Thứ Tư, 30/11/2016 20:40'(GMT+7)
Chống hàng giả: Phải hành động thiết thực, nói đi đôi với làm
Từ năm 2007, Chính phủ đã chọn ngày 29/11 là “Ngày phòng, chống hàng
giả, hàng nhái" nhằm mục đích tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan
đến công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái cho người dân đồng thời
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong
việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc
gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng đã
triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đển ngăn chặn tình trạng hàng giả,
hàng nhái trên thị trường.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất hàng giả hàng nhái xâm phạm sở hữu trí tuệ
vẫn diễn ra phổ biến, phức tạp, trở thành “vấn nạn", thách thức các lực
lượng thực thi, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Có tới 32 nhóm ngành hàng bị làm giả
Thông tin tại lễ kỷ niệm "Ngày chống hàng giả, hàng nhái" do Cục Quản lý
thị trường phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu
(VATAP) tổ chức tại Hà Nội sáng 30/11, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch VATAP đã
cho biết có tới 32 nhóm ngành hàng bị làm giả.
Trong số đó, những mặt hàng như thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kể
cả phân bón giả đã để lại những hậu quả rất lớn cho ngành nông nghiệp,
ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và vật nuôi tại nhiều tỉnh thành.
Vấn nạn này cũng khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính chịu trận,
thậm chí phá sản. Không đưa ra con số chính xác nhưng theo ông Trần Minh
Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn dầu khí
ANPHA, vấn đề sang chiết, làm giả gas đang tiềm ẩn nhiều lo ngại.
Theo ước tính của doanh nghiệp này nếu lực lượng chức năng hoặc công ty
đi kiểm tra các cửa hàng bán lẻ thì có thể phát hiện hàng loạt các cửa
hàng bán gas kém chất lượng hoặc thiếu cân.
"Với doanh số 10.000 tỷ đồng mỗi năm ở phía Bắc, nếu nhà nước không
kiểm soát được mặt hàng này sẽ gây thất thu thuế rất lớn," ông Loan kiến
nghị.
Trong báo cáo mới đây của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), mỗi
năm lực lượng này phát hiện hàng chục nghìn vụ sản xuất, kinh doanh hàng
giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, việc kiểm tra vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn nạn này,
bởi trên thực tế hành vi sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi hơn, bất
chấp những cố gắng của các cơ quan chức năng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ kỷ niệm Chống hàng giả. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Quy rõ trách nhiệm của từng lực lượng
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang là nạn nhân của nạn hàng giả, hàng
nhái, nhưng nhìn nhận khách quan, bản thân họ cũng chưa mặn mà trong
công tác phòng chống hàng giả.
Ở vị trí người trong cuộc, ông Lê Thế Bảo cho rằng, một số doanh nghiệp
còn hời hợt, thậm chí có doanh nghiệp còn cố tình làm ngơ, hoặc không
hợp tác với lực lượng chức năng khi phát hiện hàng hóa của chính mình bị
làm giả.
Bởi trong nhận thức, theo ông Bảo, nhiều doanh nghiệp lo sợ người tiêu dùng có thể tẩy chay hàng hóa khi phát hiện bị làm giả.
Ngoài những lý do trên, vị lãnh đạo VATAP cũng thẳng thắn nêu ra những
yếu kém của lực lượng chức năng trong công tác chống hàng giả, hàng vi
phạm sở hữu trí tuệ.
Theo đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đang diễn ra nhức nhối ở
nhiều địa phương nhưng vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, bằng chứng là
số vụ phát hiện và truy tố vẫn còn ít.
"Hiện có nhiều lực lượng cùng tham gia chống hàng giả, hàng lậu như Công
an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thanh tra... nhưng vẫn chưa phân định
rõ đầu mối để quy được trách nhiệm dẫn đến tình trạng chồng chéo," ông
Bảo cho hay.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, thời gian qua, các cơ quan chức
năng đã triển khai nhiều giải pháp chống hàng giả, từ hoàn thiện khung
pháp lý đến đấu tranh, kiểm tra kiểm soát thị trường.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan những kết quả đạt được vẫn chưa
đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân do vậy để
chuyển biến cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của doanh nghiệp, người dân
và lực lượng bảo vệ pháp luật.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Công
Thương, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh công tác tham mưu, cũng như giúp Chính
phủ hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng yêu cầu chống buôn lậu, hàng giả,
hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong tình hình mới.
Phân công rõ trách nhiệm, Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng hải quan, biên
phòng, cảnh sát biển tăng cường kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu và biên
giới, ngăn chặn hàng giả, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tràn vào
thị trường nội địa. Lực lượng Quản lý thị trường và Công an tăng cường
kiểm soát thị trường không để các đối tượng làm ăn phi pháp có cơ hội
buôn bán hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu
dùng.
Phó Thủ tướng cũng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất
lượng cao, theo đó ứng dụng công nghệ tiên tiến để tăng năng suất, chất
lượng và giảm giá thành, đồng thời phối hợp tốt với cơ quan chức năng
trong công tác đấu tranh hàng giả.
"Chúng ta phải hành động thiết thực, nói đi đôi với làm, không chấp nhận
hành vi nào tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu, sản xuất hàng giả," Phó Thủ
tướng nhấn mạnh./.
Theo TTXVN