(TG) - Với số lượng ca nhiễm COVID-19 vẫn chưa có xu hướng suy giảm, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hướng một số mục tiêu chăm sóc, điều trị. Đó là quản lý sức khỏe người nhiễm COVID-19 tại nhà và nhanh chóng triển khai xây dựng, vận hành một loạt các bệnh viên dã chiến với sự hỗ trợ của Trung ương nhằm mục tiêu cấp cứu, hạn chế tử vong do dịch bệnh.
QUẢN LÝ SỨC KHỎE NGƯỜI NHIỄM COVID-19 TẠI NHÀ
Đối với việc chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà, có hai vấn đề phải luôn được chú trọng là “nhanh” và “nóng”. Mọi thông tin của người nhiễm phải được xử lý cấp tốc, tránh chuyển biến nặng. Đường dây nóng cũng phải luôn túc trực.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, để đảm bảo người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà được quản lý và theo dõi sức khỏe, kịp thời được hỗ trợ y tế khi có các triệu chứng chuyển nặng đã có hướng dẫn. Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Thủ Đức và các quận, huyện và phường, xã chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, theo dõi sức khỏe những người nhiễm mới được cách ly tại nhà. Việc làm này hướng đến mục tiêu phát hiện những dấu hiệu chuyển nặng và can thiệp điều trị kịp thời nhất.
Các Tổ công tác của Bộ Y tế đã tập huấn, hướng dẫn cho các phường của quận Bình Tân về việc vận hành và hoạt động các tổ phản ánh ứng nhanh cấp phường. Các tổ này như cánh tay đắc lực từ cơ sở góp phần quan trọng trong công tác quản lý sức khỏe người nhiễm COVID-19 tại nhà.
Bên cạnh việc thành lập các tổ phản ứng nhanh, quận Bình Tân cũng thành lập 11 tổ giáo viên tư vấn qua điện thoại. Thành viên của 11 tổ giáo viên tư vấn nắm kỹ, nắm chắc danh sách các ca nhiễm COVID-19 đang quản lý ở nhà. Hàng ngày/đêm họ sẽ điện thoại đến hỏi thăm kỹ từng chi tiết, biểu hiện của sức khỏe người nhiễm. Còn 11 tổ phản ứng nhanh ở 11 phường và một tổ ở Trung tâm Y tế quận sẽ làm nhiệm vụ xử trí khi có thông tin bất thường về ca nhiễm. Giữa các tổ phản ứng nhanh với các tổ giáo viên có mối quan hệ mật thiết với nhau, tương trợ, thông tin cho nhau. Đặc biệt, ở tất cả các phường của Bình Tân đã bố trí được ô tô vận chuyển người mới nhiễm COVID-19 đang theo tại nhà khi cần.
Các tổ phản ứng nhah tại mỗi phường sẽ gồm bác sĩ, điều dưỡng của Trạm y tế, Trung tâm y tế, bệnh viện… công an, đoàn viên. Trong đó nhân viên y tế chịu trách nhiệm chính trong sơ cấp cứu. Bất kể khi nào nhận được cuộc gọi của người dân trên địa bàn, tổ phản ứng nhanh phải đánh giá mức nguy cơ và dựa vào triệu chứng người gọi để quyết định đưa xe vận chuyển đến tận nhà người dân.
Để xử trí giúp người nhiễm đang được quản lý, cách ly tại nhà tốt nhất, các xe vận chuyển phải đảm bảo trang bị bình oxy, dụng cụ thở oxy, máy đo SpO2. Trong trường hợp xe đã được huy động cho trường hợp khác thì gọi 115 để được hỗ trợ. Nếu người nhiễm có Spo2 trên 97%, không có triệu chứng bất thường thì hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà. Nếu SpO2 từ 95 đến 96% kèm triệu chứng sốt, ho, đau họng, tức ngực…cho người bệnh thở oxy qua mũi; vận chuyển đến cơ sơ cách ly tập trung. Với các trường hợp nặng hơn, ngành y tế TP.HCM cũng có các hướng dẫn cụ thể.
Khi người nhiễm được quản lý ở gia đình gọi các tổ đến thì quan sát cho thật kỹ càng các dấu hiệu lâm sàng và tiến hành đo SpO2 ngay. Căn cứ vào thực tế, nếu nhận thấy dấu hiệu lâm sàng biểu hiện nặng thì liên hệ khẩn cho Trung tâm y tế để có các biện pháp sắp xếp nhận bệnh. Người thông thạo đường là các đoàn viên thanh niên ở các phường.
NHANH CHÓNG ĐƯA CÁC BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN VÀO HOẠT ĐỘNG
Sau gần một tháng triển khai xây dựng và thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 tại 3 Bệnh viện Dã chiến, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã phối hợp cùng các bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế là Bạch Mai, Việt Đức, Huế để đưa 3 bệnh viện này vào sử dụng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chia sẻ, hiện nay TP.HCM đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, hơn 4 tháng qua cả hệ thống chính trị, các lực lượng tuyến đầu cùng toàn thể người dân Thành phố với sự hỗ trợ của Trung ương, các địa phương trên cả nước vẫn đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết nên từ đầu tháng 7, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động thành lập bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID số 1. Đến nay, đã có 15 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị và 42 bệnh viện, cơ sở được thiết lập trên địa bàn TP.HCM
“Việc đưa vào hoạt động các Bệnh viện Dã chiến, các trung tâm hồi sức tích cực với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cùng các trang thiết bị hiện đại đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị cho các ca F0 trên địa bàn, cũng như phát huy các hiệu quả các bệnh viện trong hệ thống điều trị của Thành phố”. Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Là một trong những chuyên gia sẽ trực tiếp tham gia vận hành, quản lý các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, bệnh viện Dã chiến số 16 đặt tại Quận 7 (TP.HCM) có gần 3.000 giường, trong đó có 500 giường hồi sức dành cho bệnh nhân nặng. Các bác sỹ sẽ áp dụng hàng loại phương pháp hội chẩn, điều trị để hướng đến hiệu quả cao nhất cho người bệnh. Cùng với máy móc, thiết bị hiện đại, Bệnh viện còn thiết lập hệ thống camera trung tâm có khả năng đáp ứng theo dõi bệnh nhân và các thiết bị hỗ trợ 24/7 kết nối với các trung tâm giám sát và điều hành, làm giảm gánh nặng cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Để hội chẩn các ca bệnh nặng tốt nhất, các y bác sĩ cũng nắm chắc phương pháp hội chẩn trực tuyến. Đã thiết lập hệ thống Telehealth kết nối trực tuyến với Bộ Y tế, Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai... Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 ở Bệnh viện Dã chiến 16 sẽ đảm bảo công tác theo dõi liên tục bệnh nhân cũng như công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai…Đồng thời hệ thống này sẽ là một kênh đào tạo hiệu quả của Bệnh viện Bạch Mai dành cho các nhân viên y tế tham gia chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Tại Bệnh viện Dã chiến 16 đã triển khai 3 xe X-Quang di động nhằm phục vụ tối đa cho toàn bộ Trung tâm Hồi sức tích cực và toàn Bệnh viện Dã chiến 16.
Cùng với máy móc, các nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện bạn đang trực tiếp tham gia công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực và Bệnh viện Dã chiến số 16 đã được trang bị đầy đủ kỹ năng. Đặc biệt là những kỹ thuật quan trọng như phòng hộ và chống nhiễm khuẩn, các kỹ thuật hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân thở máy, thở HFNC và nhiều kỹ thuật khác. Công tác chống nhiễm khuẩn được nâng cao lên mức cảnh giác cao nhất, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - GĐ Bệnh viện Bạch Mai: Việc hình thành nên một Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 với quy mô và đầy đủ máy móc hiện đại như thế này trong thời gian ngắn là một thành quả to lớn. Thành quả ấy là tự sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, sự giúp đỡ của TP.HCM. Bên cạnh đó còn có sự đồng lòng, quyết tâm cao của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện khác và đoàn y tế các địa phương hỗ trợ. Tại cơ sở này sẽ điều trị hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân COVID-19 nặng./.
Trọng Đạt