Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 18/5/2023 14:34'(GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng của nền ngoại giao, văn hóa hòa bình

Thủ tướng Pháp Georges Bidault đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Dinh Thủ tướng, ngày 2/7/1946. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Thủ tướng Pháp Georges Bidault đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Dinh Thủ tướng, ngày 2/7/1946. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Trải qua chiến tranh, xung đột, hòa bình và hợp tác hữu nghị đã trở thành khát vọng của toàn nhân loại, nhưng với một dân tộc phải đối đầu với các cuộc chiến tranh giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc như Việt Nam thì hòa bình còn là đạo lý và phương châm xử thế.

Và Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà ngoại giao kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, là hiện thân của tinh thần nhân văn đó. Tên tuổi và cuộc đời của Người luôn gắn liền với sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và phát triển vì tương lai của Việt Nam và thế giới.

Giải quyết xung đột bằng đàm phán hòa bình

Toàn bộ tiến trình cách mạng cũng như nền ngoại giao Việt Nam từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời mang đậm dấu ấn tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tư tưởng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc. Người chủ trương xây dựng quan hệ ngoại giao hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc.

Năm 1919, lần đầu tiên xuất hiện trên vũ đài chính trị, trong Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị Vécxây, Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện mong muốn đấu tranh cho những quyền tự do, bình đẳng của dân tộc mình bằng biện pháp hòa bình.

Trong suốt các giai đoạn sau, Bác vẫn luôn thể hiện tư tưởng hòa hiếu, khát vọng hòa bình. Trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh Việt-Pháp, ngày 12/7/1946 tại Paris, Bác tuyên bố: “Chúng tôi không muốn đẩy người Pháp ra khỏi Việt Nam… Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác bình đẳng, thật thà thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa hai nước.”

Sau này, ngay khi đang đánh Mỹ, Bác vẫn nói: ''Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập."

Bác cũng cho rằng đánh giặc không phải là tiêu diệt hết lực lượng của đội quân xâm lược, mà chủ yếu là đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đều thể hiện rõ điều đó và đó là một tầm nhìn vượt thời đại.

Bác từng phát biểu rằng: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được.”

Ngay sau khi giành được độc lập, bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/10/1945 đã đề ra mục tiêu góp phần giữ gìn hòa bình thế giới.

Thông cáo viết: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài."

Sau khi ký tạm ước ngày 14/9/1946 với Chính phủ Pháp, trả lời báo Paris-Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ''Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh."

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, đưa ra nhiều sáng kiến hòa bình, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao làm cho dư luận thế giới thấy được thực chất của tình hình Việt Nam, bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc và luận điệu hòa bình giả dối của chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phong trào Hòa bình Pháp thăm Việt Nam (15/3/1955). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phong trào Hòa bình Pháp thăm Việt Nam (15/3/1955). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy hòa bình hữu nghị và đạo lý làm tiêu chí để phân biệt bạn thù, phân biệt dân tộc với bọn phản động, hiếu chiến trong chính phủ của đối phương, luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, tập hợp rộng rãi nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới chống lại các thế lực gây chiến tranh xâm lược. Đó là nét đặc trưng của ''ngoại giao tâm công'' Hồ Chí Minh.

Thực hiện đường lối ''ngoại giao tâm công'' với tinh thần “Đem đại nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo," ta đã tranh thủ được một ''Mặt trận rộng rãi nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược," điều chưa từng có trong bất cứ cuộc chiến tranh giải phóng nào.

Hợp tác bình đẳng để phát triển

Quan điểm về đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước dân chủ đã hình thành trong tư tưởng Hồ Chí Minh từ rất sớm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Hồ Chí Minh rất chú trọng quan hệ đa phương và đa dạng với các nước khác trên thế giới. Đây là điều mà Hồ Chí Minh rất quan tâm ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, trong quá trình vừa kháng chiến vừa kiến quốc."

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Với vai trò là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ cách mạng nhận thức được sự chuyển biến của thời đại sẽ làm thay đổi quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trên phạm vi toàn cầu.

Bác coi đấu tranh thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia, chống sự áp đặt, thống trị bất công của các “nước lớn” chính là sự hoàn chỉnh của công cuộc giải phóng dân tộc. Bác hết sức coi trọng việc đoàn kết với nhân dân các nước láng giềng. 

Trong "Thông cáo về chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 3/10/1945," ta tuyên bố: Với các nước láng giềng thì “hợp tác bình đẳng để sánh vai ngang hàng cùng tiến hóa," với các “nước lớn” thì “sẵn sàng hợp tác thân thiện trên nguyên tắc bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau."

Với cái nhìn khoan dung văn hóa và một văn hóa khoan dung ngời sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm được và nhấn mạnh những điểm tương đồng, những mẫu số chung - là điều có thể đưa những người đối thoại xích lại gần nhau, chấp nhận thoả hiệp và nhân nhượng để tìm được tíếng nói chung, để có thể đi chung một con đường, hay thậm chí chỉ một đoạn đường - hướng tới cái đích chung mà vẫn bảo lưu những cái khác biệt. Những điểm chung đó là những giá trị mang tính phổ quát, như các nguyên tắc đạo đức, lòng nhân, tính thiện, tình yêu tự do, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc...

“Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành ghét sự dữ." Cũng với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị, để hoà đồng, để phát triển tình hữu nghị, Bác là người đưa bàn tay hữu nghị thân ái của nhân dân Việt Nam tới với các dân tộc khác, các nền văn hóa khác. Quan điểm của Bác luôn hướng tới đại cục, tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, vì lợi ích lâu dài của mỗi nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam (4/5/1957). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam (4/5/1957). (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Năm 1955, Bác phát biểu: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình, tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được."

Tư tưởng hòa bình, hợp tác hữu nghị để phát triển của Bác là một tư tưởng lớn, có sức sống vượt thời gian vì chứa đựng những giá trị vĩnh hằng của nhân loại.

Tư tưởng đó đã gợi ra cách tiếp cận và giải quyết những vấn đề của thế giới đương đại, đúng như Thủ tướng Ấn Độ Nêru đã nói: “Thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng... Cái cần bây giờ là tiếp cận hòa bình, hữu nghị và tình bạn. Tiến sỹ Hồ Chí Minh là biểu tượng cho sự tiếp cận đó."

Trong khi nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam viết: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà Cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng."

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp và những tư tưởng uyên bác, đầy tính nhân văn và hòa bình đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân loại.

Lịch sử nhân loại thế kỷ XX và lịch sử dân tộc Việt Nam hiện đại khắc sâu dấu ấn ngoại giao Hồ Chí Minh. Người đã trở thành biểu tượng của nền ngoại giao hòa bình, của nền văn hóa hòa bình./.

Phương Anh (TTXVN/Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất