Thứ Tư, 27/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 22/12/2014 10:12'(GMT+7)

Chân thực cuộc sống thường nhật của các cộng đồng tôn giáo

Giáo dân Bùi Chu đi lễ ngày Chủ nhật ở nhà thờ Trung Linh. (Ảnh: Việt Cường)

Giáo dân Bùi Chu đi lễ ngày Chủ nhật ở nhà thờ Trung Linh. (Ảnh: Việt Cường)



Cuộc sống thường ngày ở Bùi Chu, Ea Tul, Trà Vinh… và tất cả các nơi khác trên đất nước Việt Nam luôn là những bằng chứng chân thật và sinh động cho sự ghi nhận này.

Nhịp sống mới ở Bùi Chu


Giáo phận Bùi Chu (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) là một xứ đạo lâu đời và gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển Công giáo tại Việt Nam.

Nhà thờ chánh tòa Bùi Chu nằm ở xã Xuân Ngọc, được khánh thành năm 1885. Đây là một nhà thờ lớn, bề thế và cổ kính, mang đậm dấu ấn kiến trúc phương Tây, là nơi hành lễ của khoảng 1.800 giáo dân trong vùng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà thờ, sơ bà Nguyễn Thị Lan cho biết, hiện tại ở đây có hơn 100 sơ, ngoài giờ đọc kinh cầu nguyện, các sơ đều tham gia lao động, người thì trồng lúa, người thì trồng cây thuốc rồi tự bào chế để dùng chữa bệnh cho người dân trong vùng, vừa để tạo nguồn thu nuôi sống bản thân và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, tàn tật tại cô nhi viện Thánh An.


Đồng bào Công giáo ở Bùi Chu tham gia lễ rước kiệu tại nhà thờ Phú Nhai (xã Xuân Phương huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). (Ảnh: Việt Cường)


Quang cảnh ngày lễ Chủ nhật tại nhà thờ Phú Nhai
thuộc Giáo phận Bùi Chu – Nam Định. (Ảnh: Việt Cường)


Linh mục Nguyễn Đức Giang làm lễ kết hôn
cho đôi bạn trẻ tại nhà thờ chính tòa Bùi Chu. (Ảnh: Việt Cường)


Linh mục làm lễ rửa tội tại nhà thờ Trung Linh – Giáo phận Bùi Chu. (Ảnh: Việt Cường)


Chúng tôi may mắn được dự một buổi tổ chức lễ cưới tại nhà thờ chánh tòa Bùi Chu. Trong tiếng nhạc của điệu kèn Tây cùng ánh nến lung linh, đầm ấm của gian thánh đường, trước sự chứng kiến của Linh mục Nguyễn Đức Giang, đôi bạn trẻ đã trao cho nhau chiếc nhẫn đính hôn thể hiện lòng chung thủy. Nhìn đôi bạn trẻ, chúng tôi cũng vui lây với niềm hạnh phúc vô bờ của họ. Vậy là hôm nay, xứ đạo Bùi Chu lại đón thêm một tin vui mới.

Cũng như nhiều miền quê khác, giáo phận Bùi Chu vốn là một vùng quê nghèo, giáo dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các cấp, đồng bào giáo dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nên ngày càng có nhiều công ty, nhà máy do chính đồng bào giáo dân làm chủ.

Anh Trần Văn Trưởng, một giáo dân ở xóm 6, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường cho biết, sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí trường Đại học Giao thông Vận tải, anh về quê mở xưởng cơ khí chuyên sản xuất các loại lưỡi cưa. Hiện xưởng có khoảng hơn 20 công nhân, mỗi tháng thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người. Để mở rộng sản xuất, anh Trưởng đã mạnh dạn đầu tư 20 chiếc máy cắt CNC hiện đại, mỗi máy có giá khoảng 200 triệu đồng.

Chia tay anh Trưởng chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình tới xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường để tham dự lễ rước kiệu trong ngày lễ trọng tại Vương cung thánh đường Phú Nhai. Đây là một lễ lớn của người Công giáo, thể hiện sự thành kính các bậc tiền bối đi trước, tưởng nhớ tới ông bà tổ tiên và những người đã khuất.

Ông Phạm Công Chính, Trưởng Ban hành giáo của giáo xứ Phú Nhai phấn khởi cho biết, vào ngày này bà con Công giáo đi làm ăn xa quê đều trở về tham dự. Năm nay bà con về đông, ước tính phải đến hàng nghìn người. Ai cũng vui, cũng phấn khởi vì lễ năm nay tổ chức lớn hơn mọi năm, và cũng vì được tận mắt nhìn thấy những đổi thay trên chính quê hương xứ đạo của mình.

Ea Tul, nơi đạo hòa đời

Sáng tháng 11 trời Tây Nguyên trong mát đến lạ thường. Khi những tia nắng đầu tiên ló rạng sau đỉnh núi mẹ Cư M'gar thì khắp ngõ xóm ở xã Ea Tul (thuộc huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk) đã nhộn nhịp dòng người đổ về nhà thờ đạo Tin lành để dự Tiệc thánh. Đối với hơn 3.000 tín hữu người Ê Đê theo đạo Tin lành thì ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng là buổi hành lễ Tiệc thánh quan trọng nhất trong tháng 11.

8h30', buổi lễ bắt đầu bằng màn hát Thánh ca do các thiếu nữ Ê Đê trong trang phục truyền thống trình diễn trang nghiêm trước Thánh đường. Khi những lời hát vang lên, mục sư Y Ky Êban ghé tai chúng tôi nói nhỏ: "Đáng lẽ những thiếu nữ hát thánh ca phải mặc trang phục theo giáo luật quy định, nhưng ở đây chúng tôi mặc trang phục dân tộc Ê Đê để phát huy văn hóa dân tộc và để minh chứng rằng, những tín hữu của Chúa Trời dù là màu da, sắc áo nào cũng hát Thánh ca với với tấm lòng thành kính và phụng sự tốt công việc của Chúa giao phó."


Hơn 3000 tín hữu Tin lành xã Ea Tul tham gia buổi lễ Tiệc thánh vào sáng Chủ nhật đầu tiên của tháng 11. (Ảnh: Tất Sơn)


Nghi lễ phát bánh thánh cho các tín hữu tại nhà thờ Tin lành. (Ảnh: Tất Sơn)


Lớp học kinh thánh dành cho trẻ em từ 7 đến 9 tuổi
tại nhà thờ Tin lành Ea Tul. (Ảnh: Tất Sơn)


Lớp học thánh ca dành cho thiếu nhi các gia đình tín hữu ở Ea Tul do
Ban Thanh niên Chi hội Tin lành giảng dạy vào sáng Chủ nhật hàng tuần. (Ảnh: Tất Sơn)


Đồng bào tín hữu ở Ea Tul phát triển kinh tế bằng nghề trồng cao su. (Ảnh: Tất Sơn)


Tín hữu H Hwing, 81 tuổi cho biết: “Chính quyền địa phương đã hỗ trợ
người dân Ê Đê chúng tôi khôi phục, gìn giữ nghề dệt truyền thống” (Ảnh: Tất Sơn)


Ông Y Hô Niê phơi những mẻ cà phê đầu mua tại sân nhà mình. (Ảnh: Tất Sơn)


Trạm y tế xã Ea Tul chăm sóc sức khỏe cho bà con trong vùng. (Ảnh: Tất Sơn)


Mục sư Y Ky Êban là người đã gần 10 năm quản nhiệm Chi hội Tin lành xã Ea Tul và được các tín hữu tin tưởng gọi với tên “ông cố vấn” của buôn, sóc. Nhiều gia đình tín hữu có khúc mắc, xích mích với làng xóm đều đến xin ý kiến mục sư. Thậm chí nhiều người khi không hiểu rõ chính sách khuyến nông của Nhà nước cũng đến tham vấn và được mục sư nhiệt tình giải thích cặn kẽ. Có lẽ vì thế mà khi ông đứng lên chủ trì và giảng dạy giáo lý bằng tiếng Ê Đê thì hơn 3.000 tín hữu cùng thành kính lắng nghe.

Buổi lễ kết thúc đã lâu nhưng nhiều tín hữu ở Ea Tul vẫn còn nán lại nhà thờ để nghe mục sư Y Ky Êban trò chuyện về tình hình trong buôn sóc. Ông răn dạy các tín hữu không nên phơi cà phê ra đường làng, đường lộ sẽ cản trở giao thông. Nhiều tín hữu băn khoăn về giá cà phê vụ này rất bấp bênh thì mục sư giải thích rằng do thời điểm này mới là đầu vụ nên giá cả chưa ổn định. Ông cho hay Tổng đài Thời báo Kinh tế Việt Nam vừa cho biết rằng giá cà phê đang có chiều hướng tăng lên nên bà con cứ yên tâm.

Hôm ấy, ở nhà thờ chúng tôi cũng gặp Y Nun KTLa. Chàng thanh niên người Ê Đê theo đạo Tin lành dễ mến. Anh khẩn khoản mời chúng tôi về nhà để thưởng thức hương vị cà phê đầu mùa. Nhà Y Nun KTLa có mở một lớp học thánh ca cho khoảng 40 cháu từ 5 – 7 tuổi. Lớp do Ban thanh niên Chi hội Tin lành xã Ea Tul đứng ra tổ chức.

Khi Y Nun KTLa hỏi các em rằng: “Phụng sự Chúa Trời thì ta phải làm những việc gì?”. Cả lớp đồng thanh đáp: “Phụng sự Chúa Trời là nghe lời thầy cô, nghe lời bố mẹ và không làm những việc xấu mà trong Kinh thánh đã dạy ạ!”. Thì ra, đạo Tin lành ở Ea tul đã đi vào đời sống của người Ê Đê từ những điều đơn giản như thế!

Về xứ Phật ở miền Tây

Không giống như ở Bùi Chu (Nam Định), hay ở Ea Tul (Đăk Lăk), đồng bào Khmer ở miền Tây Nam bộ đa phần theo Phật giáo Nam Tông. Chúng tôi về Trà Vinh vào những ngày cuối tháng 10. Cái nắng chang chang của buổi trưa dường như không cản nổi bước chân của người dân Khmer khắp nơi kéo về chùa Âng để dự đại lễ dâng y Kathina, lễ lớn nhất của những người theo Phật giáo Nam Tông, ngày để các Phật tử thể hiện thiện tâm của mình đối với việc hộ trì tăng đoàn, tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo.

Cũng như bao Phật tử khác, anh Pha La cũng đến chùa Âng dự lễ. Nhà ở tận xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, cách chùa Âng khoảng 30 cây số, nên anh và gia đình phải dậy từ sáng sớm đến kịp đến chùa lễ Phật. Pha La cho biết, từ bé anh đã được cha mẹ cho đi dự lễ dâng y Kathina, vào ngày này Phật tử đến chùa nghe các vị sư giảng Phật pháp và giáo huấn về công nuôi dưỡng của các bậc sinh thành, về đạo làm người… Những lời giảng ấy đã cứ thế ngấm sâu vào lòng Pha La.


Đối với người dân Khmer ở Trà Vinh, phật giáo là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng. (Ảnh: Nguyễn Luân)


Đồng bào Khmer thành kính dâng lễ cúng dường Đức Phật. (Ảnh: Nguyễn Luân)


Trẻ em người Khmer ở Trà Vinh nô nức tham dự lễ dâng y Kathina. (Ảnh: Nguyễn Luân)


Một lớp học chữ Khmer của giới sư sãi ở Trà Vinh. (Ảnh: Nguyễn Luân)


Các vị sư tiến hành làm lễ dâng y Kathina. (Ảnh: Nguyễn Luân)


Nhà sư ở chùa Hang học nghề truyền thống điêu khắc gỗ. (Ảnh: Nguyễn Luân)


Theo Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất