Đơn giản, thuận tiện, giảm sự quá tải
Ngay từ mục tiêu của Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/4/2012 tại Quyết định số 447/QĐ-TTg đã nêu rõ “bảo đảm thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất được thực hiện đơn giản, thuận tiện theo cơ chế “một cửa”, theo ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, đây chính là hiệu quả cao nhất đem lại cho người dân khi thực hiện Đề án thí điểm này.
Đó là, hệ thống thông tin đất đai được xây dựng, quản lý thống nhất từ cấp tỉnh đến cơ sở, được khai thác, sử dụng bởi một cơ quan thống nhất sẽ đảm bảo được độ chính xác, nhanh chóng, thuận lợi cho người sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về đất đai.
Thời gian thực hiện Đề án trong 21 tháng, từ tháng 4/2012 và kết thúc vào tháng 12 năm 2013. Tại tỉnh Hà Nam, đề án được thí điểm trong phạm vi thành phố Phủ Lý và 2 huyện Lý Nhân, Kim Bảng. Tại thành phố Hải Phòng, thí điểm trong phạm vi quận Ngô Quyền và huyện Thủy Nguyên. Tại thành phố Đà Nẵng, thí điểm trong phạm vi toàn thành phố (6 quận, 2 huyện). Tại tỉnh Đồng Nai, thí điểm trong phạm vi toàn tỉnh (1 thành phố, 1 thị xã, 9 huyện). |
Việc thực hiện các thủ tục hành chính đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất sẽ được nhanh hơn, thuận tiện hơn qua cơ chế “một cửa” mà mô hình Văn phòng Đăng ký một cấp sẽ thực hiện.
Thành phố Đà Nẵng là một trong những đơn vị được triển khai thí điểm trên địa bàn toàn thành phố. Theo đánh giá của ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng, việc triển khai này sẽ tạo thuận lợi cho công dân được nộp và nhận hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố hoặc một trong các chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đóng trên địa bàn các quận, huyện.
Theo đó, thống nhất một đầu mối, một quy trình giải quyết hồ sơ cho công dân trên toàn thành phố, đỡ mất thời gian đi lại nhiều lần trong việc hoàn thiện và giải quyết hồ sơ.
Việc thực hiện thủ tục hành chính “một cửa” trong việc nộp, nhận hồ sơ và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan sẽ giảm bớt việc gây phiền hà, tiêu cực từ cơ sở đối với người dân; bảo đảm việc cấp Giấy chứng nhận, đăng biến động về sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho người dân được thực hiện đơn giản, công khai, thuận tiện, khoa học theo cơ chế “một cửa”.
Ngoài ra, công dân sẽ dễ dàng hơn trong việc tra cứu thông tin đất đai, cũng như việc sao lục hồ sơ địa chính. Hạn chế tình trạng thất lạc hồ sơ lưu trữ.
Từ góc độ khác, ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, việc kiện toàn Hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ đáp ứng yêu cầu các thông tin về đất đai (chủ sử dụng đất, mục đích sử dụng tài sản trên đất, giá đất…), đặc biệt thông tin về thị trường đầu tư vào sản xuất kinh doanh cũng như chuyển nhượng bất động sản. Các thông tin được công khai, minh bạch, đảm bảo tính công bằng, tạo điều kiện cho nhân dân hiểu và có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc giám sát, phát hiện các vi phạm trong quản lý sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đánh giá hiệu quả lớn nhất của việc kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, sẽ khắc phục ngay được sự quá tải về đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận cho nhân dân.
Quản lý thống nhất hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai
Theo ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai, mô hình Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cấp sẽ đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức, bộ máy, trong sự quản lý, chỉ đạo, điều hành. Về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo được sự thông suốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nhất là trong việc vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về đất.
“Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai được quản lý thống nhất tại cấp tỉnh, vì vậy, khi triển khai mô hình Văn phòng một cấp sẽ thuận lợi trong việc quản lý, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu, phục vụ nhu cầu của người sử dụng đất và công tác quản lý của nhà nước”, ông Hưng đánh giá.
Còn theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng, với việc xây dựng một hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ tăng thêm vai trò, trách nhiệm và sự chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức triển khai thực hiện đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng và cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính; đảm bảo hồ sơ địa chính luôn được cập nhật, chỉnh lý đầy đủ, đồng bộ, tránh tình trạng không thống nhất giữa các cấp như hiện nay.
Ngoài ra, sẽ nâng cao tính thống nhất về nghiệp vụ và tăng tính chuyên nghiệp, thống nhất trong giải quyết các yêu cầu thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đất đai; phân bố hợp lý, hỗ trợ lực lượng cán bộ giữa các đơn vị để tổ chức thực hiện, giải quyết kịp thời công việc trong trường hợp có sự gia tăng đột biến về nhu cầu cấp Giấy chứng nhận, đăng ký biến động trong cùng một thời gian.
Ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, tỉnh đang chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng hiện đại, đáp ứng được mục tiêu đề ra, chất lượng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai chính xác, đồng bộ và quản lý bằng công nghệ số, nên việc triển khai Đề án này tại tỉnh có nhiều thuận lợi.
Theo đánh giá của ông Dũng, với mô hình hệ thống Văn phòng đăng ký một cấp, hồ sơ địa chính sẽ không phải xây dựng nhiều bộ, lưu giữ ở nhiều cấp như hiện nay, sẽ hạn chế tình trạng thất lạc hồ sơ, tiết kiệm được nhiều kinh phí cho cả việc xây dựng ban đầu và việc quản lý, cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên; đồng thời đảm bảo cho hồ sơ địa chính luôn được cập nhật, chỉnh lý đầy đủ, đồng bộ, tránh được tình trạng không thống nhất giữa các cấp hiện nay.
Đề nghị được triển khai Đề án đồng bộ
Việc áp dụng mô hình thí điểm chỉ đối với một quận và một huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng, theo quan điểm của ông Trịnh Quang Trường, Chánh Văn phòng UBND quận Ngô Quyền, sẽ gặp một số khó khăn do môi trường pháp lý giữa quận, huyện thực hiện thí điểm với những đơn vị không thực hiện thí điểm là không đồng nhất.
Vì thế, ông Trường đề nghị được áp dụng đồng bộ trên địa bàn toàn thành phố Hải Phòng (như Đà Nẵng) để đảm bảo môi trường pháp lý đồng nhất và tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện việc xin cấp Giấy chứng nhận và các giao dịch.
“Việc điều chỉnh mô hình hoạt động theo đề án thí điểm mà thiếu đồng bộ trong toàn thành phố có thể kéo theo một số bất cập do công tác quản lý, phối hợp giữa các đơn vị như giữa UBND các phường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND quận với Chi nhánh Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ cấp Giấy chứng nhận của người dân”, ông Trường cho hay.
Hà Nam có 6 đơn vị huyện, thành phố, nhưng chỉ làm thí điểm 3 đơn vị tại thành phố Phủ Lý và 2 huyện, vì vậy, theo ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, tỉnh sẽ có một số khó khăn nhất định trong việc chỉ đạo công tác quản lý đất đai của tỉnh. “Để tạo môi trường đồng nhất, đề nghị cho phép tỉnh Hà Nam làm mô hình Văn phòng đăng ký một cấp cho tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh để thuận tiện triển khai và chỉ đạo thực hiện” ông Dũng đề xuất.
Để Đề án thí điểm sớm phát huy hiệu quả, các địa phương thí điểm đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện Đề án, cũng như hướng dẫn địa phương xây dựng, điều chỉnh các quy trình, quy chế làm việc phối hợp giữa các đơn vị.
“Thời gian triển khai thực hiện thí điểm theo như quy định tại Quyết định số 447/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được cho là quá ngắn, chưa đủ để đánh giá được một cách toàn diện về hiệu quả, kết quả thực hiện đề án; do đó, đề nghị tăng thời gian thí điểm ít nhất là một năm so với quy định, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố Đà Nẵng kiến nghị./.
Chinhphu.vn