Thứ Ba, 10/6/2014 21:12'(GMT+7)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Hội Nghề cá
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nền văn
hóa của dân tộc Việt Nam gắn liền với trồng lúa nước và đánh bắt thủy
sản, vì vậy vai trò của Hội Nghề cá Việt Nam với hàng triệu ngư dân cả
nước có vị trí rất quan trọng.
Chiều 10/6, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Hội Nghề cá Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nền văn hóa của dân tộc Việt Nam gắn liền với trồng lúa nước và đánh bắt thủy sản, vì vậy vai trò của Hội Nghề cá Việt Nam với hàng triệu ngư dân cả nước có vị trí rất quan trọng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Hội Nghề cá Việt Nam đã có nhiều hoạt động phối hợp cùng các cơ quan chức năng đẩy mạnh sản xuất và an sinh xã hội trong lĩnh vực thủy sản, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông ngư dân.
Chủ tịch yêu cầu trong thời gian tới, Hội Nghề cá Việt Nam cần tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên nông ngư dân và doanh nghiệp làm nghề cá; tiếp tục có những đề xuất cơ chế chính sách phù hợp nhằm phát triển nghề cá và nâng cao đời sống của ngư dân, bao gồm cả nuôi trồng nội địa và khai thác trên biển, gắn kết an ninh quốc phòng biển đảo với phòng chống thiên tai dịch họa và phát triển sản xuất khai thác xa bờ, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng có cơ chế hỗ trợ 220 xã đảo ven biển sống bằng nghề đánh bắt thủy sản sớm thoát nghèo.
Thời gian qua, các cấp Hội Nghề cá Việt Nam đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông ngư dân, tập hợp, đề xuất nhiều ý kiến lên các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho hội viên, nông ngư dân và doanh ngihệp như: Tuyên bố lên án, kịch liệt phản đối phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương -981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kiến nghị giải pháp bảo vệ ngư dân bị xâm hại khi đi sản xuất trên biển Đông; đề xuất các ý kiến giải quyết các khó khăn về nuôi, tiêu thụ cá tra, tôm, cá nước lạnh…; đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai và các quy định của Nhà nước liên quan đến lợi ích của nông ngư dân; giải quyết tốt quyền lợi cho người sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông ngư dân sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trước tình hình hoạt động trên biển gặp nhiều khó khăn, rủi ro, nhất là khu vực biển Đông ngày càng phức tạp, các cấp Hội Nghề cá Việt Nam đã tích cực hướng dẫn, tổ chức hậu cần dịch vụ với nhiều phương thức mang lại hiệu quả thiết thực như: Tổ chức đánh cá theo tổ, đội, tổ chức ngư đội khai thác hải sản xa bờ, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, chuyển đổi công cụ khai thác hiệu quả. Nhiều tỉnh Hội cũng chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức quản lý cộng đồng đối với nghề cá ven bờ, tích cực tham gia cung ứng vật tư, nhiên liệu cho khai thác trên biển, tham gia hoạt động quản lý bến cá, cảng cá nhỏ có hiệu quả...
Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu, thuyền 70% và 100% thân thể cho ngư dân đi khai thác xa bờ, vùng biển Hoàng Sa- Trường Sa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách phù hợp đối với những trường hợp có hành động dũng cảm hy sinh, hỗ trợ cứu vớt, bảo vệ ngư dân trên biển.
Các ý kiến của Hội Nghề cá Việt Nam tại buổi làm việc đều mong muốn Nhà nước cần quan tâm đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa để ngư dân Việt Nam bám biển hiệu quả hơn; đầu tư nâng cấp các cảng cá quan trọng ở miền Trung, tránh tình trạng đầu tư dàn trải; sớm sắp xếp, quy hoạch các chợ cá, dịch vụ hậu cần tại các đảo tiền tiêu trên biển./.
Theo TTXVN