Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 16/3/2009 19:51'(GMT+7)

Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM

Lâm Ngô Hoàng Anh (đứng), Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin quận 1 (học viên Chương trình 300) đang hướng dẫn nhân viên làm việc. Ảnh: HỒNG HIỆP

Lâm Ngô Hoàng Anh (đứng), Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin quận 1 (học viên Chương trình 300) đang hướng dẫn nhân viên làm việc. Ảnh: HỒNG HIỆP

  • Đào tạo theo nhu cầu ở cơ sở

Tính đến tháng 3-2009, gần 1/2 tổng số cán bộ chủ chốt phường-xã ở TPHCM như bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND đang ở độ tuổi dưới 40, trong số này, 1/3 chủ tịch UBND phường-xã có độ tuổi dưới 30 tuổi và 1/4 bí thư phường - xã cùng ở độ tuổi này. Sự trẻ hóa cán bộ cơ sở là kết quả 9 năm kiên trì thực hiện công tác quy hoạch cán bộ dài hạn của Thành ủy TPHCM từ năm 1999 (không tính 3 năm thực hiện thí điểm).

Qua sàng lọc, luân chuyển và đào tạo, hiện nay, đội ngũ cán bộ diện quy hoạch dài hạn của TPHCM có 1.056 người, trong đó có 294 là sinh viên, 402 cán bộ trẻ công tác ở phường-xã, 342 người được đề bạt bổ nhiệm trưởng phó phòng quận-huyện và tương đương. Ngoài ra, hơn một nửa quận-huyện đã bầu bổ sung 3 - 4 cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi, đại học chính quy, cao cấp chính trị) vào BCH Đảng bộ quận-huyện.

Nhưng để trẻ hóa được cán bộ, vấn đề là làm sao để người già ủng hộ người trẻ, đó là một nghệ thuật của người đứng đầu và người làm công tác tổ chức. Kinh nghiệm của các quận 1, 3, 6, Phú Nhuận là khi bố trí một cán bộ trẻ phải làm công tác tư tưởng, thống nhất chủ trương trước hết từ trong thường trực, ban thường vụ và ban chấp hành quận ủy.

Để thuyết phục cán bộ lớn tuổi, cán bộ hưu trí, quận 3 đã tranh thủ cho cán bộ trẻ xuất hiện trong những buổi họp lớn có nhiều người tham dự. Họ được chuẩn bị từ cách nói năng đến thái độ… Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Trần Thế Lưu cho rằng: muốn bố trí một cán bộ trẻ và tạo ra “ghế trống”, phải mất “rất nhiều công sức”, phải có một lộ trình chuẩn bị hết sức cụ thể và làm quyết liệt qua công tác nhân sự đối với cán bộ trẻ và nhất là cán bộ lớn tuổi, năng lực hạn chế.

Tuy nhiên, không phải “bố trí cho đủ số lượng, đủ cơ cấu trẻ” là xong, cái khó ở các quận-huyện là làm thế nào để nâng chất đội ngũ cán bộ trẻ, từ đó nuôi dưỡng những “hạt giống đỏ”. Ngoài đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhiều quận ủy có sáng kiến tổ chức các câu lạc bộ cán bộ trẻ để họ có môi trường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý, giải quyết những bức xúc ở cơ sở, đồng thời tổ chức các chuyến đi “Về nguồn” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 3 Nguyễn Thị Lệ nhận định: “Quận 3 tập hợp gần 40 cán bộ trẻ tham gia câu lạc bộ “Tiến bước”. Sinh hoạt trong câu lạc bộ, họ học hỏi lẫn nhau, tự tin trong công tác nên dám nghĩ dám làm. Nhiệm kỳ Đại hội tới, chúng tôi sẽ xem xét, đưa một số em có triển vọng tham gia vào cấp ủy mới”.

Qua thực tiễn công tác, đội ngũ cán trẻ trong diện quy hoạch dài hạn của TPHCM đã có 533 đồng chí kết nạp Đảng, 24 đồng chí là cấp ủy viên quận-huyện và 61 đồng chí được quy hoạch dự bị các chức danh diện Thành ủy quản lý.

  • Nơi nào cử đi, nơi đó tiếp nhận

Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong 10-15 năm tới, Thành ủy TPHCM xây dựng Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ (giai đoạn 2001-2005). Trong thời gian này, TPHCM đã chi hơn 115 tỷ đồng đào tạo được 256 học viên các nhóm ngành kinh tế, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, quản lý đô thị, văn hóa - xã hội và luật tại 74 trường ở 14 quốc gia khác nhau. Theo đánh giá chung, hầu hết các cán bộ, công chức sau khi tốt nghiệp, được bố trí công tác đều tỏ ra khá nhanh nhạy, có chuyên môn, xử lý công việc nhanh.

Tuy nhiên, cũng có người do thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa kịp thích nghi, gắn bó với đơn vị, với cơ chế hoạt động của hệ thống tổ chức của đơn vị nơi mình công tác, nên đã hoàn trả số tiền đào tạo để ra ngoài làm với mức thu nhập cao hơn.

Rút kinh nghiệm từ những bất cập của Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ, Thành ủy TPHCM tiếp tục triển khai Chương trình đào tạo 500 tiến sĩ - thạc sĩ (giai đoạn 2006-2010) với nhiều đổi mới hơn, tuân theo nguyên tắc “nơi nào cử đi, nơi đó tiếp nhận”.

Ông Dương Quan Hà, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP khẳng định: Chương trình 500 đã khắc phục nhiều nhược điểm của Chương trình 300 như quy trình tuyển chọn (nhân tố trẻ, có tâm huyết, CBCC-VC dạng quy hoạch dài hạn của cơ sở; bám sát chỉ tiêu đào tạo của cơ sở để dễ bố trí sau này; công khai trong việc tuyển chọn ứng viên… Nhiều ngành nghề tuyển chọn đã được đa dạng hơn, tập trung vào những lĩnh vực mà TPHCM đang “khát” nhân lực, như: quản lý đô thị (dự án, cấp thoát nước, bất động sản…), kinh tế (quản lý thị trường tài chính- chứng khoán, thương mại quốc tế, kế toán – kiểm toán)…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Quận ủy quận 6 nhìn nhận chương trình đã có sự phối hợp với cơ sở rất tốt, hiện những cán bộ mà quận đã cử đi (sẽ nhận về lại) đều là những cán bộ trẻ ưu tú, được chọn lọc kỹ và thuộc những lĩnh vực quận đang rất cần, có nhận thức chính trị vững vàng. Ông hy vọng sau thời gian các em học trở về, quận sẽ có được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ được đào tạo bài bản hơn…

Có thể nói, chương trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao hoàn toàn mới, phục vụ tiến trình hội nhập, phát triển của TPHCM. Chương trình mở ra hướng đi mới trong việc trọng dụng và bố trí nhân tài - cũng chính là tạo ra động lực mới cho sự phát triển.

“Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ không khác mấy so với cách nông dân chọn giống tốt, tạo thế, tỉa cành cho cây. Khi đã chọn được giống tốt mà không cắt lá tỉa cành, uốn nắn thì làm sao có dáng cây như ý được. Khi cây mọc không đúng, bị sâu ăn thì phải tỉa cành, bắt sâu chứ không thể chặt bỏ. Cán bộ trẻ cũng vậy, người lãnh đạo phải liên tục theo sát giúp đỡ uốn nắn, không thể buông lỏng cho họ “bơi” rồi sau đó bảo không đủ trình độ, năng lực, tư cách” - nhận định của Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khi giám sát công tác xây dựng Đảng ở quận-huyện TPHCM

SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất