Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 26/6/2020 11:26'(GMT+7)

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong mùa nắng nóng

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm hẳn. Cuối tháng 4-2020, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, cả hai cơ sở của bệnh viện tiếp nhận khoảng 900 bệnh nhân/ngày, giảm 50% so với trước. Nhưng đến nay, lượng bệnh nhân đã tăng lên khoảng 1.100-1.200 người/ngày.

Riêng Khoa Cấp cứu của bệnh viện, trung bình tiếp nhận 40-50 bệnh nhân/ngày do suy tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não..., trong đó có khoảng 10 trường hợp bị ảnh hưởng do nắng nóng.

Theo PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát, nhưng với lượng bệnh nhân bắt đầu tăng lên, Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn duy trì phòng khám dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19. Ngoài ra, Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn thực hiện kê khai y tế, thiết lập máy đo thân nhiệt tự động và khử trùng vệ sinh tay cho người ra, vào… Bệnh viện chỉ cho một bệnh nhân kèm một người nhà đi cùng, không cho phép khách đến thăm người bệnh. Với thời tiết nắng nóng bất lợi cho sức khỏe như hiện nay, người bệnh mạn tính nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tránh ngại đến bệnh viện sẽ làm nguy cơ bệnh tăng lên.

Nắng nóng cũng khiến lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tăng trở lại như trước khi có dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, trung bình có 1.200-1.500 người tới khám/ngày, chủ yếu là người cao tuổi mắc bệnh mạn tính. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhi đến khám với các bệnh, như: Viêm phổi, tiêu chảy, sốt vi rút… có liên quan đến nắng nóng.

Tương tự, tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca cấp cứu tăng khoảng 130-150% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19, trong đó phổ biến là bị đột quỵ, viêm phổi, sốc nhiệt...

Với sự nắng nóng trong những ngày qua khả năng thích nghi của người cao tuổi với sự thay đổi của thời tiết rất kém, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có bệnh nền mạn tính. Cũng ở người cao tuổi, do các triệu chứng bệnh thường mờ nhạt, khó nhận diện, khiến không ít trường hợp vào viện khi bệnh đã trở nặng. Một lưu ý nữa, nắng nóng dễ khiến tăng thân nhiệt quá mức bình thường và mất nước dẫn đến sốc nhiệt. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ.

TS.BS. Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết: Nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp thần kinh... Thường trong các đợt nắng nóng kéo dài, người già nhập viện nhiều do đột quỵ, tim mạch.

Theo đó, khi thời tiết nắng nóng, cơ thể phải đổ mồ hôi nhiều dẫn tới mất nước, giảm khối lượng máu, thiếu hụt lượng máu nuôi não; thân nhiệt tăng gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, rối loạn tim mạch… đây là các yếu tố dễ gây đột quỵ não.

BS. Trần Viết Lực khuyến cáo, trong những ngày nắng nóng, quan trọng nhất là tránh để người già bị sốc nhiệt. Cụ thể, vào những ngày nhiệt độ cao, người già có bệnh mãn tính cần tránh ra ngoài nắng. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao khoảng trên 35 độ C, cần điều chỉnh nhiệt độ trong nhà khoảng 26 - 27 độ C là phù hợp, cũng không nên để nhiệt độ thấp quá.

Với những người mắc bệnh mãn tính, người nhà cần nhắc nhở bệnh nhân duy trì việc uống thuốc đều đặn, đúng giờ để tránh các tai biến dễ phát sinh.

Trời nóng thường khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất khoáng; vì vậy, người già cần được bổ sung đủ nước thường xuyên, thậm chí cả lúc không khát.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần biết cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng để phát hiện và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc cho người thân trong gia đình, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch. Cụ thể, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế nếu có các biểu hiện như: Vã mồ hôi nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh; nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt, ngất lịm, trụy mạch, thậm chí li bì, mê sảng, hôn mê… Các trường hợp đều cần phải xử trí nhanh vì chậm có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

 T.Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất