Theo Bộ Y tế, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tại các địa phương trong cả nước không ghi nhận ổ dịch bệnh truyền nhiễm tập trung và các trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. Tuy nhiên, đáng lo ngại khi tại Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị 2 trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm gia cầm. Cả 2 bệnh nhân này đều là nam giới, đến từ Hà Nội và Quảng Ninh. Sau khi khởi phát bệnh với các biểu hiện ho, sốt, khó thở, tức ngực, cả 2 bệnh nhân này đều được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị trong tình trạng viêm phổi nặng.
Trước việc ghi nhận 2 trường hợp viêm phổi nghi nhiễm cúm gia cầm rất nguy hiểm, các đơn vị y tế dự phòng ở địa phương và cơ sở y tế tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân trên đã tiến hành khử trùng môi trường và tổ chức theo dõi sức khỏe của những người tiếp gần xúc gần với 2 người bệnh này.
Đặc biệt, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm sâu; kết quả xét nghiệm cho thấy cả 2 bệnh nhân này bị đồng nhiễm cúm A/H1N1 và cúm B. Đây là các chủng cúm mùa thông thường, hiện các trường hợp này vẫn đang tiếp tục được cách ly và điều trị tại bệnh viện.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân viêm phổi nặng này cho thấy, kể từ năm 2015 tới nay, dịch cúm gia cầm H5N1 rất nguy hiểm ở trên người vẫn được khống chế thành công ở nước ta. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan trước nguy cơ mắc cúm mùa, qua giám sát trong thời gian qua, các trường hợp mắc cúm trên người chủ yếu là cúm mùa: A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Hơn nữa, trong giai đoạn mùa đông - xuân hiện nay, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người không hề nhỏ, nhất là khi nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia cầm tăng cao.
Các gia đình cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm chủng vaccine đầy đủ để phòng ngừa dịch bệnh
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, trong số các chủng cúm thì virus cúm A/H5N1 và A/H7N9 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường từ gia cầm lây sang người. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh, qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín. Biểu hiện của bệnh thường là sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, đau người, đau cơ... Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Nguy hiểm hơn, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh cho người.
Cảnh giác trước nhiều dịch bệnh
Mặc dù không ghi nhận các ổ dịch tập trung truyền nhiễm nhóm A và không ghi nhận dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, nhưng trong thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã ghi nhận lẻ tẻ các ổ dịch sởi, sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng, quai bị... Trong đó, đối với dịch bệnh tay chân miệng, cả nước ghi nhận 525 trường hợp mắc và không tử vong. Cùng với đó là 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành, chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam, không có tử vong.
Đặc biệt, sốt xuất huyết ghi nhận hơn 2.640 trường hợp mắc, trong đó có một ca tử vong tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, hiện nay là thời điểm mùa đông - xuân, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi làm cơ thể con người giảm sức đề kháng, nên người yếu nhất là trẻ em không thích nghi kịp, rất dễ nhiễm bệnh. Hơn nữa, điều kiện thời tiết này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và lây lan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Cũng cần lưu ý đây cũng là giai đoạn của lễ hội đầu xuân năm mới, người dân đi lại giữa các địa phương rất nhiều cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, cúm…, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện nghiêm túc việc ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt. Không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết; đặc biệt không ăn tiết canh cũng như các loại thịt gia súc, gia cầm chưa được nấu chín. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi chưa được khử trùng. Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng khí. Ngủ mùng, phòng chống muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm phải đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng ngừa, các gia đình cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trên thế giới đang có đợt dịch Ebola bùng phát tại Congo (với 789 người mắc, trong đó 488 người đã tử vong từ ngày 1-8-2018 đến 10-2-2019). Cùng với đó, dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, với số mắc lên tới hơn 357.000 người. Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Ebola và các dịch bệnh khác trên thế giới, để có các biện pháp đáp ứng một cách phù hợp, hiệu quả.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cả nước hiện chưa phát hiện ổ dịch cúm gia cầm nào nhưng nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm vào Việt Nam là rất cao, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới với các nước. Đặc biệt, qua giám sát cũng cho thấy tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm type A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9 tương đối cao ngay trên đàn gia cầm khỏe mạnh, chiếm khoảng 5%.
|
MINH KHANG/SGGP