Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 13/5/2009 8:6'(GMT+7)

Chủ động ngăn chặn dịch tiêu chảy cấp không để lây lan

Bệnh nhân tiêu chảy cấp được đưa vào khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân đặc biệt của Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia.

Bệnh nhân tiêu chảy cấp được đưa vào khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân đặc biệt của Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia.

Ngày 12/5, trước tình hình tiêu chảy cấp đang có nguy cơ lây lan rộng, chiều 12/5 Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ đang khẩn trương triển khai các hoạt động dập dịch, khoanh vùng, xử lý kịp thời các ổ dịch.

Bộ Y tế cũng xác định nguyên nhân lây truyền dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lần này vẫn do người dân thiếu ý thức phòng, bệnh và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa ra khuyến cáo: dịch bệnh vẫn xảy ra tại các ổ dịch cũ và nguyên nhân vẫn là do người dân sử dụng một số thực phẩm như: thịt chó, mắm tôm sống, rau sống, một số thức ăn không đảm bảo vệ sinh khác; sử dụng thức ăn đường phố... Đa số các trường hợp mắc rải rác tại nhiều quận huyện tại các tỉnh, thành phố, có một số ít trường hợp có liên quan về dịch tễ, tuy nhiên không có ổ dịch lớn xảy ra. Dự báo thời gian tới, có thể ghi nhận thêm một số trường hợp mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm do sự giao lưu qua lại giữa các khu vực, điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, ngập lụt tạo điều kiện cho việc phát tán mầm bệnh.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Đến nay, cả nước đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả tại thành phố Hà Nội (03 trường hợp ở các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ và huyện Từ Liêm), Hải Phòng (05 trường hợp), Bắc Ninh ( 09 trường hợp ), Thanh Hóa (7 trường hợp) và Nam Định (1 trường hợp). Còn lại các trường hợp khác tại các địa phương kết quả xét nghiệm âm tính với phẩy khuẩn tả.

Được biết, ca tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả đầu tiên của năm 2009 xuất hiện ở TP. Hà Nội. Đó là bệnh nhân nam, 51 tuổi, trú tại thôn Đông, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) vào điều trị tại Bệnh viện E Trung ương ngày 16/4 với các triệu chứng đi ngoài nhiều lần, phân lỏng như nước vo gạo đến nay đã ra viện.

Tình hình thời tiết vào mùa hè nóng ẩm, dễ sinh ngập lụt và là điều kiện để mầm bệnh phát triển và phát tán ra môi trường. Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận dịch tả, sự giao lưu qua lại giữa các vùng, các nước càng làm tăng nguy cơ xâm nhập bệnh.

Để phòng bệnh đề nghị người dân cần vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp, cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu. Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B... để sát khuẩn. Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ. Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch. Để phòng chống bệnh tiêu chảy cấp hiệu quả, mọi người cần thực hiện tốt ăn chín, uống sôi; không ăn rau sống, không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua. Ngoài ra, cần bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch, cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng; không vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng; những người bị bệnh cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, nhất là các bệnh nhân bị nặng.

Cùng ngày, Bộ Y tế có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn gửi Chủ tịch UBND, Giám đốc Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trên toàn quốc để trển khai công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm; cử đoàn công tác do lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cùng các địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch tại một số tỉnh có nguy cơ cao và điều tra nguồn gốc thực phẩm gây bệnh nhằm ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất