Sáng 27/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
đã tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6
để thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án luật.
Phát biểu khai mạc hội nghị,
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thực hiện quy định của Luật
Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm
việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc
hội khóa 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc
hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến đối với 12 dự án
luật.
Các Luật được đưa ra thảo luận, cho ý kiến lần này gồm: 11 dự án luật
đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua là: Luật
Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa
đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy
hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Tư pháp người
chưa thành niên; Luật Phòng không nhân dân và 1 dự án Luật được trình
Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Điện lực (sửa đổi). Nếu
được chuẩn bị tốt, Quốc hội thảo luận đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban
Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông
qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Các dự án thảo luận tại hội nghị lần này điều chỉnh nhiều lĩnh vực
khác nhau, trong đó có những luật rất quan trọng đối với hệ thống chính
trị và đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động và doanh nghiệp như
Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)); liên
quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như Luật Di sản văn hóa (sửa
đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; gắn với bảo đảm trật
tự, an toàn xã hội, được người dân rất quan tâm như Luật Phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, các vị Đại
biểu Quốc hội (ĐBQH) rất quan tâm với hơn 200 lượt ý kiến phát biểu,
tranh luận tại hội trường, gần 900 lượt ý kiến phát biểu tại tổ về những
vấn đề lớn, căn bản và nhiều điều khoản cụ thể.
Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ
quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ khẩn trương
nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến này, bám sát các quan điểm, mục
tiêu, nguyên tắc chỉ đạo đã được thống nhất từ đầu khi xây dựng và đưa
các dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong quá trình
hoàn thiện, chỉnh lý luật; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu
các cơ quan phải lưu ý kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là
đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các vấn đề địa phương, người dân,
doanh nghiệp gặp vướng mắc, cần tháo gỡ… để chỉnh lý, hoàn thiện các quy
định.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trên cơ sở đó, tại phiên họp chuyên đề pháp
luật và phiên thường kỳ tháng 8/2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem
xét, kết luận về việc tiếp thu, chỉnh lý đối với từng dự án luật và chỉ
đạo hoàn thiện hồ sơ trình Hội nghị hôm nay, trong đó, lưu ý nhiều vấn
đề mới, nhiều quy định còn ý kiến khác nhau cần được các vị đại biểu
Quốc hội đóng góp ý kiến để có cơ sở thống nhất hướng chỉnh lý, tiếp tục
hoàn thiện dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới
đây.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề đề nghị các vị ĐBQH chuyên trách
và các đại biểu tham dự Hội nghị lưu ý những vấn đề như sau:
Thứ nhất, tập trung phân tích, thảo luận, thể hiện rõ quan điểm đối
với những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, xin ý kiến, những
nội dung còn có các phương án khác nhau; cho ý kiến rõ các dự án đã đủ
điều kiện để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới hay chưa.
"Tôi đề nghị bám sát nguyên tắc đã thống nhất từ đầu nhiệm kỳ là ưu
tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng. Chỉ
những dự án luật bảo đảm chất lượng, giải quyết thỏa đáng các vấn đề
vướng mắc thì mới trình Quốc hội thông qua; những vấn đề thực tiễn đã
rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì quyết
tâm thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp
tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có
thẩm quyền cho phép", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.
Thứ hai, rà soát kỹ lưỡng các dự thảo luật xem đã quán triệt, thể chế
hóa đầy đủ chủ trương của Đảng hay chưa. Các điều khoản cụ thể trong dự
thảo luật đã bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với
các luật khác trong hệ thống pháp luật hay chưa. Cần lưu ý việc đánh giá
tác động đối với những đề xuất quy định mới.
Thứ ba, cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định 178-QĐ/TW ngày
27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt, các chính
sách đã bảo đảm bảo việc không để sơ hở, phòng ngừa, ngăn chặn được tình
trạng việc “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích
cục bộ của ngành, lĩnh vực cơ quan quản lý nhà nước chưa. Vì vậy, các vị
đại biểu Quốc hội khi phát biểu cần thể hiện rõ quan điểm, khách quan,
không né tránh đối với các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính
sách.
Thứ tư, qua tổng kết Kỳ họp thứ 7 cho thấy: Việc gửi tài liệu đến
ĐBQH đã có bước chuyển biến tích cực nhờ cách thức thực hiện mới; phát
huy cách làm hiệu quả đó, ngay sau kết thúc Hội nghị này, tôi đề nghị
các cơ quan phối hợp tổ chức tiếp thu ý kiến, khẩn trương hoàn thiện hồ
sơ tài liệu và gửi các vị đại biểu Quốc hội ngay khi chỉnh lý, hoản
thiện xong (không chờ đến khi đủ hết các loại tài liệu mới gửi, tài liệu
nào có trước thì gửi trước), từng bước cố gắng khắc phục triệt để tình
trạng chậm gửi tài liệu, đảm bảo ĐBQH tiếp cận tài liệu trình tại Kỳ họp
sớm nhất, có đủ thời gian để nghiên cứu, quyết định, nhất là đối với
những dự án luật, nghị quyết trình thông qua.
Thứ năm, Hội nghị dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ hôm nay đến hết
ngày 29/8; đề nghị các vị đại biểu tích cực nghiên cứu; chuẩn bị ý kiến
súc tích, tránh trùng lặp, phân tích, lập luận thuyết phục và đề xuất
phương án cụ thể về những vấn đề xin ý kiến hoặc được quy định trong dự
thảo luật. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, đại diện cơ quan
soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ báo cáo, làm rõ thêm những vấn đề mà đại
biểu quan tâm. Trường hợp có nội dung kết thúc sớm hơn so với thời gian
dự kiến, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chuyển luôn sang nội dung kế tiếp để
tiết kiệm thời gian và bảo đảm hiệu quả của Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng tin tưởng, với sự chuẩn bị chu
đáo của các cơ quan hữu quan và trách nhiệm cao của các vị đại biểu, Hội
nghị lần này sẽ góp phần quan trọng để hoàn thiện 12 dự án luật trước
khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.
TTXVN