Thông tin từ các trang báo nước ngoài cho
biết, Real Madrid bắt đầu tận thu từ thương vụ mua G. Bêu với số tiền
khủng, mà có huấn luyện viên đã gọi là “vô đạo đức” (chắc là đem so sánh
với những người nghèo và cả tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở
Tây Ban Nha).
Ngoài việc bán vé (mà theo nhiều nguồn tin lên tới 40 euro) cho mỗi cổ động viên vào xem màn ra mắt của G. Bêu (ước chừng 20.000 cổ động viên đã tới tham dự sự kiện này), các áo đấu mang số 11 của tuyển thủ xứ Wales đang bán đắt như tôm tươi. Chỉ riêng việc giành được quyền kiểm tra y tế cho Bêu, Bệnh viện Sanitas đã phải trả cho Real mức phí gần 10 triệu euro! Với tốc độ kiếm tiền từ thương hiệu của Bêu như vậy, có lẽ chẳng mấy chốc Real sẽ bù lại được khoản tiền khổng lồ mà họ đã bỏ ra để sở hữu và trả lương cho cựu tuyển thủ của Tottenham.
Bóng đá đỉnh cao là vậy: Các giá trị thương mại luôn đi trước giá trị chuyên môn.
Mà đây không phải là lần đầu tiên Real Madrid tiến hành thành công những thương vụ tầm cỡ như vậy. Năm 2009, là C. Rô-nan-đô, trước đó, năm 2005 là Đ. Béc-kham, trước nữa là Di-đan… Tất cả đều là những siêu sao được tậu về với số tiền khổng lồ và đến lượt họ, là những con gà đẻ trứng vàng, mang lại cả núi tiền để lấp đầy két cho câu lạc bộ.
Có nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên khi vào thời buổi khủng hoảng, đồng tiền khan hiếm, vì sao người ta lại có thể bỏ ra những khoản tiền gần như điên rồ để sở hữu những đôi chân cầu thủ. Câu trả lời nằm ở cách nhìn nhận vấn đề dưới góc độ nào.
Pê-rét trước khi đóng vai một ông chủ đội bóng, dẫu là câu lạc bộ vĩ đại nhất của thế kỷ 20, vẫn là một nhà thầu xây dựng. Có nghĩa rằng, ông tiếp cận quá trình tậu về những siêu sao như việc thực hiện một thương vụ, xem xét liệu nó có mang lại lợi nhuận hay không đã.
Mà đã là thương vụ thì có thể thành công, có thể thất bại, tùy thuộc vào giá trị món hàng.
Từ sự kiện của G. Bêu, có thể nhìn lại một số “thương vụ” của bóng đá Việt theo chiều “xuất khẩu” mới thấy cám cảnh.
Có cầu thủ đang ở thời kỳ đỉnh cao phong độ được xuất ngoại đá cho một câu lạc bộ nước ngoài để “trả nợ” cho những chiếc xe được “viện trợ” cho ngành chủ quản của câu lạc bộ mà cầu thủ này đang thi đấu.
Có cầu thủ khác, tạm gọi là “siêu sao” đi, đang tràn ngập hy vọng trở thành vua phá lưới giải bóng đá nội, bỗng dưng xuất ngoại để thi đấu cho một nền bóng đá được coi là hơn bóng đá ta cả mấy cái đầu. Đi để học hỏi, để quảng bá cho bóng đá Việt là lý lẽ dễ được chấp nhận và cảm thông nhất.
Kết quả là gì? Trong 5 trận, “siêu sao” của bóng đá Việt xuất hiện được trên sân vẻn vẹn 8 phút, còn lại đánh bóng băng ghế dự bị! Trong khi đó, nhất cử nhất động của “siêu sao” đều được bộ phận truyền thông của bạn cập nhật liên tục, chi tiết, tỉ mỉ…
Tìm hiểu sâu xa ra, có vẻ như “siêu sao” của chúng ta được mua về với mục đích quảng cáo cho một nhãn hiệu bia còn chưa quen thuộc mấy với dân nhậu Việt Nam. Thật là tội nghiệp.
Bóng đá hiện đại giờ đây luôn đi cùng với những lợi ích kinh tế. Nền bóng đá lớn thì lợi ích lớn, nhỏ thì lợi ích nhỏ. Nhưng không thể bỏ qua được yếu tố này trong chiến lược phát triển bóng đá, dù là ở cấp câu lạc bộ hay của cả nền bóng đá quốc gia./.
Yên Ba (QĐND)