Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 5/6/2018 17:36'(GMT+7)

Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp - nông thôn

 

Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,
Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính phát biểu tại diễn đàn (ảnh DP)

 
Phát biểu trước các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu, ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhận định việc lựa chọn chuyên đề nông nghiệp để mở màn cho chuỗi sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam là lựa chọn đúng và chính xác trong tình hình hiện nay để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp.

Tính 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ 2017, trong đó giá trị xuất khẩu nông sản chính đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13%. Thặng dư ngành nông nghiệp từ 7 tỷ USD năm 2015 dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay. Bên cạnh đó, thời gian qua với sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp, chúng ta đã có từ 3.700 lên 7.600 doanh nghiệp, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn hợp tác xã lớn. Nông sản Việt Nam xuất khẩu tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả các nước có tiêu chuẩn cao như Mỹ.

Ông Mai Tiến Dũng co biết, tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cam kết với Thủ tướng năm nay sẽ xuất khẩu nông thủy sản vượt 40 tỷ USD.  Theo ông, trong ngành nông nghiệp, khâu chế biến vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu chúng ta chỉ sản xuất ra nhưng không chế biến, không đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn thì cũng không thể tiêu thụ tốt, đặc biệt là với những vướng mắc trong quản lý vật tư đầu vào, yếu tố thị trường, chưa tổ chức được thị trường trong nước. Qua buổi thảo luận hôm nay, Hội đồng tư vấn và các Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến và đề xuất để trình Thủ tướng tại buổi hội nghị vào 25- 26/6 tới đây tại Lâm Đồng.

Ông Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến nông nghiệp - nông thôn và phát triển thị trường nông sản theo như cam kết với Chính phủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp muốn đầu tư cũng như đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn  một cách hiệu quả nhất.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Điều hành Diễn đàn Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp trong đó có nguồn lực tự nhiên dồi dào nhưng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Người nông dân chưa thể làm giàu trên mảnh đất của mình và luôn phải đối mặt với bài toán tìm đầu ra cho nông sản. Những giải pháp mang tính thời điểm lẫn dài hơi là yêu cầu được đặt ra. Cho nên mục tiêu của diễn đàn là giúp Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương, khu vực kinh tế tư nhân có sự tập trung cao nhất về nguồn lực để hoạch định các chiến lược, chính sách kinh tế cũng như theo dõi, đánh giá thường xuyên hiệu quả thực thi. 

Trả lời cho câu hỏi đâu là con át chủ bài trong phát triển nông sản Việt Nam, các chuyên gia đều khẳng định chọn thị trường làm mục tiêu, ngoài ra, phải quan tâm đến quản lý chất lượng và tạo giá trị gia tăng cho nông sản. Ví dụ, để bán một mớ rau, cần xác định đâu là thị trường mục tiêu, thị trường đó có tiêu chuẩn gì về chất lượng. 

Bên cạnh đó, không chỉ bán sản phẩm là rau tươi mà cần hướng tới sản phẩm chế biến từ rau nhằm giảm tính phụ thuộc vào thời vụ, từ đó tạo thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Thay vì việc chỉ xuất khẩu đến 90% sản phẩm thô như hiện tại. Cũng theo các chuyên gia, công nghệ là giải pháp để quản lý chất lượng nông sản và liên kết chuỗi, tuy nhiên cần có những cơ chế đặc thù để phát triển công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp, nhằm đạt được mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm nay.

Theo ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nói về ngắn hạn, thông tin thị trường là quan trọng nhất. Về dài hạn, mấu chốt là tổ chức nông dân lại với nhau, liên kết với nông dân bằng mô hình hợp tác xã. Toàn bộ phần đầu vào giao cho hộ nông dân, đầu ra giao cho hợp tác xã. Như vậy, nông dân có thể kiểm soát cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
 

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất