Tiếp tục chuyến thăm chính thức Trung Quốc, sáng 10/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Trung tâm lập pháp Hồng Kiều tại thành phố Thượng Hải. Cùng tham dự có Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Vương Đông Minh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình
Huệ đã tham quan khu trưng bày, nghe giới thiệu về Trung tâm; mối quan
hệ giữa Trung tâm với Ủy ban Pháp luật của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc
và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như tại địa
phương.
Trung tâm lập pháp Hồng Kiều từ ngày thành lập đến nay đã tham gia
đóng góp xây dựng 82 dự thảo luật, văn bản pháp quy; trong đó có 4 bộ
luật do Nhân đại toàn quốc Trung Quốc ban hành và những văn bản quy phạm
pháp luật ở địa phương. Trung tâm hiện đứng đầu trong 25 điểm liên hệ
lập pháp.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn các đại
biểu đã chia sẻ những câu chuyện sinh động trong quá trình xây dựng luật
pháp của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc và Nhân đại Thượng Hải.
Đánh giá
cao mô hình của Trung Quốc trong quy trình xây dựng pháp luật, Chủ tịch
Quốc hội chỉ rõ, lập pháp là chức năng cơ bản của Quốc hội, công tác
lập pháp chính là để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Luật pháp được ban
hành đều phải xuất phát từ ý chí, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của
người dân và cộng đồng doanh nghiệp, từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn
cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình xây dựng luật, Quốc hội
Việt Nam cũng luôn quán triệt tinh thần muốn luật pháp đi vào cuộc sống
thì trước hết bản thân cuộc sống phải được phản ánh vào trong luật pháp.
Quốc hội Việt Nam đặc biệt coi trọng quy trình đánh giá tác động chính
sách trước khi xây dựng các dự luật và việc lấy ý kiến nhân dân.
Chủ
tịch Quốc hội đánh giá cao mô hình thành lập các trung tâm lập pháp, kể
cả cấp trung ương của Nhân đại toàn quốc và Nhân đại địa phương, ở cơ sở
như Trung Quốc là một mô hình hết sức độc đáo.
Cho rằng cách thức hoạt động của Trung tâm là kinh nghiệm tốt để
nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội cho biết cơ quan chức năng Việt Nam đang
rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành quy phạm pháp luật. Do đó, cuộc
trao đổi về mô hình là kinh nghiệm tốt để tham khảo.
Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc
Vương Đông Minh chia sẻ, 6.700 điểm liên hệ pháp luật trên toàn quốc đều
phát huy vai trò quan trọng trong quá trình lập pháp ở Trung Quốc. Các
Nhân đại địa phương đều tổ chức xây dựng các trung tâm liên hệ lập pháp.
Đồng chí Vương Đông Minh cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ những
kinh nghiệm, cách làm hay của Quốc hội Việt Nam trong thực hiện chức
năng lập pháp; đồng thời cho rằng hai cơ quan lập pháp tiếp tục tăng
cường giao lưu hợp tác ở các cấp để hoạt động của hai cơ quan lập pháp
tốt hơn, phục vụ quá trình phát triển đất nước ở mỗi nước, thực hiện tốt
nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao cũng như Thỏa thuận hợp tác giữa
hai cơ quan vừa được ký kết nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch
Quốc hội Vương Đình Huệ đến Trung Quốc./.
TTXVN