Sáng 7/12 (giờ địa phương), tại Seoul, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang tham dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam-Hàn Quốc.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức. Diễn đàn đã thu hút gần 300 doanh nghiệp hai nước tham dự.
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang nhiệt liệt chào mừng và hoan nghênh việc hai nước tổ chức Diễn đàn Đầu tư và Thương mại.
Hiện nay, quy mô hợp tác giữa hai nước đã lên tới hơn 64 tỷ USD. Khoảng một nửa số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào khu vực các nước ASEAN hiện đang đầu tư, làm ăn tại Việt Nam. Việt Nam là đối tác hợp tác hàng đầu của Hàn Quốc, quan hệ hai nước hiện đã phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, hợp tác phát triển, lao động đến giao lưu nhân dân… Đặc biệt, Việt Nam là đối tác hàng đầu trong chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc. Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang mong muốn, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục tích cực giao lưu kinh tế, góp phần vì phồn vinh chung của hai nước cũng như khu vực. Về phần mình, Quốc hội Hàn Quốc cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi hoạt động của doanh nghiệp hai nước. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng, diễn đàn sẽ là cơ hội đối thoại cởi mở và hữu ích đối với doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đã dành thời gian tham dự diễn đàn; chào mừng các doanh nghiệp của hai nước tới dự diễn đàn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hơn 30 năm đổi mới với mức tăng trưởng cao luôn duy trì ở mức cao, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình năm 2018 với quy mô GDP đạt 240 tỷ USD, giá trị thương mại khoảng 475 tỷ USD và dân số hơn 90 triệu người với cơ cấu dân số vàng. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang phát triển, dự kiến đến năm 2030 có khoảng 50% dân số gia nhập tầng lớp này sẽ vừa là thị trường tiêu thụ hấp dẫn, vừa cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho khu vực kinh tế.
Môi trường đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp mạnh mẽ với tính kết nối quốc tế thuận lợi, những chính sách phát triển kinh tế hấp dẫn... Việt Nam hiện đang chuyển mình thành cứ điểm sản xuất chiến lược của các Tập đoàn quốc tế trong khu vực; đã thu hút 338 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký từ 129 đối tác, trong đó có trên 180 tỷ USD đã trực tiếp được đưa vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại diễn đàn
Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD với tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Là thành viên trách nhiệm và tích cực của WTO, Việt Nam luôn chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế; hiện đang là thành viên có trách nhiệm của 10 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực. Quốc hội Việt Nam cũng vừa phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng quan hệ thương mại tự do, được hưởng ưu đãi cao từ thị trường rộng lớn của gần 40 quốc gia phát triển. Điều này càng giúp cho thị trường Việt Nam có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Với hơn 62 tỷ USD tổng vốn đầu tư đăng ký, doanh nghiệp Hàn Quốc đang giữ vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam. Hàn Quốc hiện là đối tác FDI lớn nhất, góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, giúp ổn định cán cân thương mại, thúc đẩy an sinh - xã hội của Việt Nam.
Quy mô thương mại của hai nước cũng không ngừng gia tăng, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, tăng trưởng về thương mại đã tăng gần 130 lần, đạt mức 64 tỷ USD vào năm 2017. Hai nước hiện là những đối tác thương mại rất quan trọng của nhau, với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao, ít cạnh tranh trực tiếp. Các hoạt động thương mại song phương, đã gián tiếp góp phần định hình một số ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, cũng góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nhập khẩu và sự lựa chọn của nguời tiêu dùng. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã dần có vị trí quan trọng tại thị trường Hàn Quốc, đặc biệt là các sản phẩm hoa quả nhiệt đới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc, đẩy mạnh hợp tác toàn diện từ phát triển thương hiệu, sản xuất, thị trường trong chuỗi giá trị, để cùng phát huy và kết hợp thế mạnh của mỗi nước. Đặc biệt, Việt Nam đang xem xét có những chính sách để tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới - cơ khí chính xác, nông nghiệp - chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, năng lượng, phát triển hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh, y tế, sinh học, dịch vụ chất lượng cao, tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án Start-up...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang chứng kiến Lễ khai trương thương mại đường bay kết nối đảo ngọc Phú Quốc với Seoul của Hãng hàng không Vietjet
Trong lĩnh vực thương mại, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho xuất khẩu của Việt Nam đối với hàng nông sản nhiệt đới, hàng dệt may, đồ gỗ, cao su, điện tử; đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng, linh kiện sản xuất và một số mặt hàng là nông sản ôn đới của Hàn Quốc.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam cam kết xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế và các nước OECD. Trong tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng gắn với 3 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Các hoạt động này đang được triển khai rất mạnh mẽ, tạo ra nhiều dư địa cho khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài liên kết cùng phát triển.
“Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước phát huy lợi thế, trở thành hạt nhân trong các hoạt động hợp tác và liên kết kinh tế, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi. Cánh cửa của chúng tôi luôn rộng mở để chào đón các bạn doanh nghiệp Hàn Quốc đến hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành với các bạn”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Tại diễn đàn, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương Việt Nam và lãnh đạo Ban Kinh tế đối ngoại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc đã trao đổi cụ thể với doanh nghiệp hai nước về môi trường đầu tư kinh doanh của hai nước; định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới cũng như các lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước có thể tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang đã chứng kiến Lễ khai trương thương mại đường bay kết nối đảo ngọc Phú Quốc với Seoul của Hãng hàng không Vietjet.
Đường bay Phú Quốc - Seoul được chính thức khai thác khứ hồi hàng ngày từ 22-12-2018 với thời gian bay mỗi chặng khoảng 5 giờ 30 phút. Việc đưa vào khai thác đường bay mới Phú Quốc - Seoul, Vietjet không chỉ mang đến nhiều cơ hội thuận tiện để người dân và du khách quốc tế di chuyển bằng phương tiện hàng không an toàn, văn minh, hiện đại mà còn thúc đẩy giao thương và góp phần tăng trưởng đầu tư vào địa phương. Vietjet bắt đầu khai thác đường bay đầu tiên đến Hàn Quốc vào năm 2013, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy giao thương, đi lại giữa hai nước và trong khu vực. Hiện nay, Hãng cũng đang khai thác 7 đường bay khác tới Hàn Quốc bao gồm Seoul - Hà Nội/TP Hồ Chí Minh/Hải Phòng/Đà Nẵng/Nha Trang, Hà Nội-Busan và Đà Nẵng - Daegu, đã vận chuyển khoảng hơn 2 triệu lượt khách giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
* Sáng 7/12, tiếp lãnh đạo Tập đoàn CJ, Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, CJ là một tập đoàn lớn, nổi tiếng của Hàn Quốc và trên thế giới. CJ đã và đang đầu tư, có ý tưởng đầu tư trên các lĩnh vực tại Việt Nam, bao gồm vệ sinh an toàn thực phẩm, văn hóa và logistic. Chủ tịch Quốc hội đề nghị CJ sản xuất phim về các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, trong đó có những gia đình hạnh phúc và những gia đình kém may mắn. Việt Nam và Hàn Quốc có 68.000 gia đình đa văn hóa và đây là đề tài rất hấp dẫn. Chủ tịch Ủy ban Điều hành CJ Park Keun Tae cảm ơn gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khẳng định sẽ chỉ đạo thực hiện sản xuất bộ phim như vậy.
* Tại buổi tiếp lãnh đạo Tập đoàn Lotte, sáng 7/12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao các hoạt động đầu tư kinh doanh của Lotte tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giải trí, chế biến thực phẩm. Hanoi Lotte Tower hiện là một trong những tòa nhà cao, đẹp và là điểm nhấn của Hà Nội; chúc Lotte sớm triển khai dự án Thủ Thiêm Eco Smart City, trở thành dự án điểm nhấn và mang tính động lực thúc đẩy cho Khu đô thị Thủ Thiêm.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Lotte sẽ tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh, như: phát triển đô thị thông minh, du lịch… tại Việt Nam.
* Tiếp lãnh đạo Tập đoàn VN One và Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Tập đoàn VN One đang kết hợp với các đối tác Việt Nam để phát triển các khu công nghiệp, xây dựng, phát triển đô thị và đang hướng đến địa bàn đầu tư trọng tâm là khu vực Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dư địa đầu tư ở khu vực này vẫn còn rất lớn, nhất là nhu cầu đầu tư về hạ tầng cơ sở, hạ tầng logistic. Cần Thơ hiện đã có cảng biển, sân bay. Nhà nước cũng đang đầu tư xây dựng đường cao tốc. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp, lúa gạo, cây trái, thủy sản xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể căn cứ vào những đặc điểm này của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để nắm bắt các cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Lãnh đạo Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc đã tham dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Việt Nam có Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp này. Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khởi nghiệp thành công và vươn ra thị trường nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc sẽ sang tìm hiểu, đầu tư với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam./.
Chiến Thắng (qdnd.vn)