(TG) - Được ví như “cánh tay nối dài” của ngành Hải quan, dù được hỗ trợ, tạo thuận lợi về nhiều mặt nhưng phần lớn các đại lý thủ tục hải quan hoạt động vẫn chưa hiệu quả, xứng tầm. Bởi vậy, làm thế nào để các đại lý thủ tục hải quan phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng là vấn đề đặt ra…
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) tính đến hết năm 2012, cả nước có khoảng 200 đại lý thủ tục hải quan (ĐLTTHQ), với số nhân viên khoảng 300 người. So với cách đây 5 năm, con số này tăng không đáng kể, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam liên tục tăng mạnh mỗi năm.
Là trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động XNK lớn nhất cả nước, với khoảng trên 30.000 DN. Lẽ ra với số DN này, cần phải có hệ thống ĐLTTHQ đông đảo để phục vụ, nhưng phần lớn những DN tại địa bàn này đều tự mình làm mà không tìm đến ĐLTTHQ. Bên cạnh đó, các ĐLTTHQ còn thiếu chủ động trong việc phục vụ DN, không tuân thủ các quy định. Hiện nay, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh đã cấp phép cho 51 DN đủ điều kiện hoạt động ĐLTTHQ, tuy nhiên, trong số đó có 39 đại lý hoạt động chưa tuân thủ đúng quy định (không báo cáo hoạt động) và chưa hoạt động…
Tại Hà Nội, đến hết quý I/2013, Cục Hải quan Hà Nội đã xác nhận 36 công ty đăng ký hoạt động ĐLTTHQ. Việc các đại lý đại diện cho DN khi làm thủ tục hải quan cũng đã hướng dẫn các DN thực hiện đúng quy định về chế độ, chính sách XNK, là cầu nối giữa cơ quan Hải quan và DN… Tuy nhiên, đại diện Cục Hải quan Hà Nội cũng cho biết, phần lớn các ĐLTTHQ hoạt động vẫn chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy đúng vai trò và vị thế của mình. Các ĐLTTHQ hầu như hoạt động theo hình thức chủ hàng ủy quyền, giúp chủ hàng khai báo, việc ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan vẫn là chủ hàng. Do đó, khi xảy ra vấn đề gì thì ĐLTTHQ không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với cơ quan Hải quan. Chính vì vậy, nhiều DN XNK chưa thực sự tin cậy vào năng lực của ĐLTTHQ, chưa dám giao hết việc làm thủ tục hải quan cho các ĐLTTHQ vì sợ rằng khi có vướng mắc sẽ gặp nhiều rắc rối.
Cùng tình cảnh trên, Bình Dương hiện có 12 DN được cấp phép hoạt động ĐLTTHQ, nhưng chỉ có một vài DN hoạt động hiệu quả, với số lượng tờ khai XNK thực hiện lớn, còn phần lớn các đại lý này vẫn hoạt động rời rạc, chủ yếu vẫn là khai thuê hải quan…
Đánh giá về thực trạng trên, ông Nguyễn Nhất Kha - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan cho biết: Mặc dù kim ngạch làm thủ tục hải quan qua đại lý rất lớn, nhưng gần như tất cả tờ khai đều do các nhà DN XNK đứng tên. Mặc dù về góc độ kinh tế thì đại lý đứng tên trên tờ khai hải quan sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí về tiền và thời gian cho mỗi bên nhưng các bên vẫn chưa tìm được sự hợp tác một cách chặt chẽ và hiệu quả. Nguyên nhân cơ bản là thiếu sự tin tưởng lẫn nhau.
Phân tích thêm về những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Trần Thanh Bình - Cục Hải quan Hà Nội cho rằng, do nhận thức của các DN hiện nay vẫn chỉ coi các ĐLTTHQ là cơ quan dịch vụ giao nhận hàng hóa, chưa thể đại diện toàn diện cho các DN khi làm thủ tục. Cùng với đó là các đại lý chưa chủ động, tổ chức gặp gỡ các chủ hàng, chưa đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất, đào tạo nhân viên khai đại lý hải quan... để phục vụ DN tốt hơn.
Tuy nhiên, nhiều ĐLTTHQ cho biết, hiện vẫn tồn tại hiện tượng các DN không có giấy phép kinh doanh dịch vụ khai thuê hải quan, không được hải quan công nhận đại lý, nhưng vẫn ký hợp đồng giao nhận, vận tải và liên hệ thực hiện thủ tục hải quan thông qua giấy giới thiệu chính là người của công ty (chủ hàng). Những tồn tại này gây ra hiện tượng cạnh tranh không lạnh mạnh (chào giá thấp) so với đại lý được công nhận, tình trạng mất hồ sơ, dữ liệu khai hải quan, không bàn giao hồ sơ khai hải quan cho chủ hàng khi có tranh chấp, kết thúc hợp đồng làm khó khăn cho chủ hàng và cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài xử lý các DN này.
Đi sâu về chất
Để phát huy vai trò của ĐLTTHQ, trong thời gian qua, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch phát triển theo hướng tạo điều kiện hỗ trợ đại lý phát triển chuyên nghiệp để xứng tầm là “cánh tay nối dài” của cơ quan Hải quan. Điển hình, Cục Hải quan Bình Dương đã cụ thể hóa các quyền ưu tiên trước của ĐLTTHQ trong quá trình thông quan, hỗ trợ đại lý phát triển khách hàng, cung cấp thông tin quy định pháp luật hải quan và tuyên truyền trên website; định kỳ họp đại lý để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Phần nhiều các đại lý đều có mối liên hệ phối hợp tốt với cơ quan Hải quan, chấp hành tốt pháp luật về hải quan; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ĐLTTHQ, Cục Hải quan Hà Nội đã và đang tập trung vào việc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc của các đại lý, xây dựng chế độ ưu tiên cụ thể đối với các ĐLTTHQ, xây dựng cơ chế, điều kiện thuận lợi cho các ĐLTTHQ. Đồng thời, từng bước cải tiến công tác quản lý, thường xuyên trao đổi, hỗ trợ hoạt động của các đại lý, cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan thực sự phát triển có hiệu quả…
Theo ông Daniel Perrier - chuyên gia Tổ chức Hải quan thế giới (WCO): Người đại lý và DN XNK không giống nhau. DN XNK có lợi ích trực tiếp với giao dịch từ hàng hóa của họ, nhưng người đại lý thủ tục hải quan chỉ có lợi ích từ việc làm dịch vụ thông quan. Đây là những lợi ích khác nhau. Do đó, phải đưa ra nguyên tắc, quy định có liên quan đến tích chất và ngành nghề kinh doanh. Đại lý hải quan bị ràng buộc bởi tính chất dịch vụ mà họ cung cấp. Nếu như đối xử như nhau sẽ có nhầm lẫn, không rõ ràng giữa trách nhiệm cũng như các dịch vụ.
“Để phát triển được hệ thống đại lý Hải quan phải hiểu tính chất, ngành nghề kinh doanh của đại lý Hải quan để xác định lợi ích chính của họ trong giao dịch. Từ đó, các cơ quan quản lý phải sáng tạo ra lợi ích cho đại lý Hải quan” - ông Daniel Perrier nói./.
Thu Hằng