Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 31/8/2020 14:15'(GMT+7)

Chuyện đời, chuyện nghề các nhà khoa học được Giải thưởng Hồ Chí Minh

Khu trưng bày triển lãm về Giáo sư Tôn Thất Tùng. (Nguồn: most.gov.vn)

Khu trưng bày triển lãm về Giáo sư Tôn Thất Tùng. (Nguồn: most.gov.vn)

Bức tranh khoa học Việt Nam từ sau năm 1945 với những thành tựu tiêu biểu được “kể” lại cho công chúng thông qua các thủ pháp bảo tàng, câu chuyện hiện vật và tiếng nói của những người trong cuộc, của các nhân chứng lịch sử… trong trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam.”

Từ những câu chuyện đời, chuyện nghề của các nhà khoa học, công chúng hiểu thêm về sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam trong suốt 75 năm qua với sự nghiệp cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng, phát triển đất nước.

Bức tranh khoa học Việt Nam sau năm 1945

Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam,” diễn ra tại tòa nhà Quyển sách mở, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng không chỉ bởi cách trưng bày hiện đại, bắt mắt còn bằng những câu chuyện kể của chính những người trong cuộc và các nhân chứng lịch sử.

“Hàng ngày, trên đường đi qua những ruộng ngô mới bẻ còn thân cây trơ lại, anh Ngữ nói: Thân cây ngô ở đâu cũng có, mà tại sao để lãng phí thế này? Tại sao ta không nghiên cứu dùng nước thân cây ngô làm môi trường nuôi cấy Penicillin để sản xuất nước lọc Penicillin thay thế bột tinh?,” Phó Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Toản kể về một trong những sáng tạo trong nghiên cứu sản xuất nước lọc Penicillin thời đó.

“Để bắt muỗi sống nghiên cứu làm vắcxin, phải vén ống quần, tay áo làm mồi cho muỗi hút máu. Giáo sư Đặng Văn Ngữ và Đoàn nghiên cứu sốt rét ở miền Nam năm 1967 đều biết bắt muỗi bằng cách này có thể bị sốt rét, nhưng không ai ngần ngại và đêm nào cũng hăng hái, phấn khởi,” bác sỹ Nguyễn Tiến Bửu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, là học trò và cũng là đồng đội của Giáo sư Đặng Văn Ngữ kể lại câu chuyện trong quá trình điều tra, nghiên cứu về muỗi sốt rét.

Đó là những câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử và của chính người trong cuộc trong trưng bày về cụm công trình “Điều tra về muỗi sốt rét ở Việt Nam và Chế dung dịch Penicillin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp” của Giáo sư, Anh hùng Lao động, Liệt sỹ Đặng Văn Ngữ (nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) thực hiện trong giai đoạn 1949-1967. Cụm công trình này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

Trưng bày còn tái hiện mô hình nuôi cấy Penicillin bằng nước thân cây ngô thông qua một chiếc xoong, một lọ đựng ngô và hai ống thí nghiệm.

Câu chuyện kể về ngôi chùa ở Yên Thành của tỉnh Nghệ An được sửa sang để làm phòng thí nghiệm nghiên cứu kháng sinh năm 1950. Với những nguyên vật liệu, phương tiện tầm thường, Bác sỹ Đặng Văn Ngữ đã sản xuất được 6 vạn đơn vị Penicillin trong tháng 5/1950. Việc này được chính Giáo sư Đặng Văn Ngữ ví là công trình và kết quả của một “trò xiếc thí nghiệm” tài tình... 

Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” còn kể lại cho công chúng về quá trình Giáo sư, Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng (1912-1982) nghiên cứu, mổ đến hơn 200 gan người chết để tìm ra phương pháp cắt gan khô - một thành tựu có ý nghĩa bước ngoặt trong y học và được thế giới đánh giá cao.

Với phương pháp này, thời gian mổ có thể chỉ mất 6 phút, trong khi theo phương pháp truyền thống cần 3-4 giờ. Phương pháp cắt gan của ông được giới thiệu trong sách y học ở Pháp, Mỹ và áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Năm 1974, tại một hội nghị khoa học ở Paris, Pháp, chủ tọa hội nghị là Giáo sư Via - chuyên gia có tiếng về gan, tuyên bố: “Phương pháp cắt gan của Việt Nam từ nay đã trở thành một phương pháp kinh điển thứ 2 và cần áp dụng vào việc mổ các gan vỡ do chấn thương và các ca khó của gan.” Công trình “Phương pháp cắt gan khô Tôn Thất Tùng” được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

Nếu Giáo sư Tôn Thất Tùng khiến thế giới kinh ngạc bởi phương pháp cắt gan khô, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đỗ Tất Lợi khiến quốc tế nhắc đến mình bởi một bộ sách đồ sộ mà trước đó ở Việt Nam chưa ai làm được.

Trong công trình “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam,” ông đã công bố tính năng, công hiệu của những loại dược liệu, những vị thuốc dân tộc trong tập hợp 750 loài cây và vị thuốc thuộc 164 họ, 77 vị thuốc động vật, 20 vị thuốc khoáng vật.

Ông chiết xuất tinh chất nhiều cây thuốc dân gian để sát trùng, điều trị bệnh thông thường như nhược cơ, vết thương lở loét. Ông còn điều chế “ký ninh đen” chữa sốt rét, nghiên cứu Nerioline từ cây trúc đào để làm thuốc chữa bệnh tim.

Với công trình này, Giáo sư Đỗ Tất Lợi là một trong số ít nhà khoa học Việt Nam được quốc tế vinh danh bởi đóng góp trong lĩnh vực dược học từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Ông được công nhận học vị Tiến sỹ ở Liên Xô (1968), không trải qua quá trình nghiên cứu sinh hay thực tập sinh.

Các nhà khoa học Liên Xô đã nghiên cứu rất kỹ bộ sách này và nhận xét: Trong rất nhiều bộ sách viết về cây thuốc nhiệt đới, chưa có bộ sách nào có thể sánh với bộ sách của nhà khoa học Đỗ Tất Lợi về mức độ chính xác, tỉ mỉ, khoa học. Rất nhiều cây thuốc mà ông giới thiệu là lần đầu tiên được dẫn ra trong các tài liệu về dược liệu học. Công trình này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.

Góc trưng bày công trình “Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam” giúp công chúng hiểu được quá trình Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Thái Văn Trừng nghiên cứu và thành công trong việc thực hiện cải tạo rừng ngập mặn Cà Mau, tìm ra cách thức phục hồi rừng bị hủy diệt bởi chiến tranh hóa học, phủ xanh đồi trọc, chống cát bằng rừng phi lao... Đây là công trình đột phá trong ba lĩnh vực: lâm sinh, sinh thái rừng, địa thực vật, xuất sắc về cả lý thuyết và thực tiễn, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Sáng tạo và cống hiến trong mọi hoàn cảnh

Trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học giới thiệu 14 công trình, cụm công trình. Trong đó, lĩnh vực y dược có 5 công trình: “Điều tra về muỗi sốt rét ở Việt Nam và Chế dung dịch Penicillin sử dụng chữa vết thương trong kháng chiến chống Pháp” của Giáo sư Đặng Văn Ngữ;  “Phương pháp cắt gan khô Tôn Thất Tùng” của Giáo sư Tôn Thất Tùng; “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Giáo sư Đỗ Tất Lợi; “Mô hình bệnh tật, tử vong của người Việt Nam qua sinh thiết và tử thiết” của Giáo sư Vũ Công Hòe; cụm công trình “Nghiên cứu nội khoa” của Giáo sư Đặng Văn Chung.

Lĩnh vực toán, lý có 3 công trình: “Các công trình thuộc lĩnh vực tối ưu hóa” của Giáo sư Hoàng Tụy; cụm công trình “Nghiên cứu tương tác của các hạt cơ bản và hạt nhân ở năng lượng cao và phát hiện phản hạt hyperon sigma âm” của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Tứ; Công trình “Dao động phi tuyến của các hệ động lực” của Giáo sư Nguyễn Văn Đạo.

Nghiên cứu thiên nhiên, địa chất có 5 công trình gồm: “Tập hợp các công trình điều tra cơ bản động vật học ở Việt Nam” của Giáo sư Đào Văn Tiến; “Những hệ sinh thái rừng nhiệt đới Việt Nam” của Giáo sư Thái Văn Trừng; “Điều tra phân loại lập bản đồ đất Việt Nam” do Giáo sư, Tiến sỹ Lê Duy Thước (chủ biên) và các cộng sự; cụm công trình “Bản đồ địa chất và bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1/500.000” của các Kỹ sư Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao, Trần Phú Thành, Tiến sỹ Lê Văn Trảo; cụm công trình “Ngăn sông đập trụ đỡ và đập sà lan” của Giáo sư, Tiến sỹ Trương Đình Dụ và các cộng sự.

Lĩnh vực nghệ thuật có một công trình nghiên cứu là cuốn sách “Trần Bảng-Đạo diễn Chèo,” tổng kết hơn 60 năm Giáo sư Trần Bảng say mê, tâm huyết trong nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo về nghệ thuật chèo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, với chủ đề “Khoa học: Sáng tạo và Cống hiến,” 14 công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh được giới thiệu ở trưng bày lần này diễn giải một phần lịch sử bức tranh khoa học Việt Nam kể từ sau năm 1945. Nó cũng cố gắng lý giải các nguyên nhân thành công của các nhà khoa học Việt Nam.

Một chiếc kính hiển vi, một chiếc máy đánh chữ, những chiếc máy ảnh hay những bức thư, cuốn sổ ghi chép, nhật ký… đểu ẩn chứa những câu chuyện về không gian lịch sử xã hội ở những thời điểm khác nhau, cùng với tiếng nói của người trong cuộc hay hồi ức của bạn bè, đồng nghiệp, học trò và người thân của nhà khoa học, tất cả cùng kể những câu chuyện phía sau thành công của mỗi nhà khoa học có công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy cho rằng những câu chuyện giới thiệu trong trưng bày không chỉ nói về các giá trị của công trình hay nhóm công trình khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, mà chính là lao động sáng tạo của các nhà khoa học dẫn đến giải thưởng cao quý đó, những câu chuyện làm khoa học của họ, cả những suy tư rất đời thường mà họ đã tâm sự một cách chân thành nhất.

Sự sáng tạo và cống hiến là hai sợi chỉ xuyên suốt hoạt động của các nhà khoa học Việt Nam. Dù ở giữa núi rừng Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ ác liệt, từ thời kỳ chịu sự cấm vận, bao cấp đầy khó khăn hay những năm đất nước đổi mới…, các nhà khoa học đều miệt mài nghiên cứu, tận tụy, đóng góp hết mình cho khoa học, làm rạng danh nền khoa học nước nhà, góp phần trực tiếp vào công cuộc bảo vệ nền độc lập dân tộc và phát triển đất nước.

“Trưng bày mở ra đúng dịp 75 thành lập nước, càng cho thấy ý nghĩa to lớn về mặt khoa học, để chúng ta thấy rằng, trong 75 năm qua, các nhà khoa học đã đóng góp lớn lao với sự nghiệp cách mạng, với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng và phát triển đất nước.

Trong suốt 75 năm, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng các nhà khoa học vẫn luôn làm việc, lao động một cách say sưa, hết mình, có những đóng góp mang lại thành quả hữu ích cho đất nước và dân tộc, góp phần làm rạng danh tên tuổi của đất nước Việt Nam trên thế giới,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy khẳng định./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất