Thứ Tư, 18/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 17/6/2015 20:46'(GMT+7)

Cho ý kiến vào nhiều điểm mới tại Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Phạm Hồng Phong phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Phạm Hồng Phong phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

* Tán thành quy định quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án

Quyền của bị can, bị cáo đọc, ghi chép tài liệu trong hồ sơ vụ án quy định tại Điều 42, Điều 43 là một điểm mới trong dự thảo Bộ luật. Nhiều ý kiến đại biểu thể hiện sự đồng tình với quy định này, cho rằng đây là quy định mới phù hợp với quy định trong Hiến pháp 2013: "Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa". Vì vậy khi không có người bào chữa, mà tự mình bào chữa thì bị can phải được quyền đọc, ghi chép và sao, chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra, để bảo đảm quyền tự bào chữa của họ.

Tuy nhiên, có đại biểu nêu rõ quyền này được thực hiện phải có 3 điều kiện: Một là bị can, bị cáo không có người bào chữa; hai là chỉ thực hiện sau khi đã kết thúc điều tra; ba là chỉ ghi chép và đọc những tài liệu cần thiết liên quan đến việc buộc tội chính bị can, bị cáo. Qua thảo luận, có ý kiến cho rằng không nên để bị can, bị cáo sao chép toàn bộ hồ sơ vụ án hoặc sao chép cả những tài liệu không liên quan đến mình, liên quan đến người khác, chỉ cho bị can, bị cáo đọc phần chứng cứ liên quan đến buộc tội.

Một số ý kiến cho rằng cần cho người tự bào chữa được tiếp cận toàn bộ hồ sơ, trong đó có cả chứng cứ gỡ tội và buộc tội, bởi để bào chữa cho mình, ngoài những thông tin liên quan trực tiếp đến mình, bị can có thể phải tìm hiểu những thông tin do những người tham gia tố tụng khác cung cấp. Một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ về cơ chế và những thủ tục chặt chẽ để bị can, bị cáo thực hiện quyền này hiệu quả và bảo đảm an toàn hồ sơ vụ án, không tạo ra khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Các hồ sơ được đưa cho bị can, bị cáo phải được photo, số hóa và quản lý theo một trình tự nhất định để tránh quá trình đọc, nghiên cứu thất lạc hoặc tiêu hủy; đồng thời tránh việc lợi dụng chế định này, để kéo dài thời gian đọc, nghiên cứu tài liệu của bị can, bị cáo. Tán thành với quy định này trong dự thảo Bộ luật, theo đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn), Ban soạn thảo cần thể hiện nội dung này chặt chẽ, cụ thể hơn như việc quy định phạm vi đọc hồ sơ, điều kiện đọc hồ sơ, chỉ được đọc hồ sơ khi đã kết thúc hoạt động điều tra. Đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ trong các trường hợp bị can, bị cáo được tại ngoại thì việc đọc, sao chép hồ sơ sẽ được thực hiện theo cơ chế nào…

* Nhất trí quy định về “Giới hạn xét xử”

Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với quy định về “Giới hạn xét xử” theo hướng: Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử, không phụ thuộc vào tội danh truy tố. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định rõ cách thức bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo trong trường hợp Tòa án xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố (như Tòa án phải báo trước cho bị cáo về việc xét xử tội danh đó). Một số ý kiến đánh giá, quy định này bảo đảm phù hợp với việc phân chia các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự: Chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử; nhấn mạnh việc Viện Kiểm sát có thẩm quyền và trách nhiệm truy tố, buộc tội đối với bị cáo; Tòa án có nhiệm vụ xét xử.

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh), đây là vấn đề đã được đưa ra nhiều lần nhưng chưa được sửa đổi căn bản, dẫn đến thực tế không đảm bảo được cải cách tư pháp. Nhấn mạnh sự cần thiết sửa căn bản nội dung này, đại biểu nêu rõ: Tòa án chỉ xét xử hành vi mà bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố là đúng đắn, không phụ thuộc vào tội danh. Theo đại biểu, trong thiết kế điều luật phải đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo, luật sư. Tuy nhiên, đại biểu nêu rõ thực tế bị cáo chỉ có quyền bào chữa về hành vi mà Viện kiểm sát truy tố chứ không có quyền lựa chọn mình phạm tội này hay tội kia. Tội danh phải được đối chiếu với các yếu tố cấu thành tội phạm. Tòa án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản án mà tòa tuyên, nên quy định này không vi phạm quyền bào chữa của bị cáo.

Tại phiên thảo luận chiều nay, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã đề xuất Quốc hội một số nội dung cụ thể cần triển khai ngay trong thời gian tới. Trong đó liên quan đến nhiều dự án luật, cần sớm có những quy định thống nhất, tạo sự liên thông cho các luật sau khi ban hành như quy định về pháp nhân hay chuyển hình phạt từ phạt tiền sang phạt tù. Theo Viện trưởng, qua thảo luận, vẫn còn những luồng quan điểm khác nhau, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để bàn sâu hơn về những vấn đề vẫn còn có ý kiến khác nhau. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã giải trình, làm rõ hơn một số nội dung trong dự thảo Bộ luật về "quyền im lặng"; không tạm giam người trên 70 tuổi; biện pháp tố tụng đặc biệt; quyền quyết định truy tố hay không truy tố của Viện Kiểm sát...

Ngoài các nội dung này, đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; chế định chứng cứ, chứng minh; thời hạn tạm giam…

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Tiếp đó, các vị đại biểu Quốc hội họp tại Đoàn để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga.

Sáng 18/6, theo chương trình, Quốc hội làm việc tại hội trường, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 và thảo luận về dự án Luật Phí, lệ phí.

Theo TTXVN

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất