Thứ Ba, 1/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 29/9/2008 22:10'(GMT+7)

Chủ động ứng phó kịp thời bão số 7

Dự báo đường đi của bão số 7 - Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Dự báo đường đi của bão số 7 - Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

>>>Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn chỉ đạo việc phòng chống bão số 7. Mời bạn đọc nhấn vào đây xem toàn văn công điện.


Bão số 7 có sức gió giật cấp 8-9, hướng vào Bắc Trung bộ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ, hồi 13 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ bắc; 111,0 độ Kinh đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật trên cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 30/9 vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ bắc; 108,2 độ Kinh đông, cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Trị khoảng 170 km về phía Đông Bắc, ảnh hưởng trực tiếp Vịnh Bắc Bộ và vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật trên cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.


Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ nam đồng bằng Bắc Bộ đến Quảng Trị. Đến 13 giờ ngày 1/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ bắc; 105,4 độ Kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật trên cấp 9. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong 48 đến 72 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 2/10 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ bắc; 102,8 độ Kinh đông trên khu vực vùng núi thượng Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật trên cấp 6.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Biển động rất mạnh. Phía nam Vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10. Biển động rất mạnh. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to. Từ chiều và đêm ngày 30/9, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.

Huy động mọi nguồn lực, không được chủ quan trong chống bão

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, việc ứng phó, khắc phục hậu quả thiệt hại cơn bão số 6 vừa qua cho thấy, công tác dự báo bão, phương án đối phó, kế hoạch sơ tán dân đã có những chuyển biến và kết quả tốt, giảm thiểu tối đa thiệt hại. “Tuy nhiên, bài học lớn là vẫn cần thường xuyên củng cố, bổ sung những phương án mới do quy luật thời tiết, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, đặc biệt là phương án xác định những điểm dân cư xung yếu, bị đe dọa. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng chống thiên tai cho nhân dân cũng cần triệt để hơn, các địa phương phân tích kỹ những trường hợp thiệt mạng do chủ quan, kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình không chấp hành mệnh lệnh của các cơ quan chức năng”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng giao nhiệm vụ ưu tiên hiện nay là nhanh chóng tiếp cận, nối liên lạc thông tin và giao thông đối với những vùng còn bị chia cắt, huy động các nguồn lực cứu trợ đảm bảo không để người dân nào bị đói hoặc thiếu trợ giúp y tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hệ thống liên lạc, ưu tiên các huyện biên giới, cho phép địa phương sử dụng linh hoạt số tiền đã giao phục hồi, kiên cố hóa trường lớp để đảm bảo vốn sửa chữa, khắc phục trường lớp sau bão, không để tình trạng thiếu sách, thiếu quần áo ấm mùa đông của học sinh.

Đối với việc phòng chống cơn bão số 7, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các tỉnh, đặc biệt là vùng Bắc Trung Bộ, tập trung thông báo cho người dân, triển khai các biện pháp phòng chống mưa lớn được dự báo từ 300-500mm. Trước hết, các địa phương khẩn trương kêu gọi hết các thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm vào bờ; với sự hỗ trợ của quân đội cứu trợ các thuyền bị nạn, giúp dân thu hoạch nhanh mùa màng. Chuẩn bị các phương án sơ tán dân, đảm bảo cung cấp điện, thông tin, ứng trực ở những điểm xung yếu, có khả năng bị chia cắt lớn. Đặc biệt, các địa phương giám sát liên tục, phát hiện và xử lý ngay từ phút đầu các sự cố đê và hồ chứa khi có mưa.

Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 6

Tại buổi giao ban, báo cáo trực tiếp từ các địa phương về tổng số thiệt hại do mưa lũ sau bão số 6 cho biết, 41 người chết, mất tích 5 người, 61 người bị thương, các tuyến giao thông bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng đất đá 1,1 triệu m3, gần 400 cầu, cống, công trình thủy lợi nhỏ bị trôi, hư hại. 1.339 căn nhà bị sập, đổ trôi, hơn 10.000 căn nhà bị ngập, hư hại, 19.532 ha lúa bị hư hại. Ước tính thiệt hại về vật chất hơn 1.036 tỷ đồng.

â

Hình ảnh từ các đầu cầu phía Bắc

Cùng với sự chỉ đạo khắc phục hậu quả ở Trung ương, các địa phương đã chủ động huy động mọi nguồn lực, tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người chết và cứu chữa người bị thương, chuyển thức ăn, nước uống và thuốc chữa bệnh tới nhân dân vùng lụt. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là điện lưới và giao thông ở một số địa bàn chưa khôi phục nối thông được như một số xã ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam (Bắc Giang), Tiên Yên, QL 18 C, Bình Long – Hạ Long (Quảng Ninh),…

Nhiều địa phương đã nhanh chóng phổ biến những bài học kinh nghiệm về phòng chống bão lũ đúc rút từ cơn bão số 6. Đó là vấn đề thông tin, phổ biến tới người dân về sự thay đổi bất thường của quy luật thời tiết hiện nay, đặc biệt là những cơn mưa lũ lịch sử, xảy ra ngay ở những địa phương trước đây ít gặp nhất. Bên cạnh đó vẫn còn tư tưởng chủ quan, không chấp hành nghiêm chỉ đạo của Nhà nước dẫn tới những thiệt hại không đáng có về tính mạng và tài sản

Các địa phương phía Bắc Trung Bộ cũng báo cáo khẩn về tình hình triển khai ứng phó với cơn bão số 7. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là chưa liên lạc được với một số tàu thuyền , nhiều diện tích lúa mùa đang chín cần thu hoạch gấp trước khi bão đổ bộ./.

(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất