Thứ Bảy, 30/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 8/8/2012 21:22'(GMT+7)

Chính phủ thảo luận một số dự án luật

 Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh; dự án Luật Thủ đô; dự án Luật Hộ tịch; dự án Luật Việc làm; dự án Luật Hoà giải cơ sở; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được những kết quả hết sức cơ bản.

Tuy nhiên qua tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai năm 2003 còn nổi lên một số tồn tại, bất cập chủ yếu là công tác quản lý nhà nước về đất đai còn hạn chế; quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; việc sử dụng đất đai nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp…

Vì vậy, việc ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, tạo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai nói chung; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai, phù hợp với cơ chế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;…

Mục đích sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế-xã hội; giảm khiếu kiện về đất đai bằng cơ chế tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm;…

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 15 chương và 190 điều, quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;… So với Luật Đất đai năm 2003, bố cục dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tăng thêm 7 chương và 44 điều.

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến tập trung vào những vấn đề  hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; cơ chế thu hồi đất; giá đất; thời gian ban hành và mục đích áp dụng bảng giá đất; thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giải quyết tranh chấp đất đai;…

Thảo luận Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh, các thành viên Chính phủ cho rằng văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng-an ninh nếu chỉ dừng lại ở cấp nghị định của Chính phủ, văn bản, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành sẽ gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện vì giáo dục quốc phòng-an ninh quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức; liên quan đến Luật Giáo dục, Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia và các luật khác nên phải ban hành văn bản ở tầm Luật.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh, các ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh dự thảo Luật phải bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với Hiến pháp, các luật có liên quan, đặc biệt là các quy định của Luật Giáo dục, Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục quốc phòng-an ninh.

Đồng thời, việc xây dựng Luật cần đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đúng quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng-an ninh gồm 6 chương, 43 điều, quy định cụ thể về giáo dục quốc phòng-an ninh trong nhà trường, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh, phổ biến kiến thức quốc phòng-an ninh toàn dân, đảm bảo cho hoạt động giáo dục quốc phòng-an ninh,…

Với 4 chương, 33 điều, dự thảo Luật Thủ đô quy định cụ thể về chính sách xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô; điều khoản thi hành…

Thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về Thủ đô, trong những năm qua, công tác xây dựng, phát triển Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập chưa được giải quyết hiệu quả như quy hoạch đô thị; xây dựng cơ chế, chính sách còn chậm; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; ô nhiễm môi trường;…

Ý kiến của một số thành viên Chính phủ đề xuất, dự thảo Luật Thủ đô nên lựa chọn một số vấn đề đặc thù về xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô chưa được hoặc đã có quy định trong các đạo luật hiện hành áp dụng chung cho cả nước, nhưng chưa phù hợp với đặc thù của Thủ đô.

Về quản lý dân cư, có  ý kiến cho rằng cần áp dụng một số biện pháp hành chính để hạn chế việc đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội để góp phần hạn chế tình trạng quá tải về dân cư ở nội thành. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không quy định thêm điều kiện đăng ký thường trú ở nội thành, vì có thể ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Hộ tịch, đa số các ý kiến đồng tình với quy định cấp có thẩm quyền đăng ký hộ tịch là cấp xã, song nhiều ý kiến đề xuất việc đăng ký hộ tịch, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài phải do cấp huyện thực hiện.

Thảo luận về dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), các thành viên Chính phủ nhận định, việc sửa đổi Luật này là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục khẳng định phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là hoạt động then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) gồm 75 điều, được chia thành 8 chương (bỏ 14/59 điều, sửa đổi 39/59 điều của Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành, đồng thời bổ sung 30 điều mới).

Theo ý kiến đóng góp của nhiều thành viên Chính phủ, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) phải thực sự trở thành một đạo luật gốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ; kế thừa các quy định pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm còn phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ hiện nay và những năm tới; khắc phục triệt để những hạn chế của Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành, bổ sung, cập nhật các quy định mới đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển;…

Một số thành viên Chính phủ đề xuất, dự thảo Luật cần làm rõ hơn  vấn đề thẩm quyền và trách nhiệm xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cụ thể của Nhà nước 5 năm và hàng năm; vấn đề đổi mới cơ chế tài chính trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; vấn đề trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; vấn đề danh hiệu vinh dự Nhà nước phong tặng cho các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ;…

Thảo luận về dự án Luật Việc làm, các thành viên Chính phủ đã tập trung làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phát triển kỹ năng nghề; bảo hiểm việc làm; tổ chức dịch vụ công về việc làm; việc đóng góp ngân sách Nhà nước vào quỹ bảo hiểm việc làm;…

Có ý kiến đề xuất cần phải quy định vấn đề phát triển kỹ năng nghề trong dự thảo Luật bởi phát triển kỹ năng nghề không chỉ đơn thuần là học và dạy nghề; phát triển kỹ năng nghề là một quá trình lâu dài được thực hiện trong suốt cuộc đời của người lao động gắn với quá trình việc làm của người lao động kẻ từ khi bắt đầu tìm kiếm việc làm cho đến khi không còn làm việc. Mặt khác, phát triển kỹ năng nghề của người lao động là một trong những nội dung cam kết của các nước ASEAN theo Tuyên bố Hà Nội năm 2010.

Có ý kiến cho rằng dự án Luật này cần xem xét thấu đáo trong mối liên hệ tổng thể với Luật Dạy nghề và Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời dự thảo Luật cần làm rõ thêm vấn đề về bảo hiểm việc làm, phân biệt giữa bảo hiểm việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.

Về dự thảo Luật Hoà giải cơ sở (gồm 5 chương, 33 điều), các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến phạm vi hoà giải cơ sở, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoà giải cơ sở; việc bầu hoặc lựa chọn giới thiệu hoà giải viên…

Đóng góp ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), các thành viên Chính phủ bày tỏ sự thống nhất cao với những nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về công khai, minh bạch. Đồng thời đề xuất dự thảo Luật cần làm rõ hơn vấn đề về trách nhiệm giải trình; về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xử lý tài sản không được giải trình một cách hợp lý; quy định biện pháp tạm đình chỉ hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có dấu hiệu tham nhũng;…

Ngoài ra, tại phiên họp, Chính phủ  cũng nghe Báo cáo tình hình soạn thảo, trình các dự  án luật, pháp lệnh của Chính phủ quý II, kết quả 6 tháng đầu năm 2012, nhiệm vụ trong quý III và 6 tháng cuối năm 2012 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất