Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 22/3/2013 22:2'(GMT+7)

Chuyên gia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu



Tuy nhiên, EIU vẫn hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì tổ chức này cho rằng tăng trưởng của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc sẽ thấp hơn mức dự báo trước đây.

Báo cáo công bố ngày 22/3 cho biết EIU hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay xuống 3,3% từ mức 3,4% mà tổ chức này đã đưa ra trước đó. EIU cho rằng điều này phản ánh thực tế là quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau cuộc suy thoái vừa qua đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với dự tính ban đầu.

Đối với Mỹ, EIU cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục cho thấy sự phục hồi đáng kể trước việc thắt chặt tài chính bắt đầu từ năm nay và được đẩy mạnh trong tháng Ba. EIU nhận định, với sự hỗ trợ từ các biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay và sẽ đạt mức đỉnh 2,4% vào năm tới, trước khi chu kỳ thắt chặt tiền tệ bắt đầu vào năm 2015.

Trong khi đó, chính sách "thắt lưng buộc bụng" đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên Eurozone. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở một số nước Nam Âu lên tới hơn 50%. Suy thoái kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn trong quý 4/2012 và tiếp tục kéo sang quý đầu tiên của năm nay. 

Với những thực tế này, EIU đã hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng GDP của khu vực này xuống -0,4% từ mức -0,2% dự báo trước đó. Tuy nhiên, nhu cầu từ bên ngoài gia tăng trong năm 2013 sẽ giúp Eurozone tăng trưởng 1% vào năm 2014.

Theo EIU, triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của Nhật Bản là khá tích cực. Chính phủ mới của Thủ tướng Shinzo Abe đang tập trung vào các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ trên quy mô lớn. EIU nhận định "Học thuyết Abe" sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng 0,9% trong năm nay trước khi đạt mức 1,9% trong năm tới.

Sau khi giảm sút trong năm 2012, các nền kinh tế mới nổi sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong hai năm tới. Sự yếu kém ở các nền kinh tế phát triển và tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc được cải thiện và châu Âu ổn định, nhu cầu xuất khẩu từ các thị trường mới nổi sẽ bắt đầu tăng trở lại.

Dựa trên nhận định này, EIU dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2013 sẽ đứng ở mức 8,4%, thấp hơn một chút so với con số dự báo trước đó là 8,5%. Tuy nhiên, nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ giảm xuống 7,8% trong năm tới.

Đối với Ấn Độ, nền kinh tế hiện vẫn đang phải vật lộn với những ảnh hưởng từ sản lượng trang trại và dịch vụ thấp, EIU cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua và tốc độ tăng trưởng GDP sẽ tăng từ mức khiêm tốn 3,3% trong tài khóa 2012-2013 lên 6,4% trong tài khóa 2013-2014.

Các nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi ở Đông Âu tiếp tục gặp những khó khăn do có mối liên hệ chặt chẽ với khu vực Eurozone và những ảnh hưởng tiêu cực dai dẳng từ sự tan vỡ của bong bóng tín dụng năm 2008-2009. EIU dự báo các nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm 2013 trước khi đạt mức 3,4% trong năm 2014.

Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh bị giảm sút do hậu quả của suy thoái ở Eurozone, nhịp độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, EIU cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại ở khu vực Mỹ Latinh chỉ mang tính chu kỳ hơn là cơ cấu. Do vậy, tổ chức này dự báo GDP khu vực này sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay và 4% trong năm 2014, nhờ nhu cầu về hàng hóa ở Trung Quốc tăng lên cũng như điều kiện kinh tế toàn cầu được cải thiện.

Trong báo cáo này, EIU cũng dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ giảm nhẹ xuống 3,3% trong năm 2013 trước khi tăng theo xu hướng của nền kinh tế toàn cầu vào năm tới. Trong khi đó, khu vực Nam sa mạc Sahara sẽ đạt mức tăng trưởng 4,4% trong năm 2013 và gần 5% trong năm tiếp theo./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất