Thứ Bảy, 23/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Chủ Nhật, 24/11/2013 13:24'(GMT+7)

Chương trình “Thư xuân cho biển đảo” của học sinh TPHCM: Lửa yêu thương gởi từ đất liền

Ngoài việc viết thư gởi các chiến sĩ hải quân, học sinh nhiều trường còn sáng kiến vẽ tranh gởi tặng các bạn học sinh nơi biển đảo.

Ngoài việc viết thư gởi các chiến sĩ hải quân, học sinh nhiều trường còn sáng kiến vẽ tranh gởi tặng các bạn học sinh nơi biển đảo.

Để mở rộng nội dung chương trình nêu trên, Báo Sài Gòn Giải Phóng và ngành giáo dục đào tạo TPHCM thống nhất triển khai chương trình “Thư xuân cho biển đảo”. Sau hơn hai tuần phát động điểm trong ngành giáo dục - đào tạo quận Bình Thạnh, Ban tổ chức đã nhận được 2.925 lá thư của các em học sinh tiểu học, 3.825 thư của học sinh trung học cơ sở gởi cho biển đảo.

Từ thông điệp hưởng ứng chương trình

Sau nhiều lần bàn bạc, trao đổi cùng ban tổ chức chương trình “Chăm lo hậu phương - Vững lòng biển đảo”, ông Nguyễn Minh Nhơn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Bình Thạnh đã gởi một thông điệp cho các trường trong quận, như một lời kêu gọi hưởng ứng chương trình đầy ý nghĩa hướng về biển đảo. Thông điệp nhấn mạnh: “Biển đảo luôn là một phần máu thịt rất thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu. Thời gian qua, các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động cả nước hướng về Trường Sa với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thông qua công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam nói chung, quần đảo Trường Sa nói riêng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thông qua chương trình “Thư xuân cho biển đảo” sẽ làm phong phú hơn nữa các chủ đề văn học trong giáo dục nói chung, khơi dậy tình yêu thương của các em học sinh dành cho chiến sĩ hải quân. Thư sẽ được Báo Sài Gòn Giải Phóng tiếp nhận và chuyển đến cho các chiến sĩ biển đảo trong dịp Tết Nguyên đán năm nay”.

Thông điệp chất chứa bao tình cảm này đã được các trường hưởng ứng một cách nhanh chóng. Chỉ trong một tiết chào cờ đầu tuần, nhiều trường đã truyền tải mục đích ý nghĩa của chương trình đến các em học sinh. Mấy ngày sau, kết quả thu được thật bất ngờ, với con số thư gởi đầy ấn tượng: 6.750 lá thư, nét chữ nắn nót cẩn thận thể hiện tình cảm trân trọng dành cho người nhận thư. Có những trường như: THCS Lê Văn Tám, THCS Nguyễn Văn Bé, số thư các em học sinh tham gia đến hàng ngàn bức. Nhiều trường tiểu học còn có sáng kiến, em nào không viết thư thì có thể vẽ tranh gởi đến các chiến sĩ hải quân nơi đảo xa. Các em học sinh Trường Tiểu học Hà Huy Tập đã vẽ đến 106 bức tranh, Trường Tiểu học Hòa Bình vẽ 20 bức tranh, cùng xoay quanh chủ đề về biển đảo.

Đến những cánh thư từ lớp học


Sáng thứ sáu (22-11-2013), vừa bước vào tòa soạn, chúng tôi nhận được 2 phong bì lớn chứa đầy thư của các em học sinh Trường THCS Phú Mỹ, Bình Thạnh gởi đến ban tổ chức nhờ chuyển đến biển đảo. Và, thật bất ngờ, trong nhiều bức thư gởi, tình cảm dành cho các chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng, ngọn gió được các em ghi lại một cách chân thành với lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc.

Hãy nghe em Huỳnh Lâm Quý Châu, một học sinh lớp 9, tâm sự: “Cháu quả thật hâm mộ các chú, hâm mộ tình yêu sâu sắc cùng lòng dũng cảm mà mọi người đã dành trọn cho Tổ quốc!”.

Em Thanh Thanh, cùng lớp, thì gởi gấm niềm tin yêu của mình với các chiến sĩ như sau: “Hình ảnh người lính đứng nghiêm dưới lá cờ Tổ quốc trên vùng đất nằm giữa biển khơi là vô cùng thiêng liêng và kiêu hãnh… Cháu có đọc qua sách báo, ngoài ấy nhà cửa, người dân cũng đông đúc lắm phải không chú? Đã có cả trường học, bệnh viện nữa. Cháu hy vọng, không bao lâu nữa, nơi đảo xa cũng sẽ vươn lên về mọi mặt và phát triển như trong đất liền. Lá thư này, khi đến tay các chú, nó sẽ đi qua biết bao nhiêu hải lý. Cháu rất vui. Cháu sẽ cố gắng học tập để góp phần phát triển nước nhà. Một ngày nào đó, trong tương lai, cháu muốn được đặt chân lên mảnh đất giữa biển khơi của Tổ quốc”.

“Chúng cháu biết rằng, trong lòng các chú tồn tại một ngọn lửa của khát vọng và niềm tin. Ngọn lửa ấy sẽ không bao giờ bị dập tắt bởi bão tố, phong ba…”, em Phạm Huỳnh Như Ngọc, lớp 8, chia sẻ cảm xúc trong thư gởi của mình như vậy.  Câu chuyện trong từng bức thư cứ như những dòng tự sự, nhẹ nhàng, êm ái, yêu thương, nhung nhớ… Thật không ngờ, tình cảm của học trò thành phố cũng lãng mạn hết sức: “Ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, bốn bề là nước, các chú có buồn không? Sau một ngày vất vả với nhiệm vụ nặng nề, khi màn đêm buông xuống, chắc các chú sẽ rất nhớ người thân, nhớ người mẹ mong con, nhớ người vợ đợi chồng về, nhớ đứa con thơ gọi cha… Nhưng các chú đã kiên cường vượt qua tất cả những điều đó, vì sứ mệnh thiêng liêng của Tổ quốc giao phó, làm cho chúng cháu rất khâm phục” (Hà Các Phượng, học sinh lớp 7).

Em mong một ngày được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng ấy, để tận mắt nhìn thấy trái bàng vuông, ngắm màu tím diệu kỳ của hoa muống biển, và hơn hết là được trải nghiệm để thấm thía nỗi cực khổ nhưng đầy vinh quang của các anh”(Nguyễn Đặng Hương Trà, lớp 7/11).

Hàng trăm bức thư của các em học sinh Trường THCS Phú Mỹ mà ban tổ chức chương trình “Thư xuân cho biển đảo” đón nhận đầu tiên đã ẩn chứa nhiều tình cảm cao đẹp của những công dân nhỏ tuổi dành cho các chiến sĩ hải quân - nói rộng hơn là dành cho Tổ quốc - những hơi ấm từ ngọn lửa yêu nước trong mỗi trái tim của bao người con dân nước Việt.

Ngọn lửa từ đất liền, hy vọng sẽ làm ấm lòng bao chiến sĩ trong mùa xuân này!


 KIỀU PHAN/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất