(TG)-Ngày 13/3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ do ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng đoàn giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, đã làm việc với lãnh đạo thành phố về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, đến cuối năm 2017, thành phố Cần Thơ có 27/36 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75% kế hoạch. Trong năm 2018, dự kiến thành phố Cần Thơ sẽ công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2019 sẽ công nhận 3 xã còn lại để hoàn thành kế hoạch công nhận 36 xã nông thôn mới trên địa bàn, trước 1 năm so với Nghị quyết của Đảng bộ thành phố đề ra.
Ông Dũng cũng cho biết, quan điểm của thành phố Cần Thơ là không chạy theo số lượng mà xây dựng xã nông thôn mới phải đảm bảo chất lượng, không để nợ tiêu chí. Tuy nhiên, do các tiêu chí đều được nâng lên, để đạt chuẩn cũng khó hơn so với ban đầu, nhiều xã đã thực hiện xong, những xã còn lại có nhiều tiêu chí đạt rất thấp. Địa phương phải vừa hoàn thành các tiêu chí cho các xã chưa được công nhận, đồng thời tiếp tục nâng chất các xã đã đạt chuẩn trước đó, song lại chưa đạt theo chuẩn mới và phải thực hiện quyết liệt mới đạt được kế hoạch đề ra.
Khó khăn lớn nhất ở các xã còn lại tập trung vào các tiêu chí như: Bảo hiểm y tế, tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, cảnh quan môi trường... Mặt khác, một số cấp ủy ở các địa phương chưa quan tâm đúng mức, một số địa phương được công nhận xã nông thôn mới còn ỷ lại, không tập trung đầu tư nâng chất, còn trông chờ vào cấp trên, hoạt động thiếu quyết tâm, quyết liệt. Công tác tuyên truyền vận động trong nội bộ và nhân dân chưa được tốt. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như trường học, giao thông, các thiết chế văn hóa và một số tiêu chí chưa xác hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Ông Dũng kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở, nhà máy ở vùng nông thôn để thu hút lao động tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành nguồn kinh phí đầu tư các mô hình thí điểm sản xuất nông nghiệp tập trung phục vụ hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Thành phố cũng rất cần các nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ cùng với nguồn vốn địa phương để duy tu, bảo dưỡng các công trình giáo dục, y tế, văn hóa ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới...
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ cũng nêu lên những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện các tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập của người dân, cảnh quan môi trường, độ bao phủ bảo hiểm y tế, an ninh quốc phòng, giáo dục... mới chỉ đạt chứ chưa vượt cao, chưa có tính bền vững.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của thành Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng đoàn Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố Cần Thơ, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các địa phương và các thành viên trong Ban Chỉ đạo, đồng thời cho biết sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, điều chỉnh một số tiêu chí nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền..../.
TG