Trong năm nay, nhiều đồng tiền tại khu vực châu Á đã mất giá so với đồng
USD Mỹ trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc
với Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá giới hoạch định chính sách
ở châu Á hiện nay đã có kinh nghiệm để xử lý tốt hơn so với các giai
đoạn trước đây.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Myanmar cùng một số nước
khác đã chứng kiến các đồng nội tệ mất giá. Từ tháng 6, giá trị đồng
rupee của Ấn Độ hạ xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, đồng Nhân dân
tệ của Trung Quốc cũng giảm 3,2%.
Các nhà kinh tế đã chỉ ra những yếu tố khiến các đồng tiền trong khu vực
mất giá, trong đó có tác động dây chuyền của những khó khăn tài chính ở
Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, những lo ngại của giới đầu tư khi cân nhắc đổ
tiền vào châu Á vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhất là khi
Washington chuẩn bị áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của
Trung Quốc, cũng được xem là một yếu tố chủ yếu khiến giá trị các đồng
tiền ở các nước châu Á sụt giảm.
Ông Song Seng Wun, kinh tế gia thuộc ngân hàng tư nhân CIMB ở Singapore,
nhận định: “Về cơ bản, tất cả những gì mà chúng ta lo sợ xảy ra bây giờ
và trong quá khứ dường như đang hội tụ về một mối.”
Tuy nhiên, các nhà kinh tế tin rằng các cơ quan đặc trách chính sách
tiền tệ ở châu Á đã rút ra được bài học từ những đợt tiền giảm giá trong
quá khứ, như đã xảy ra vào năm 2013, 2015 và 2016.
Bà Marie Diron, Giám đốc điều hành của Moody’s Investors Service tại
Singapore cho rằng các cơ quan đặc trách chính sách tiền tệ châu Á đã có
những phản ứng kịp thời trước tình trạng tiền tệ mất giá trong năm nay,
và tỏ ra nhạy bén hơn so với năm 2013 khi dòng vốn bị rút ra khỏi châu Á
vì kế hoạch kích thích kinh tế của Mỹ đang tuần tự khép lại. Đơn cử như
tại Indonesia, để củng cố đồng rupiah, giới chức nước này đã tăng lãi
suất 4 lần trong vòng 3 tháng.
Các cơ quan đặc trách chính sách tiền tệ ở Ấn Độ và Philippines cũng
tăng lãi suất trong năm nay. Thông thường, việc tăng lãi suất cũng làm
tăng giá trị đơn vị tiền tệ của một nước so với các nước duy trì lãi
suất ở mức thấp. Theo bà Diron, hiện nay các nước châu Á giữ nhiều ngoại
tệ dự trữ hơn và kiểm soát tốt hơn mức thâm hụt ngân sách của họ.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng sự sụt giá của các đơn vị tiền
tệ châu Á nhiều khả năng sẽ không leo thang tới mức khủng hoảng. Kinh tế
gia Song Seng Wun nhận định các đồng tiền tại châu Á “không đủ yếu để
trở thành một mối đe dọa”. Ngược lại, trong một số trường hợp, các quốc
gia phụ thuộc vào xuất khẩu như một số nước Đông Nam Á lại có nhiều cơ
hội hơn với đồng tiền yếu./.
(TTXVN)