Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực
hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy
hoạch có hiệu lực thi hành".
ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN, KHÁCH QUAN VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT QUY HOẠCH
Trình bày Báo cáo tóm tắt Kế hoạch chi tiết và các
đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp
luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi
hành", ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó
Trưởng đoàn Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, cho biết mục đích của hoạt
động giám sát chuyên đề là đánh giá toàn diện, khách quan việc triển
khai thực hiện Luật Quy hoạch, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường
vụ Quốc hội, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên
quan đến quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ
quan có liên quan.
Nội dung giám sát là việc ban hành chính sách và văn bản quy phạm
pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh,
nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan; việc
triển khai công tác quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch
quốc gia giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, các bộ, ngành, Hội đồng
Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; việc rà soát, ban hành danh mục quy
hoạch tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và
điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2020 khi quy hoạch thuộc hệ thống quy
hoạch quốc gia chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê
duyệt.
Đoàn cũng giám sát việc rà soát các quy hoạch về đầu tư phát triển
hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng
hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ hết hiệu lực theo quy
định tại điểm d, khoản 1, Điều 59 của Luật Quy hoạch và ban hành các
chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thay thế các quy hoạch nói trên;
việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các quy hoạch xây
dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo pháp luật có liên quan;
việc xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu
quốc gia về quy hoạch.
Thời gian tiến hành giám sát dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 9/2021,
ban hành Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo. Dự kiến, kết quả sẽ
được thu về vào cuối tháng 11 hoặc cuối tháng 12/ 2021 (tùy từng chủ thể
giám sát), sau đó các ý kiến sẽ được tập hợp, tổng hợp.
Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và phim
minh họa, dự thảo Nghị quyết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại
phiên họp tháng 4/2022. Trong tháng 5 và tháng 6/2022 Đoàn sẽ trình lên
Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát, phim minh họa và dự thảo Nghị quyết
tại kỳ họp thứ 3.
Qua thảo luận, các đại biểu dự phiên họp cơ bản tán thành với báo cáo
của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Dự thảo kế hoạch giám sát được đánh
giá là chuẩn bị công phu, bám sát yêu cầu trong Nghị quyết số
19/2021/QH15, cũng như yêu cầu về nội dung, lộ trình thực hiện. Một số
đại biểu đã đóng góp thêm một số ý kiến cụ thể đi vào nội dung của từng
dự thảo kế hoạch và đề cương.
GIÁM SÁT CHẶT CHẼ GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP LUẬT
Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh hoạt động giám sát thực hiện Luật Quy hoạch là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết cả bốn cuộc giám sát trong năm 2022, trong đó có 2 chuyên đề
giám sát tối cao, đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa để đảm
bảo chất lượng cho hoạt động giám sát.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ này, giám sát được coi là một
khâu trung tâm để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Do đó, muốn nâng cao chất lượng giám sát, cần phải đầu tư công sức, trí
tuệ, có tổ chức, cách làm phù hợp, khoa học, hiệu quả, đồng thời phải
làm đến nơi, đến chốn.
Yêu cầu hoạt động giám sát phải gắn được với trách nhiệm giải trình
của cá nhân, tổ chức, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Đoàn giám sát phải đưa
ra được những kiến nghị hình thức xử lý thích đáng đối với các tổ chức,
cá nhân về vấn đề được xác định sai phạm hay các vấn đề chậm trễ, cản
trở công tác thi hành pháp luật.
Đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ cho đợt giám sát lần này, trong
đó có giám sát thực hiện Luật Quy hoạch công phu, Chủ tịch Quốc hội cơ
bản tán thành với nội dung trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra một số nguyên nhân hạn chế, tồn tại của việc thực hiện Luật Quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc giám sát thực hiện pháp luật bao gồm cả
việc ban hành luật, các văn bản hướng dẫn luật và việc thực thi pháp
luật, thực hiện quy hoạch ở các bộ, ngành, địa phương; giám sát các nội
dung khác liên quan đến xây dựng, phê duyệt, quản lý quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu đối với Đoàn giám sát là chú
trọng giám sát việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch hiện có
trong giai đoạn giao thoa pháp luật cũ và mới về quy hoạch, khi Luật Quy
hoạch mới ban hành và thực hiện Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Trong
giai đoạn này, có nhiều trường hợp tùy tiện điều chỉnh quy hoạch; điều
chỉnh quy hoạch không đúng.
Lưu ý việc tổ chức thực thi các văn bản pháp luật hướng dẫn đối với
Luật Quy hoạch hiện nay rất chậm, tác động nhiều đến phát triển, Chủ
tịch Quốc hội cũng yêu cầu cuộc giám sát lần này cần đánh giá cho được
lý do vì sao chậm, cũng như giám sát chất lượng công tác xây dựng, phê
duyệt quy hoạch.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
cho biết qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với
nội dung báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát cần tính
toán thời gian thực hiện giám sát hợp lý, phù hợp và tránh chồng chéo
với các hội nghị, sự kiện lớn của Trung ương và của địa phương, bộ,
ngành.
Đoàn giám sát cần rà soát kỹ và xác định kế hoạch, đề cương báo cáo
chi tiết cho các chủ thể, đối tượng giám sát phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ, nhất là khối địa phương./.
TTXVN