Cùng với hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, môi trường, an ninh, quốc
phòng…, Nghị viện châu Âu (EP) sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên cơ sở những
gợi ý để thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Chiều 23/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp ông David McAllister, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu (EP).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) là
đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam;
đồng thời đánh giá cao những kết quả tích cực, quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU trên các trụ cột: chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, nông nghiệp-ngư nghiệp, quốc phòng-an ninh, hợp tác phát triển...
Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU
và sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong tiến trình này; phối hợp với EP
trong việc thúc đẩy triển khai Sáng kiến thành lập Hội đồng Nghị viện
EU-ASEAN, xem đây là nền tảng góp phần thúc đẩy Hiệp định thương mại tự
do EU-ASEAN.
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian cho cuộc tiếp, Chủ tịch Ủy
ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu David McAllister cho biết chuyến
thăm làm việc của Đoàn tại Việt Nam và Indonesia lần này nhằm thúc đẩy
hơn nữa quan hệ giữa EU với ASEAN, góp phần tăng cường quan hệ ngoại
giao nghị viện trong khu vực.
Đánh giá Việt Nam là đối tác đáng tin cậy, ông David McAllister cho biết EP mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Nghị viện châu Âu và nghị viện ASEAN nói chung. Đây cùng chính là lý do EP thiết lập Văn phòng liên lạc tại Indonesia.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu nêu rõ mối quan hệ
giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới thông
qua các hiệp định đã ký kết, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương
mại. Cùng với hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, môi trường, an ninh,
quốc phòng… tiếp tục phát triển, EP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên cơ sở
những gợi ý để thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ thực hiện nghiêm túc những cam kết trong hiệp định EVFTA;
là một trong những nước đầu tiên hoàn thành các Mục tiêu phát triển
Thiên niên kỷ và đang luật hóa các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên
hợp quốc. Tất cả các cam kết của Việt Nam với quốc tế đều được thực
hiện một cách chủ động, tích cực.
Việt Nam luôn đặt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ,
văn minh, nỗ lực đảm bảo điều kiện vật chất, tinh thần tốt nhất cho
người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trong điều kiện có thể của
mình.
Chủ tịch Quốc hội đề xuất thời gian tới, trên cương vị Chủ tịch Ủy
ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu, ông David McAllister tiếp tục ủng
hộ phát triển quan hệ EU-Việt Nam, EU-ASEAN; nâng cao vai trò của EP
trong phát huy những lợi thế của Hiệp định EVFTA, góp phần tăng cường
hơn nữa quan hệ thương mại, duy trì các chuỗi cung ứng giữa EU-Việt Nam,
EU-ASEAN, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay; thúc đẩy
trao đổi đoàn cấp Ủy ban giữa EP và Quốc hội Việt Nam.
EP thúc đẩy nghị viện các nước còn lại trong Liên minh châu Âu sớm
phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA),
nhằm khai thông dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp EU vào Việt Nam, coi
đây là nền tảng góp phần triển khai sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” của EU
tại khu vực.
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác giữa EU/EP với ASEAN/AIPA;
phối hợp triển khai Kế hoạch hành động ASEAN-EU giai đoạn 2023-2027,
giúp EU kết nối với thị trường ASEAN và thúc đẩy đàm phán Hiệp định
Thương mại tự do giữa ASEAN-EU.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị EU tiếp tục thúc đẩy, góp phần đảm bảo an
ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông vì hòa bình, ổn định và phát
triển của khu vực và trên thế giới. EU tăng cường hợp tác trong khuôn
khổ tiểu vùng sông Mekong; hỗ trợ Việt Nam về vốn, công nghệ, nhân lực
trong phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công
bằng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu. (Ảnh: TTXVN)
Cùng với đó, EU ủng hộ Việt Nam hiện thực hóa Tuyên bố chính trị
thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối
tác quốc tế (JETP) để thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 đã cam
kết tại Hội nghị COP26.
Đề nghị EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng IUU," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan
điểm tích cực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy
ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, nêu rõ giải quyết các vấn đề về
khai thác thủy sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định
(IUU) chính là phấn đấu thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người dân, cho
phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam tăng cường
năng lực quản lý nghề cá, hiện đại hóa lĩnh vực nghề cá tại Việt Nam về
quy trình, kỹ thuật khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chuyển giao công
nghệ sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học, chế biến, bảo quản, logistics
và bán lẻ, xây dựng chuỗi giá trị khép kín trong lĩnh vực thủy sản, xem
đây là mô hình điểm trong khu vực.
Nhân dịp này, qua Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện châu Âu
David McAllister, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng gửi lời
mời Chủ tịch Nghị viện châu Âu, bà Roberta Metsola sớm thăm Việt Nam vào
thời điểm thích hợp trong năm 2023./.
TTXVN