Chủ tịch nước chỉ rõ Nhà nước ta lo cho dân, vì nhân dân, mục tiêu tối thượng của nhà nước ta là vì nhân dân và yêu cầu nâng lên tầm cao mới đối với các nghiên cứu đã có, sao cho sát thực tiễn hơn.
Chiều 9/9, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp lần thứ hai của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” để đánh giá tiến độ các công việc đã thực hiện; đồng thời thống nhất định hướng xây dựng Đề án quan trọng này trong thời gian tới.
Trong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, nhấn mạnh đến mục tiêu hàng đầu của Nhà nước là vì nhân dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu việc thực hiện 27 chuyên đề của Đề án phải có tư duy mới, vừa kế thừa những thành quả xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay; đồng thời nâng các nghiên cứu lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2045.
Theo Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo ban hành ngày 20/7 vừa qua, đến nay đã có 10 trong 14 cơ quan tham gia xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công.
Có 4 cơ quan không thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề nhưng đã giao các lãnh đạo cơ quan trực tiếp chỉ đạo triển khai.
Một số đơn vị đã khẩn trương triển khai những công việc cụ thể. Đảng đoàn Quốc hội thành lập 4 tiểu ban để giúp Ban Chỉ đạo xây dựng 4 chuyên đề được phân công.
Bộ Nội vụ đã họp thông qua đề cương chuyên đề thuộc trách nhiệm của Bộ. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã triển khai chuẩn bị 3 tọa đàm liên quan đến nội dung các chuyên đề được phân công.
Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức tọa đàm chuyên sâu có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để thảo luận các vấn đề về nội dung nghiên cứu.
Ban Nội chính Trung ương đã xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị phục vụ việc xây dựng Để án.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, 27 chuyên đề của Đề án là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, do đó, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo chất lượng của các chuyên đề.
Chủ tịch nước đánh giá cao một số cơ quan trong thời gian ngắn đã tích cực triển khai nhiệm vụ đúng tiến độ kế hoạch đề ra, trong đó có Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều đơn vị khác.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Đây là Đề án lớn và khó, có tính chuyên sâu, phạm vi nghiên cứu rộng, vì vậy để đảm bảo các chuyên đề hoàn thành có chất lượng cao, đúng tiến độ, các thành viên Ban Chỉ đạo cần đề cao tinh thần trách nhiệm; tiếp tục chỉ đạo đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân công tập trung nghiên cứu xây dựng các chuyên đề bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra theo kế hoạch.
"Đây là tác phẩm khoa học mang tính thực tiễn Việt Nam, phản ánh đường lối, cương lĩnh và Hiến pháp 2013, trong đó nhấn mạnh đến Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cho nên sự chủ động nghiên cứu vận dụng mặt lý luận và thực tiễn rất cần thiết và phong phú. Từ đề cương và các nội dung mà các cơ quan thực hiện phải đảm bảo tính chính trị, lý luận và thực tiễn," Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đề nghị việc nghiên cứu xây dựng các chuyên đề phải lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, bám sát các quan điểm chủ trương của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với đó là kế thừa những thành tựu đã đạt được trong xây dựng và hoàn thiện mô hình này.
"Nhà nước ta lo cho dân, vì nhân dân, mục tiêu tối thượng của nhà nước ta là vì nhân dân," Chủ tịch nước chỉ rõ và yêu cầu cần nâng lên tầm cao mới đối với những nghiên cứu đã có, sao cho sát thực tiễn hơn, khắc phục được những khuyết điểm, tồn tại, để phục vụ người dân tốt hơn.
Từ định hướng này, Chủ tịch nước yêu cầu các chuyên đề phải có phương pháp tiếp cận khoa học, hệ thống, đồng bộ, toàn diện, có tư duy đổi mới, đột phá, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với bối cảnh thực tiễn Việt Nam và tình hình quốc tế; trong đó có tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong nghiên cứu phải kế thừa các nghiên cứu lý luận, thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu cơ quan thực hiện các chuyên đề cần tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề để huy động được trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học đóng góp.
Chủ tịch nước cho biết sẽ dành thời gian trực tiếp nghe một số cuộc hội thảo, tọa đàm để tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề này./.
Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)