Trong những ngày qua, dư luận khu vực và quốc tế không khỏi quan ngại
trước việc Trung Quốc thực hiện các chuyến bay thử nghiệm tới một đường
băng do Bắc Kinh mới xây dựng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa
trên Biển Đông.
Nhiều nước đã chính thức lên tiếng phản đối hành động này của Trung
Quốc, trong khi giới học giả cũng chia sẻ nhiều ý kiến về việc đưa các
tranh chấp tại Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), bà Theresa Fallon -
chuyên gia cao cấp về quan hệ Âu-Á và tranh chấp ở Biển Đông thuộc Viện
châu Âu nghiên cứu về châu Á (EIAS), đánh giá hành động của Trung Quốc
đã làm leo thang căng thẳng tại một trong những khu vực tranh chấp
"nóng" nhất thế giới.
Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực liên tục yêu cầu Trung Quốc
ngừng tôn tạo và mở rộng diện tích xây dựng đảo ở Biển Đông, hành động
bay thử nói trên của Bắc Kinh đang làm gia tăng căng thẳng trong khu
vực.
Việc Trung Quốc sử dụng đường băng nhân tạo ở Biển Đông liên quan trực
tiếp tới các quốc gia ven biển, bao gồm Việt Nam và Philippines. Theo
bà, bằng cách sử dụng máy bay dân sự, Trung Quốc đang cố gắng thuyết
phục thế giới rằng những hòn đảo này được xây dựng dành cho mục đích dân
sự.
Tuy nhiên, bà Fallon bày tỏ nghi ngờ những lập luận của Trung Quốc khi
Bắc Kinh gia tăng việc điều hành trên sóng radio cho máy bay Trung Quốc
cất cánh và hạ cánh tại khu vực đá Chữ Thập.
Đánh giá về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc, bà Fallon cho rằng
Bắc Kinh có thể tiếp tục tôn tạo các đảo, cải thiện hệ thống thông tin
liên lạc, lắp đặt thiết bị radar tầm xa và xây dựng nhà ở cho nhân viên.
Trung Quốc cũng có thể triển khai tàu khu trục của hải quân tuần tra và
máy bay quân sự trên những hòn đảo này một khi khu vực chứa máy bay và
các trung tâm lưu trữ nhiên liệu được hoàn tất.
Theo bà, để kiềm chế hành động của Trung Quốc, các nước trong khu vực
cần thu hút rộng rãi hơn nữa sự chú ý của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy
tuân thủ luật pháp quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) cần cử quan sát viên
đến Tòa Trọng tài quốc tế để hỗ trợ cho quá trình giải quyết tranh chấp
trên Biển Đông giữa các bên liên quan.
Trong khi đó, giáo sư Eric David, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế thuộc
Đại học Tự do Brussels (ULB) đánh giá hành động của Trung Quốc xây dựng
đường băng trên đảo tranh chấp là "hành động nhằm thể hiện chủ quyền."
Do vậy, các quốc gia liên quan cần phải hành động bằng cách gửi công hàm
ngoại giao phản đối Trung Quốc và khẳng định rằng Trung Quốc không có
bất cứ quyền nào để xây dựng sân bay trên những hòn đảo mà họ tự cho là
thuộc về mình. Các nước cũng cần yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề
chủ quyền bằng con đường pháp lý.
Trong các ngày 2/1 và 6/1 vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện các chuyến
bay thử nghiệm ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ
Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Phản ứng trước hành động trên của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại
giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: "Hành động của Trung Quốc xâm phạm
nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược
lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những
nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung
Quốc, tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm
2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính
trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm
tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Việt Nam kiên quyết phản đối hành động trên của Trung Quốc; yêu cầu
Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự; và có
hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an
ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông"./.
(TTXVN)