Từ nay, các ngư dân hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ được hỗ trợ, bù đắp một phần thiệt hại khi gặp rủi ro trên biển do ảnh hưởng của thiên tai hay phát sinh từ những hành động do người nước ngoài gây ra. Đó là cam kết từ Quỹ “An ngư Việt” của Tổng Công ty bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) vừa chính thức ra mắt và đưa vào hoạt động.
Những năm gần đây, bà con ngư dân đã được sự quan tâm, trợ giúp nhiều mặt của Nhà nước trong hoạt động khai thác hải sản, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn trong cuộc sống và trong việc bám ngư trường, nhất là trên hành trình đánh bắt hải sản xa bờ thuộc địa phận chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Không ít bà con ngư dân đã mất ngư cụ, mất trang thiết bị, thậm chí bị "uy hiếp" tính mạng bởi tàu lạ nước ngoài xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Trong khi đó, chỉ cần một cơn cuồng phong bất thình lình trên biển cũng có thể “nhấn chìm” mọi thành quả lao động của bà con khiến bao gia đình ngư dân bỗng chốc trắng tay, lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần.
Vì vậy, việc ra đời Quỹ “An ngư Việt” của PVI là một việc làm kịp thời, đúng hướng, thiết thực giúp đỡ bà con ngư dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Khi tham gia quỹ này, ngư dân sẽ được chi trả bảo hiểm thân tàu, tai nạn thuyền viên, tiền chuộc - vốn là những khoản tiền thường vượt quá khả năng chi trả ngân hàng của bà con nếu không may xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Thêm nữa, được bảo hiểm cam kết hỗ trợ, ngư dân cũng sẽ an tâm hơn trong quá trình bám biển, bám ngư trường dài ngày, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác, đánh bắt hải sản ở xa bờ.
Nối tiếp chương trình “Cùng ra khơi” với việc triển khai gói cước di động trả trước Sea+ dành riêng cho người dân vùng biển và ven biển Việt Nam của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), chương trình “Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi” của Báo Thanh niên và Quỹ “Hỗ trợ ngư dân” của tỉnh Quảng Ngãi, Quỹ “An ngư Việt” của PVI sẽ tạo ra một xung lực mới để bà con ngư dân thêm vững vàng tay chèo trước mọi sóng to gió cả, yên tâm gắn bó với công việc khai thác hải sản, đánh bắt xa bờ để đánh thức tiềm năng kinh tế biển, góp phần làm giàu cho gia đình và quê hương, đất nước.
Không dừng lại ở đó, những việc làm trên còn góp phần nhân lên tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết và đạo lý “Lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta; đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị kinh tế và cơ quan báo chí trong việc cùng ngư dân tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh thêm, các chương trình, quỹ hỗ trợ ngư dân ra đời đều cần thiết và rất đáng khuyến khích, nhưng phải đặt tính hiệu quả lên hàng đầu. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, động viên bà con ủng hộ, tham gia nhiệt tình các chương trình và các quỹ, các cơ quan chủ quản cần thường xuyên theo dõi, bám nắm sâu sát quá trình hoạt động trên biển của ngư dân, kịp thời hỗ trợ vật chất, tinh thần cho bà con khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Mặt khác, cần ngăn ngừa và tránh tình trạng chương trình có “phát” mà không “động”; hoặc hoạt động của quỹ chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần, mà không mang lại lợi ích thiết thực cho ngư dân./.
(Theo: QĐND)