Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 8/8/2018 14:25'(GMT+7)

Chỉ dẫn địa lý: "Đòn bẩy" giúp tăng giá trị của nông sản Việt Nam

Bắt tay của ba Bộ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Bắt tay của ba Bộ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)

Tăng giá trị nhờ chỉ dẫn địa lý

Phát biểu tại lễ ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận định, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản trở thành một yêu cầu cấp bách.

Theo ông Phạm Công Tạc, một trong những giải pháp bảo đảm phát triển thị trường bền vững cho nông sản là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý. Bởi, chỉ dẫn địa lý gắn với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, đặc trưng về chất lượng và danh tiếng của sản phẩm.

“Ngày nay, chỉ dẫn địa lý trở thành một nội dung ưu tiên trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế. Do đó, việc đưa ra chỉ dẫn địa lý trở thành dấu hiệu quen thuộc đối với người tiêu dung trên thị trường là rất cần thiết”, ông Phạm Công Tạc nói.

Ông cũng lấy ví dụ về một số sản phẩm của châu Âu có giá bán tăng gấp nhiều lần khi có chỉ dẫn địa lý.

Tại Việt Nam, thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, tính tới 31/7 đã bảo hộ cho 62 chỉ dẫn địa lý quốc gia và 6 chỉ dẫn địa lý nước ngoài. Hiện, đã có 37 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Trong số chỉ dẫn địa lý này, 47% sản phẩm là trái cây; 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp; 12% thủy sản; 8% gạo; còn lại là các sản phẩm khác. Các sản phẩm không phải là thực phẩm được bảo hộ là nón lá Huế; thuốc lào Tiên Lãng; thuốc lào Vĩnh bảo; cói Nga Sơn và hoa mai vàng Yên Tử.

Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có xu hướng tăng. Trong đó, cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú quốc tăng 30-50%; chuối ngự Đại Hoàng tăng 130-150%; bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần; cam Vinh tăng hơn 50% sau khi đăng chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý…

Cam Vinh tăng hơn 50% sau khi đăng chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý. (Ảnh: TTXVN)

“Bắt tay” thúc đẩy chỉ dẫn địa lý

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, cho tới nay, hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tương đối đầy đủ. Thế nhưng, khi thực thi vẫn còn bộc lộ một số khó khăn.

Theo Thứ trưởng, ở cấp độ trung ương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ có liên quan nhằm xây dựng những định hướng và nội dung thống nhất để lồng ghép các nguồn lực, phân công lĩnh vực hỗ trợ để nâng cao hiệu quả, thống nhất về chính sách và giải pháp hỗ trợ cho xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Trong khi đó, ở địa phương, các cơ quan quản lý chưa phối hợp trong xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Đó là từ khâu xây dựng hồ sơ, nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đến quá trình xây dựng hệ thống quản lý và triển khai các hoạt động khai thác chỉ dẫn địa lý khi được bảo hộ.

Do đó, ông Phạm Công Tạc tin tưởng sự hợp tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương sẽ tạo ra cơ chế phối hợp thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.

“Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa ba bộ ở cấp Trung ương cũng là cơ sở để địa phương xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành về chỉ dẫn địa lý”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất