Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII với 3 trọng tâm lớn, trong đó có đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Đảng ta, bằng “vũ khí của sự phê phán” mạnh mẽ, tấn công thẳng vào nạn chạy chức, chạy quyền, kẻ đồng hành với nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chấn chỉnh mạnh mẽ khâu “then chốt của then chốt”
Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 đã thẳng thắn chỉ rõ: "Công tác cán bộ chậm đổi mới, chưa tương xứng với đổi mới kinh tế, chưa gắn chặt với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, với đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị. Công tác cán bộ còn bị động, chắp vá, lúng túng, tư duy nhiệm kỳ, chưa đồng bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành giữa các khâu trong công tác cán bộ; tình trạng "đúng quy trình" nhưng không đúng người, đúng việc. Số lượng cán bộ đông nhưng cơ cấu chưa hợp lý, chất lượng không đồng đều, chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm nhanh, "thần tốc"... diễn ra ở nhiều nơi".
Có thể nói, đó là một đánh giá hết sức thẳng thắn, nghiêm túc của Đảng ta. Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, có lẽ đây là dịp Đảng ta có nhìn nhận, đánh giá và đề ra những giải pháp tổng thể nhất về công tác cán bộ, vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn đó là “cái gốc của công việc”. Trong một số phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá: Công tác cán bộ “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, then chốt của then chốt”.
Đúng như V.I.Lê-nin từng cảnh báo: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”. Nhiều đảng cộng sản trên thế giới đã từng đánh mất vị trí cầm quyền vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nạn chạy chức, chạy quyền làm tha hóa quyền lực, suy thoái, hư hỏng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, khi phát hiện và thấy tính chất nghiêm trọng của tình hình song quyết tâm chính trị không cao hoặc bệnh đã quá nặng, nước xa không cứu được lửa gần.
Đó là những bài học kinh nghiệm sâu sắc đặt ra đối với chúng ta và lần này, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, đúng như Bác Hồ từng căn dặn: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”.
|
Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh: TTXVN. |
Chạy có thể dẫn đến “ngã’’ và “đổ”
Từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Đảng ta đã “điểm mặt chỉ tên” những biểu hiện yếu kém liên quan đến công tác cán bộ. Trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay thì có hai biểu hiện liên quan đến công tác cán bộ; trong 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, thì có một biểu hiện hết sức nguy hiểm, đó là tình trạng: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Hội nghị Trung ương 7 không phải là lần đầu tiên Đảng ta cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Ngay từ năm 1999, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại “chạy”. Đó là chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử. Nhà báo Hữu Thọ sau đó từng viết hẳn một cuốn sách dài nhiều tập, xuất bản trong nhiều năm mang tiêu đề “Chạy” để phân tích các loại “chạy” và theo ông đúc kết, “chạy” sẽ tạo ra “người giả”-nơi hội tụ của tất cả bằng giả, kiến thức giả, khen thưởng giả, thành tích giả, đạo đức giả...
Trở lại với vụ án Trịnh Xuân Thanh mà chúng tôi nhiều lần nhắc đến. Từ sự ham hố quyền lực, chạy chức, chạy quyền để có vị trí cao và sa vào tham ô, trục lợi, Trịnh Xuân Thanh ngày càng lún sâu vào vũng bùn sa ngã. Từ một tội phạm kinh tế, Trịnh Xuân Thanh dần dần phản bội cả lý tưởng và đất nước khi bỏ trốn ra nước ngoài, để các thông tin và tài liệu biện minh cho tội lỗi bị các thế lực thù địch ở hải ngoại lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
Chạy chức, chạy quyền, tha hóa quyền lực không chỉ làm cán bộ “ngã mà không biết” như lời cảnh báo của Bác Hồ từ năm 1954 mà còn có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của chế độ. Bởi những cán bộ không đủ đức-tài được ngồi vào vị trí quyền lực nhiều khi không khác gì con cọp được trang bị thêm lưỡi gươm, họ càng trở nên tự cao tự đại, ăn trên ngồi trốc, trở thành những ông quan cách mạng. Đáng buồn thay khi nhiều năm qua, có lúc người dân hay dùng từ “quan chức”, “quan khách” để gọi và giới thiệu cán bộ trong hội nghị. Từ “cán bộ” lại hay được dùng cho những giám thị trong… trại giam.
Bài học từ sự sụp đổ và tan rã của Liên Xô trước đây đã cho thấy, có những sai lầm nghiêm trọng về chiến lược của Đảng Cộng sản Liên Xô, trước hết là trong xây dựng cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Ngay từ những 50 của thế kỷ trước, đã có một số cán bộ Liên Xô được cử sang học ở Mỹ và sau này hai người trong số đó đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tư tưởng-lý luận và tướng lĩnh tình báo giữ vai trò là “Điệp viên ảnh hưởng” của CIA, đạo diễn chính của công cuộc cải tổ làm sụp đổ và tan rã Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết. Còn Goóc-ba-chốp, nhân vật có vai trò quan trọng nữa trong màn kịch ấy thì từ năm 1975 đã tiếp xúc với người “phụ trách Đại sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va” và trở thành đối tượng mà phương Tây tiếp cận và lợi dụng. Cùng với đó, sau này, do sai lầm về công tác cán bộ, Liên Xô đã loại bỏ rất nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và quân đội với lý do “tư tưởng bảo thủ, không ủng hộ cải tổ”… Để rồi từ đó, những cán bộ mới đã dần tự diễn biến, tự chuyển hóa, phản bội lý tưởng XHCN và lợi ích dân tộc, phản bội tư tưởng của V.I.Lê-nin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là xóa bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, xóa bỏ vai trò lãnh đạo và làm tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa”...
Kiểm soát quyền lực-đòi hỏi sự hy sinh
Tại Hội nghị Trung ương 7, Đảng ta nhận diện rõ hơn nạn chạy chức, chạy quyền, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đề ra nhiều giải pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát quyền lực. Đề án trình Trung ương đã đề ra năm điểm đột phá, gồm: Một là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Hai là, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền. Ba là, thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Bốn là, cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm. Năm là, hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Nhìn vào 5 giải pháp đột phá trên, chúng ta sẽ thấy ngay chỉ có một giải pháp mang tính chất động viên, còn có tới 4 giải pháp nhấn sâu vào việc sửa chữa, khắc phục các lỗ hổng, đồng nghĩa với tấn công vào các nhóm lợi ích, đặc quyền đặc lợi. Đơn cử như chủ trương sàng lọc, có lên có xuống, có vào có ra đồng nghĩa với việc cán bộ không thể cứ mãi tham quyền cố vị, sống lâu lên lão làng. Hay như quy định sẽ bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện cơ bản không phải là người địa phương…để chống cục bộ trong công tác cán bộ thì chắc chắn sau Hội nghị Trung ương 7, Đảng ta sẽ có lộ trình xử lý và có nhiều vị trí công tác phải nghiên cứu, điều chỉnh. Những chủ trương mới này sẽ tác động trực tiếp đến không ít cán bộ có chức, có quyền. Nếu không có tinh thần dĩ công vi thượng, người ta sẽ nảy sinh tâm tư, níu kéo, không ủng hộ nghị quyết mới của Đảng.
Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền còn đòi hỏi người đứng đầu thật sự gương mẫu và biết hy sinh. Nhìn thẳng vào sự thật hiện nay, chúng ta không khỏi trăn trở khi nạn “thăng tiến thần tốc” đã trở nên phổ biến ở không ít tỉnh, thành phố, bộ, ngành, đến mức Thủ tướng Chính phủ từng phải chỉ đạo Bộ Nội vụ thanh tra chuyên đề nội dung này ở hàng loạt địa phương. Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, từ kinh nghiệm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương 55 năm, trải qua 8 kỳ Đại hội Đảng, đã nêu ra một phân tích đáng suy nghĩ. Suốt 55 năm, ông thống kê chỉ có một đồng chí là con Ủy viên Bộ Chính trị được vào Ủy viên Trung ương. Rất nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Lương… đều rất nghiêm khắc với con cháu, không ai gợi ý đưa con em mình vào Trung ương... Thật ra, thăng tiến thần tốc không phải tất cả đều là sai trái, không nên làm. Còn nhớ, Bác Hồ đã chọn Võ Nguyên Giáp, một nhà sử học, chưa từng qua trường lớp quân sự phụ trách công tác quân sự và phong thẳng lên quân hàm Đại tướng khi ông mới 37 tuổi, nhưng từ xưa đến nay, không ai phê phán việc này khi mà việc cán bộ thăng tiến xứng đáng. Trước đó, trong cơ cấu Chính phủ lâm thời, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi cải tổ Chính phủ lâm thời, đồng chí thôi không giữ bất cứ chức vụ nào trong bộ máy, sau này kháng chiến mới trở lại làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau nữa, Đại tướng cũng trải qua nhiều thăng trầm trong công tác cán bộ nhưng Đại tướng luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng phân công. Đó là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, không ham hố quyền lực, danh vọng.
Cho nên, trong công tác nhân sự tới đây, với tinh thần cán bộ là công bộc của dân, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự thấm tinh thần vì nhân dân phục vụ, không ham hố, kèn cựa địa vị. Tinh thần đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ những gì tổ chức cần phải được tái khẳng định trong giai đoạn mới. Chúng ta nên nhớ đến một sự kiện lịch sử sau năm 1945, đã có nhiều lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Mặt trận Việt Minh lúc đó tự rút lui khỏi danh sách Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhà trí thức, nhân sĩ tham gia vì nhiệm vụ Đảng giao như các đồng chí: Trường Chinh (Tổng Bí thư), Nguyễn Lương Bằng (lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh), Nguyễn Chí Thanh...
Nếu coi công tác cán bộ là gốc của công việc thì để chống chạy chức, chạy quyền cũng rất cần phải chỉnh đốn, phát huy vai trò trước tiên của những cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ, vì đó là “gốc của gốc”, trực tiếp tham mưu cho Đảng.
Đất nước ta từng có những năm tháng khi Tổ quốc cần, muôn người như một hy sinh vì lợi ích chung. Có một thời, rất nhiều thanh niên từng tìm mọi cách “chạy”, xin châm chước tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng để được ra trận, đi bộ đội thay cho ở lại hậu phương bớt nguy hiểm hơn. Nhưng lợi ích cá nhân và động lực mới của cuộc sống thời bình nhiều cám dỗ đã khiến người ta “chạy” cho những mục tiêu thấp hèn, âu cũng là điều so sánh khập khiễng. Nhưng với Đảng ta, với tư cách là một Đảng cách mạng, chân chính, mọi quyền lợi đều vì nhân dân, đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, chắc chắn, với cuộc chỉnh đốn mạnh mẽ về công tác cán bộ, Đảng ta sẽ sớm xây dựng được đội ngũ cán bộ hợp lý hơn, tinh nhuệ hơn, thật sự là những công bộc của dân.
CÔNG MINH - NGUYÊN MINH
Theo QĐND