Thứ Sáu, 4/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 6/6/2015 15:54'(GMT+7)

Chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử

Ðại biểu QH tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Ðại biểu QH tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: ÐĂNG KHOA

Bất cập trong phòng, chống oan, sai

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17-10-2014 thành lập Ðoàn giám sát "Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật"; tổ chức nghiên cứu một số vụ án cụ thể mà dư luận quan tâm; tổ chức năm Ðoàn công tác trực tiếp làm việc với các cơ quan hữu quan tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, Sóc Trăng, Phú Yên, Ðà Nẵng, Quảng Trị, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Bắc Giang, Quân khu 4.

Qua giám sát, cho thấy, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, nhưng Cơ quan điều tra (CQÐT), Viện kiểm sát (VKS), Tòa án (TA) các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, việc phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.

Trong 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết đã cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong hoạt động tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng. Các trường hợp làm oan đều nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan; có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân đối với công lý, giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu

Ðại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Lê Như Tiến (Quảng Trị) và một số đại biểu khác đặt vấn đề: Thủ trưởng cơ quan điều tra thiếu trách nhiệm dẫn đến oan, sai thì xử lý như thế nào? Theo báo cáo, còn nhiều vụ án oan kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí hơn 10 năm mới phát hiện ra. Sau khi được minh oan, các cơ quan tư pháp công bố người đó vô tội hoặc không đủ căn cứ để buộc tội, thì việc bồi thường cho người bị oan lại chậm được thực hiện. - Việc bồi thường cũng chỉ bù đắp được thiệt hại về kinh tế, còn những tổn thương về tinh thần cho người bị oan thì không thể nào bù đắp được. Trong những vụ oan, sai này thì ai, cơ quan nào làm rõ, có bao nhiêu vụ oan, sai do bản thân và gia đình họ minh oan? Có bao nhiêu trường hợp do người khác nhận tội và chứng minh họ phạm tội thì người kia mới được minh oan? Nhiều đại biểu QH cho rằng, ngoài trách nhiệm bồi thường của nhà nước, cần làm rõ cá nhân để xảy ra sai phạm có trách nhiệm gì, nhất là đối với những hành vi bức cung, nhục hình dẫn đến oan, sai.

Các đại biểu đề nghị, thời gian tới, trong quá trình sửa đổi các bộ luật liên quan lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, cần thực hiện rõ tinh thần các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, nghiêm túc thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người đúng tội. Mặt khác, khi xác định oan, sai thì phải kịp thời minh oan, cần sớm bồi thường cho người bị oan theo quy định của pháp luật. Ðồng thời, xử lý tương ứng những người mắc sai phạm, chịu trách nhiệm bồi thường một phần tùy theo mức độ sai phạm. Ngược lại, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phân tích khía cạnh hệ thống cơ quan tố tụng không thể tự phát hiện, "giống như lỗi của hệ thống phòng cháy mà không thể báo cháy". Nhiều đại biểu phản ánh hệ thống kiểm tra chéo giữa cơ quan điều tra - VKS - Tòa án có hiệu lực không cao, có tình trạng xuê xoa cho nhau, thỏa thuận kiểu "người không phạm đến ta, ta không phạm đến người", có những vụ án, các cơ quan vẫn tổ chức họp án thống nhất trước giữa các cơ quan, việc định tội một người vẫn theo kiểu "trọng cung hơn trọng chứng"...

Tuân thủ tinh thần thượng tôn pháp luật

Giải trình và làm rõ thêm những vấn đề đại biểu QH nêu, Ðại tướng Trần Ðại Quang, Bộ trưởng Công an cho biết: Bộ đã quán triệt đến tất cả các đơn vị các biện pháp chống oan, sai với phương châm nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình. Với những cán bộ điều tra dùng nhục hình, quan điểm của Bộ Công an là xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, từ tháng 1- 2011 đến nay, đã có 20 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố xử lý về việc xâm phạm các hoạt động tư pháp. Trở lại với thí dụ đại biểu đề cập vụ bắt giam oan bảy thanh niên ở Sóc Trăng năm 2013, Bộ trưởng Trần Ðại Quang cho biết, từ Phó Giám đốc Công an tỉnh kiêm Thủ trưởng cơ quan điều tra, Phó Trưởng Công an thị xã Vĩnh Châu... đến cán bộ điều tra đều bị xử lý từ miễn nhiệm, bãi nhiệm cách chức, đến buộc chuyển khỏi cơ quan điều tra.

Bộ trưởng Trần Ðại Quang khẳng định: Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Ðảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an các cấp và các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm với phương châm "không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai". Thời gian qua, ngành đã phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật các hành vi phạm tội xảy ra. Công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và kết luận điều tra chuyển VKS đề nghị truy tố năm sau cao hơn năm trước. Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, xử lý tội phạm...

Trong phần phát biểu ý kiến giải trình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như ngành kiểm sát đã áp dụng rất nhiều biện pháp phòng, chống oan, sai, loại trừ bức cung, nhục hình. Có những biện pháp lần đầu tiên áp dụng trên thế giới, như giải pháp nối mạng các phòng xét xử với phòng làm việc của Viện trưởng KSND cấp tỉnh để có điều kiện quan sát diễn biến, đánh giá chất lượng tranh tụng. Viện trưởng VKSNDTC nói: Chúng tôi xin lỗi những người bị oan cùng gia đình và sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ oan.

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cung cấp thông tin, liên quan vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đòi bồi thường oan, sai, tòa án đã xin lỗi và thương lượng bồi thường. Ông Chấn đã đồng ý mức 7,2 tỷ đồng, hiện cơ quan hữu quan đang làm thủ tục để các cơ quan tài chính chi trả.

Cuối chiều qua, tại hội trường, các đại biểu QH đã họp riêng nghe báo cáo tình hình liên quan vấn đề Biển Ðông.

Trong kỳ giám sát, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, nhưng số vụ làm oan người vô tội trong ba năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02% trong đó CQÐT đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; VKS đình chỉ chín bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp TA tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Số người bị oan nêu trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em không quả tang, án kinh tế do người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội dẫn đến hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...

Ðại biểu NGUYỄN THỊ KHÁ (Trà Vinh):

Cần đánh giá đúng vì sao để nhiều vụ oan, sai kéo dài. Còn bao nhiêu vụ oan, sai chưa được phát hiện, trả lại công bằng cho người dân? Những mất mát về thời gian, danh dự và cuộc sống của một gia đình ai sẽ bù đắp nổi. Mỗi vụ oan, sai phải làm rõ cơ quan nào gây ra.

Ðại biểu LÊ NHƯ TIẾN (Quảng Trị):

Giá trị nhất của báo cáo về tình hình oan, sai và giải quyết bồi thường sau oan, sai của Ủy ban TVQH tại kỳ họp này là cho chúng ta sẽ thấy rõ hơn bản chất của vấn đề, là tiếng chuông cảnh báo các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tôi cho rằng, số vụ việc oan, sai vừa qua, tuy ít nhưng mức độ rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nặng nề số phận, thân phận của một con người, thiệt hại về vật chất và tinh thần vô cùng lớn, làm mất lòng tin của người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ðại biểu ÐINH XUÂN THẢO (Hà Nội):

Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự sắp tới, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được đề cập, có ý nghĩa quan trọng. Hướng đến luật phải quy định rõ trình tự các bước, qua đó cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đều phải tuân thủ. Khi một người bị buộc tội, bị khởi tố bị can, thì vẫn cứ coi như người ta không có tội, như là một công dân bình thường. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, ngoài việc tìm chứng cứ buộc tội, trách nhiệm của cán bộ điều tra còn phải tìm những chứng cứ để gỡ tội cho người ta...

Ðại biểu TRẦN VĂN ÐỘ (An Giang):

Báo cáo giám sát cần tập trung những vụ oan và trường hợp sai ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân. Một trong những nguyên nhân là do thời gian qua do thể chế, hệ thống pháp luật quy định chưa tốt. Trong Bộ luật Hình sự hiện hành có những phần quy định về tội phạm, xác định dấu hiệu tội phạm chưa thật rõ ràng, cụ thể, gây cách hiểu và nhận thức khác nhau, dẫn đến áp dụng khác nhau. Nguyên nhân khác do con người, do những người tiến hành tố tụng chưa làm hết trách nhiệm. Những vấn đề này cần được khắc phục trong việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan.

 
Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất