Thứ Sáu, 22/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 22/10/2024 9:53'(GMT+7)

Chống lãng phí: Đổi mới quản lý khoa học công nghệ tiết kiệm, hiệu quả

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh, Ban Tổ chức Cán bộ và Kiểm tra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng xây dựng văn hóa chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân mà còn là yếu tố quyết định để tạo dựng một xã hội văn minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh, Ban Tổ chức Cán bộ và Kiểm tra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng xây dựng văn hóa chống lãng phí không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân mà còn là yếu tố quyết định để tạo dựng một xã hội văn minh. (Ảnh: TTXVN phát)

CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh, Ban Tổ chức Cán bộ và Kiểm tra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, bài viết mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững, nhấn mạnh việc chống lãng phí là một trong những “nhân tố, nguồn lực quan trọng" để “khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh, hiện tượng lãng phí hiện nay biểu hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau, có thể kể đến như: Sử dụng không hiệu quả tài nguyên như nước, năng lượng và đất đai, dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên; tiêu dùng không cần thiết, mua sắm vượt mức hay chi phí vận hành cao trong doanh nghiệp có thể dẫn đến lãng phí tài chính; nhân lực không được sử dụng hiệu quả, thiếu đào tạo hoặc không có động lực làm việc có thể gây lãng phí tiềm năng…

Vì thế, nhiệm vụ triển khai thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí được Đảng ủy Viện Hàn lâm chỉ đạo thường xuyên, theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước. Theo đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai bằng các kế hoạch, hành động cụ thể trong mọi chương trình công tác, thực hiện chức năng nhiệm vụ của Viện Hàn lâm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh cho biết, thời gian gần đây, Đảng ủy Viện Hàn lâm đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa thực sự cần thiết và chưa bố trí được kinh phí đảm bảo thực hiện.

Trong các hoạt động điều hành quản lý, Viện Hàn lâm tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý ngân sách nhà nước về khoa học trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đề cao tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng rõ trọng tâm, trọng điểm nghiên cứu; tập trung giải quyết dứt điểm từng việc, không dàn trải, kéo dài làm lãng phí nguồn lực; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng, chống các dịch bệnh mới phát sinh...

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm cũng tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thương mại hóa ứng dụng kết quả nghiên cứu; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chính sách, văn bản quản lý mới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC GẮN VỚI THỰC TIỄN

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Tạ Văn Tuân, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá nếu vận dụng ý tưởng của bài viết vào lĩnh vực khoa học công nghệ thì chắc chắn sẽ có bước đột phá lớn. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Tiến sỹ Tạ Văn Tuân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chủ trương chống lãng phí đã được Đảng và Bác Hồ luôn chú trọng và đã được nêu rõ trong các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp lệnh và luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội.

Nội dung bài viết như một đề xuất khoa học mang tính thực tiễn cao của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hiện nay, làm cơ sở lý luận và thực tiễn cho công tác chống lãng phí. Tiến sỹ Tạ Văn Tuân tin rằng, với tư tưởng của bài viết, niềm tin của nhân dân vào Đảng sẽ tăng hơn nữa, dần dần trong văn hóa của người Việt sẽ có một văn hóa tiết kiệm, không lãng phí các giá trị xã hội.

Tâm đắc với giải pháp “Cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu” có trong bài viết, Tiến sỹ Tạ Văn Tuân cho rằng, nếu vận dụng ý tưởng của bài viết vào lĩnh vực khoa học công nghệ thì chắc chắn sẽ có bước đột phá lớn. Cụ thể, đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ cải cách triệt để ở đây là nhà nước phải là bên đặt hàng và cùng chịu trách nhiệm đến cùng với các tổ chức khoa học công nghệ. Căn cứ của đặt hàng phải xuất phát từ các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nhà nước và nhu cầu thực sự của xã hội.

Hiện tại về hình thức là đặt hàng nhưng thực tế chỉ là quản lý người đặt hàng và người thực hiện. Điều này dẫn đến nhiều thủ tục hành chính có vẻ chặt chẽ nhưng không thực chất và dẫn đến “hiện tượng xin cho”. Điển hình như vụ tiêu cực của Công ty Việt Á, Nhà nước hiện cũng quản lý nhiều chương trình phát triển khoa học công nghệ nhưng tính liên kết giữa các chương trình này và giữa chúng với nhu cầu xã hội hầu như không có, dễ dẫn đến nghiên cứu xong thì bỏ “ngăn kéo” vừa lãng phí tiền bạc, vừa lãng phí nhân lực có chất xám.

Tiến sỹ Tạ Văn Tuân đề xuất trong đầu tư nước ngoài nên đàm phán có nội dung, trong đó nếu đối tác cần có những nghiên cứu khoa học công nghệ thì trước hết ưu tiên nghiên cứu của Việt Nam. Từ đó, đối với các công nghệ mới hoặc cao, các cơ sở khoa học Việt Nam sẽ mạnh dạn đầu tư có định hướng và đào tạo nhân lực. Đầu tư các phòng thí nghiệm trọng điểm theo chủ đề và sản phẩm; hạn chế theo chuyên môn sâu… Bởi các phòng thí nghiệm này hoạt động theo cơ chế hạch toán. Các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước nên chỉ theo sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm, bởi các chương trình này sẽ liên kết được các nhà khoa học toàn quốc và các đơn vị sản xuất kinh doanh../.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất