Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 22/9/2023 16:8'(GMT+7)

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa quan hệ Việt Nam - Brazil lên tầm cao mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đại sứ đánh giá thế nào về mục đích cũng như ý nghĩa chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với quan hệ song phương?

Đối với Việt Nam, Brazil là đối tác quan trọng số 1 ở khu vực Nam Mỹ. Với vị trí địa lý rộng lớn thứ 5 trên thế giới và dân số trên 211 triệu người, Brazil thực sự là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác Brazil là cửa ngõ để Việt Nam đi vào các thị trường khu vực Mỹ Latinh, ngược lại Việt Nam là cánh cửa để các doanh nghiệp Brazil thâm nhập vào vào thị trường ASEAN và các nước châu Á khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo Đảng và Chính phủ đầu tiên của nước ta tới thăm chính thức Brazil kể từ chuyến thăm năm 2007 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Vì thế, chuyến thăm Brazil lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong tương lai. Chuyến thăm sẽ là dấu mốc mới mở ra thời kỳ quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Brazil. Những cuộc hội đàm và gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Lula da Silva, lãnh đạo Thượng viện  Brazil, chính quyền một số bang và giới doanh nghiệp Brazil sẽ giúp hai bên thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, làm sâu sắc hơn và thực chất hơn mối quan hệ đối tác toàn diện và đưa lại hiệu quả thiết thực hơn nữa.

Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương là nội dung chính trong chương trình nghị sự chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil lần này. Nhưng đương nhiên không chỉ có như vậy. Việt Nam và Brazil có thế mạnh và tiềm năng riêng về kinh tế, thương mại và công nghệ mà hợp tác với nhau sẽ tạo nên hiệu ứng cộng hưởng thiết thực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế ở từng nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Brazil vào thời điểm hai nước hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Kết quả chuyến thăm vì thế không chỉ giúp cho việc kỷ niệm dấu mốc này thiết thực hơn mà còn định hướng cho công cuộc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương lên một tầm cao mới trong thời gian tới.

Thưa Đại sứ, đâu là những kết quả cụ thể nhất mà chúng ta hy vọng đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Chuyến thăm sẽ mở ra các cơ hội hợp tác cho cả hai bên về các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, phát triển nguồn năng lượng mới, chuyển đổi số, đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực, hội nhập và an ninh khu vực, tăng trưởng bền vững và bình đẳng trong quan hệ quốc tế.... Đó là những lĩnh vực mà hai bên chia sẻ nhiều điểm tương đồng về quan điểm. Hai bên có thể học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ cho nhau và dựa vào nhau để cùng giải quyết những vấn đề liên quan, qua đó tận dụng cơ hội để cùng phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Brazil cũng mang lại ý nghĩa thiết thực cho việc tìm hiểu cơ hội, khả năng hợp tác và đầu tư cho các doanh nghiệp. Hai nước có khoảng cách địa lý xa xôi, vì vậy, đây là cơ hội tốt để tìm hiểu về văn hóa và phong tục kinh doanh cũng như thị hiếu của người tiêu dùng để có những định hướng đầu tư và hợp tác cụ thể trong tương lai.

Việt Nam và Brazil đều là những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, trong đó Brazil có thế mạnh về cà phê Arabica còn Việt Nam nổi tiếng với cà phê Robusta. Sẽ rất thú vị nếu trong tương lai chúng ta có thể kết hợp hai loại cà phê trên để cho ra đời một dòng cà phê mới mang hương vị đặc sắc.

Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Brazil trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại?

Hiện nay, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong năm 2022 đạt 6,78 tỷ USD.  Việt Nam xuất khẩu sang Brazil các mặt hàng như thủy sản, mỡ động vật, gạo, sắt thép, gốm sứ, linh kiện điện tử, giày dép và quần áo…; trong khi Brazil xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như kẽm, nhựa, thịt các loại, phụ phẩm chế biến thực phẩm, cao su, sợi dệt…

Hiện cán cân thương mại vẫn nghiêng về phía Brazil. Tôi kỳ vọng sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai bên sẽ khơi thông và tạo điều kiện thuận lợi trong việc thúc đẩy giao thương nhiều mặt hàng hơn nữa, nhất là là nông sản từ cả hai phía. Đặc biệt, hai bên có thể đưa ra các chính sách và biện pháp hiệu quả nhằm mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu mà hai bên có thế mạnh để cân bằng cán cân thương mại, với mục đích đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và Brazil, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cùng các nước thành viên khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đang tiến hành nghiên cứu triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-MERCOSUR.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Ngọc Tùng (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất