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, tổ chức lồng ghép tuyên truyền Luật ATTP trong các chuyên mục “Phổ biến giáo dục pháp luật”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng các phóng sự chuyên đề cảnh báo về ATTP.
Hàng năm, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động vì ATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa NĐTP; Lễ phát động điểm triển khai “Tháng hành động vì ATTP” được triển khai; tiến hành vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, các trường học trên địa bàn treo băng rôn hưởng ứng tuyên truyền ATTP dịp Lễ hội xuân và Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu, Tháng hành động vì ATTP.
Song song với công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền thì các cơ quan chuyên môn còn thường xuyên tổ chức các đợt hội thảo, hội nghị; phát động cuộc vận động sản xuất an toàn cho nông dân và người sản xuất; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài thành phố; thường xuyên phối hợp các Đài phát thanh, truyền hình trên địa bàn trong và ngoài thành phố đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu mạnh của quốc gia về ATTP; công bố tên, địa chỉ những doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản phẩm hàng hóa vi phạm ATTP. Như thực hiện 5 cuộc tọa đàm về ATTP; 283 lượt phát sóng thông điệp, phóng sự, chuyên mục ATTP trên Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ, Đài truyền hình Việt Nam trong các đợt cao điểm Tết Nguyên Đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu; xây dựng 02 thông điệp tuyên truyền ATTP với nội dung: Sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và hãy lựa chọn thực phẩm an toàn; thực hiện 225 bài viết; 56.794 lượt phát thanh các thông điệp bảo đảm ATTP trong các đợt cao điểm tuyên truyền trên Đài Phát thanh tuyến quận, huyện và trên hệ thống loa phát thanh xã, phường; đăng 207 bài viết tin/ảnh về hoạt động, tuyên truyền an toàn thực phẩm đăng trên các trang thông tin điện tử (website) của Sở Y tế, Cục ATTP (VFA) và trên Báo Cần Thơ; tổ chức 78 hội thảo bảo đảm ATTP cho 4.324 lượt người tham dự; tổ chức 716 buổi nói chuyện chuyên đề về ATTP với 14.080 người tham dự...
Có thể nói, công tác thông tin truyền thông giáo dục đã góp phần tích cực trong công tác đảm bảo ATTP; phổ biến kịp thời các kiến thức ATTP, các văn bản quy phạm pháp luật tới mọi người dân và cơ quan quản lý liên quan. Từ đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kiến thức lựa chọn, nhận diện các sản phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố; người tiêu dùng đã có ý thức hơn trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn kiến thức cho nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn, góp phần đưa tỷ lệ các cơ sở không đạt vệ sinh ATTP giảm dần qua các năm. Như trong năm 2015, tỷ lệ vi phạm về ATTP là 28,8% thì đến cuối năm 2020 chỉ còn 4,35% và không có cơ sở xếp loại C.
Sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp cùng với các sở ngành ban hành nhiều chương trình phối hợp; hoạt động phối hợp còn được thực hiện giữa các đơn vị chuyên môn và Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATTP vì sức khỏe cộng động đã giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh; xóa bỏ hiện tượng sản xuất để ăn phân biệt với để bán như “rau hai luống, heo hai chuồng”, kịp thời phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp tổ chức 1.129 lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý về Vệ sinh ATTP cho cán bộ chương trình, người quản lý, cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm, với 41.120 người tham dự; thực hiện quy định về tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-YT-NNPTNT-CT, theo đó thành phố đã tổ chức 1.327 lớp tập huấn kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố với 51.018 người tham dự; thực hiện 02 đợt Diễn tập ngộ độc thực phẩm Bếp ăn tập thể trường học tại bệnh viện Nhi Đồng và trường Tiểu học Võ Trường Toản; từ tháng 11/2014 đến tháng 12/2019, Sở Công Thương đã tổ chức 131 lớp tập huấn, cấp Giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 12.500 người (từ năm 2020, cơ sở, doanh nghiệp tự tổ chức theo quy định tại Nghị định số 17/2020/NĐ-CP); từ năm 2019 đến năm 2020, Sở Công thương thành phố phối hợp cùng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương tổ chức 07 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức ATTP cho hàng trăm người kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố và cán bộ quản lý ngành công thương; năm 2020, các ngành chức năng còn tổ chức điều tra đánh giá kiến thức, thực hành của các nhóm đối tượng: Người quản lý về ATTP, người trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống, người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm.
Từ sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể đã góp phần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức, hành vi ATTP. Từ đó, các cấp hội, đoàn thể đã phát huy được tin thần nâng cao trách nhiệm trong công tác vận động, tuyên truyền đưa Chỉ thị số 08-CT/TW và Kết luận số 11-KL/TW của Ban Bí thư vào đời sống nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ATTP.
Tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm
Trong giai đoạn 2011-2020, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chế biến áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đầu tư kinh phí, xã hội hóa về ATTP.
Việc huy động các nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh ATTP giai đoạn 2011-2020 chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp cho hoạt động các dự án chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm, với tổng kinh phí 32.418.000.000 đồng được sử dụng đúng mục đích, chi theo đúng chế độ quy định của nhà nước, với các dự án, cụ thể: (1) Ngân sách từ Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2011-2020, với tổng kinh phí 15.849.000.000 đồng. (2) Ngân sách từ địa phương giai đoạn 2011-2020, với tổng kinh phí 13.836.000.000 đồng. (3) Kinh phí từ các nguồn kinh phí khác giai đoạn 2011-2020, với tổng kinh phí 2.733.338.000 đồng.
|
Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, mô hình an toàn thức ăn đường phố được triển khai; tại các quận huyện, đã triển khai 9 mô hình điểm thức ăn đường phố, 05 phường điểm ATTP; thành phố thực hiện xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản an toàn, chợ nông sản an toàn trên địa bàn thành phố; thực hiện Đề án giai đoạn 2018-2020 về “Nâng cao năng lực quản lý và chất lượng An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2018”; Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức 08 điểm kinh doanh sản phẩm rau, củ quả an toàn và hỗ trợ kinh phí cho tiểu thương đóng 08 lô, sạp với tổng kinh phí 22,8 triệu đồng; từ năm 2018 đến nay, ngành Nông nghiệp đã xây dựng, hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 04 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm để tham gia chuỗi cung ứng và xác nhận thực phẩm an toàn, hiện đang tiếp tục nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, thành phố còn xây dựng được mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, như “Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sữa bò tươi”; “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt heo” và “Chuỗi cung ứng trứng vịt muối sản phẩm chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu”… Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, thành phố đã xây dựng 01 mô hình chợ thí điểm ATTP, với kinh phí 250 triệu đồng.
Từ đó, từng bước định hướng phát triển ngành chế biến sâu, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo ATTP của các mặt hàng; góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển bền vững của thành phố. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại và quảng bá cho các sản phẩm trong chuỗi, đến nay đã ký kết được các hợp đồng phân phối sản phẩm chất lượng cho hệ thống các cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc; thực hiện cam kết về sản lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn.
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác ATTP; triển khai và cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, Kế hoạch và chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ ngành, Thành ủy, UBND thành phố về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.
Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng các nội dung của Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan khác đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng bằng nhiều hình thức khác nhau; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và cơ sở vi pham về ATTP góp phần cảnh báo, răn đe các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có hành vi vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Phổ biến, tuyên truyền đến từng cán bộ và nhân dân tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình nuôi trồng, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và dư lượng thuốc kháng sinh; kiểm soát ATTP các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể; thường xuyên giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, thức ăn đường phố và các lễ hội, sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố.
Bốn là, tiếp tục hướng dẫn và rà soát, bổ sung quy hoạch, xây dựng và tổ chức triển khai các đề án vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng quy trình, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP, Global GAP...) và hệ thống quản lý ATTP tiên tiến (ISO 22000, HACCP, BRC,...). Phối hợp với Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn và quảng bá sản phẩm an toàn.
Năm là, quan tâm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho công chức, viên chức làm công tác ATTP các cấp; kiện toàn bộ máy quản lý ATTP ngành công thương theo hướng bố trí, phân công cán bộ làm công tác ATTP các cấp phải là chuyên trách gắn với Đề án vị trí việc làm.
Sáu là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vệ sinh ATTP; rà soát, đề xuất, sửa đổi bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn,...; hỗ trợ áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt VietGAP và áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP tiên tiến như GMP, HACCP, ISO; hỗ trợ xây dựng và phát triển các chuỗi ngành hàng nông sản, thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; rà soát, kiến nghị bãi bỏ và cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, xây dựng quy trình thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, rút ngắn thời gian thực hiện đảm bảo công khai minh bạch, giảm chi phí sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn./.
Nguyễn Ngọc Quy
Ban Tuyên giáo Thành uỷ Cần Thơ