Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 28/6/2023 17:13'(GMT+7)

Chỉ thị 17-CT/TW là tiền đề tạo sự chuyển biến thực sự về an toàn thực phẩm

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế dự và đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết: An ninh, an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Bảo đảm tốt an ninh, an toàn thực phẩm sẽ góp phần làm tăng nguồn lực con người, làm phát triển kinh tế xã hội của quốc gia; đồng thời bảo đảm được mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận được với an toàn thực phẩm từ những thực phẩm sẵn có. Trong những năm vừa qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm.

Quang cảnh hội thảo.

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế khẳng định: Hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của Thế giới. Nhất là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2017/QH14 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, hệ thống pháp luật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được xây dựng hoàn thiện trên nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm dựa trên quản lý nguy cơ, tăng cường hậu kiểm.

Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018  hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định đã thay đổi căn bản phương thức quản lý an toàn thực phẩm, quản lý dựa trên nguy cơ, giảm tối đa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm; phân công rõ ràng giữa các bộ tham gia quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo nguyên tắc một doanh nghiệp, một cơ sở sản xuất chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước và phân công: Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ công thương quản lý 8 nhóm ngành hàng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng.

Quy định của pháp luật tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cũng tăng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh trên nguyên tắc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và tăng cường trách nhiệm cho các địa phương, tăng cường trách nhiệm cho doanh nghiệp. Với phương thức quản lý này, theo đánh giá của Viện Nghiên quản lý kinh tế Trung ương đã tiết kiệm cho xã hội hàng triệu ngày công và hàng ngàn tỷ đồng nhưng đồng thời cũng tăng chế tài xử phạt khi phát hiện ra vi phạm về an toàn thực phầm như phạt đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm hoặc phạt tối đa 20 năm tù nếu vi phạm an toàn thực phầm gây hiệu quả nghiêm trọng.

 Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Để bảo vệ sức khỏe người sử dụng, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đồng thời có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; ngày 30/6/2021 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BYT quy định Danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2021.

Nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm được hoàn thiện theo hướng cải cách hành chính tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn và hài hòa với quốc tế, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm trong phân công quản lý , an toàn thực phẩm; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho rằng: Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Tại Trung ương, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và Bộ trưởng Bộ Y tế là Phó Trưởng ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Trưởng ban.

Cũng theo đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế thực hiện chủ trương xã hội hóa, Chính phủ chỉ đạo tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm thông qua xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động kiểm nghiệm, đồng thời chỉ định các cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm tham gia kiểm định, giám định chất lượng thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, nhất là thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh: Đây là lực lượng quan trọng phục vụ công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng: Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Công an, Quân đội (bộ đội biên phòng), Tài chính (hải quan).

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng như Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an. Hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn, giúp thị trường thực phẩm an toàn hơn.

Trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm, công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm đã được các Bộ ngành và các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị xã hội đặc biệt quan tâm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với vùng miền, đối tượng truyền thông.

Hằng năm, theo khảo sát của Bộ Y tế tại các vùng sinh thái với một bộ câu hỏi đánh giá kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm của 4 nhóm đối tượng: cán bộ quản lý về an toàn thực phẩm, người sản xuất, chế biến thực phẩm, người kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm đều cho kết quả năm sau cao hơn năm trước, điều này thể hiện rõ hiệu quả của công tác thông tin, giáo dục, truyền thông.

Đồng chí đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nêu lên một số giải pháp triển khai trong thời gian tới, đó là: Quán triệt triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Hướng dẫn số 82-HD/BTGTTW ngày 02/12/2022 Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban bí thư Trung ương Đảng (Khóa XIII) “về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới theo đó xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. 

Đồng chí Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Xã hội-Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày "Những nội dung cốt lõi và điểm mới của Chỉ thị 17-CT/TW" của Ban Bí thư.

Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi. Bên cạnh việc phê phán những tồn tại, yếu kém cần dành thời lượng thích hợp để biểu dương các điển hình tiên tiến.

Đẩy mạnh và mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm có thế mạnh ở Việt Nam. Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe; Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kêu gọi hỗ trợ về kinh phí cũng như kỹ thuật cho công tác an toàn thực phẩm; Tăng cường năng lực, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm.

Nâng cao đời sống nông dân, đặc biệt là vung sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đồng bào tiếp cận thực phẩm an toàn; Hoàn thiện về thể chế pháp luật phù hợp với tình hình thực tế (như: kinh doanh online, văn phòng ảo, quảng cáo xuyên biên giới) tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người dân là trên hết và phù hợp với thông lệ quốc tế; Sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật (Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật).

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đã nghe 7 báo cáo chuyên đề của các ban, bộ, ngành Trung ương và các tham luận của địa phương. Nội dung cơ bản của các báo cáo chuyên đề, tham luận và ý kiến của các đại biểu đã tập trung vào các giải pháp triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW. Đây là Chỉ thị có nhiều nội dung cốt lõi và điểm mới như: Nội dung về an ninh thực phẩm, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương. 

Đồng chí  Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm báo cáo chuyên đề tại hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 2/12/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 82-HD/BTGTW triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Ngày 21/4/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 426/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW.

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW; lồng ghép các chỉ tiêu, nội dung bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; xác định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm tại tuyến cơ sở.

Hai là tổng kết thực hiện Luật An toàn thực phẩm, nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm phù hợp với tình hình mới; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Ba là kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối từ Trung ương tới địa phương; xây dựng các cơ chế, chính sách tài chính, bố trí ngân sách đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; xây dựng quy chế hoạt động, thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức phối hợp, quản lý, điều hành của cơ quan, đơn vị làm công tác an ninh, an toàn thực phẩm, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu qủa.

Đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh thủy sản. (ảnh minh họa).

Bốn là nghiên cứu tăng đầu tư cho công tác an ninh, an toàn thực phẩm để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội và các nhóm cộng đồng tham gia cung cấp các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến cơ sở.

Năm là chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời những hành vi ảnh hưởng xấu đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường Internet và mạng xã hội.

Sáu là nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học- công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, áp dụng chuyển đổi số trong việc bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Bảy là kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm anh ninh, an toàn thực phẩm./.

Tin và ảnh: Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất