Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 2/6/2017 20:11'(GMT+7)

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng đạt kết quả toàn diện

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngay sau chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn về kết quả chuyến thăm.

Xin Thứ trưởng đánh giá những kết quả nổi bật đạt được trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Như các bạn đã biết, từ ngày 29-31/5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Đây là chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và là tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam-Hoa Kỳ kể từ khi hai nước có Ban Lãnh đạo mới.

Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, được xác lập năm 2013, tiếp tục phát triển hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế, là sự tiếp nối chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ còn đang tiếp tục hoàn chỉnh bộ máy chính quyền và điều chỉnh ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại, nhất là trong kinh tế-thương mại, có thể nói chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt kết quả toàn diện, đáp ứng mục đích đề ra.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung, nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững vì lợi ích của hai nước, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ thăm song phương Việt Nam nhân dịp dự Cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng được đánh giá cao tại Quỹ Di sản, khẳng định Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.

Hợp tác kinh tế là một nội dung quan trọng trong chuyến thăm. Hai bên nhất trí ưu tiên hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư theo hướng hiệu quả và đôi bên cùng có lợi, tiếp tục coi đây là trọng tâm và động lực của quan hệ nói chung, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đầu tư, hợp tác, làm ăn. Trong chuyến thăm đã diễn ra hai cuộc tọa đàm doanh nghiệp ở Thủ đô Washington và TP. New York, thu hút nhiều nhà đầu tư tài chính lớn của Hoa Kỳ. Một loạt các thoả thuận kinh tế lớn đã được doanh nghiệp hai bên ký kết với trị giá hơn 10 tỷ USD, góp phần tạo việc làm và tăng trưởng ở cả hai nước.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác về giáo dục-đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ, vũ trụ, đổi mới sáng tạo…

Về quốc phòng, an ninh, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác trên cơ sở các thoả thuận đã đạt được như Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương 2011, Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng 2015.

Hai bên cũng trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, thống nhất tăng cường nỗ lực giải quyết các thách thức ở khu vực và toàn cầu như an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, bảo vệ môi trường, an ninh y tế, buôn bán người và động vật hoang dã, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt và các hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên Hợp Quốc. Về Biển Đông, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề trên Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982 và Tuyên bố DOC 2002, hướng tới COC.

Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ thân mật với một số doanh nhân, trí thức kiều bào tại Hoa Kỳ. Tại cuộc gặp, nhiều ý kiến tâm huyết về phát triển kinh tế-xã hội đất nước do bà con đề xuất được Thủ tướng ghi nhận và khẳng định sẽ giao các bộ, ngành xem xét tích cực.

Có thể nói chuyến thăm đã đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Xin Thứ trưởng cho biết chuyến thăm có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển quan hệ hai nước?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Ở thời điểm cuối năm 2016, khó có thể hình dung lại có chuyến thăm chính thức của Thủ tướng ta tới Hoa Kỳ ngay trong 6 tháng đầu của năm đầu tiên của chính quyền mới. Thủ tướng ta là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm Hoa Kỳ và hội đàm với Tổng thống Donald Trump.

Tôi cho rằng đây là kết quả của chủ trương đúng đắn của Đại hội Đảng lần thứ XII là làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các đối tác và các nước lớn. Trong thời gian qua, ta đã triển khai đồng bộ chủ trương này. Ta đã hết sức chủ động và tích cực trong việc tiếp cận, xây dựng quan hệ với chính quyền và quốc hội mới của Hoa Kỳ, làm cho chính quyền và chính giới Hoa Kỳ hiểu rõ về tầm quan trọng của hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ đối với mỗi nước và với việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Chính vì vậy chính quyền mới của Hoa Kỳ coi trọng và mong muốn thúc đẩy hợp tác với ta.

Chuyến thăm rất đúng thời điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này đã góp phần duy trì đà phát triển quan hệ, tiếp tục thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi, củng cố cơ sở quan hệ đã được xây dựng và vun đắp trong nhiều năm qua, đặc biệt là góp phần xây dựng quan hệ làm việc với lãnh đạo chính quyền và quốc hội mới, tăng cường hiểu biết về lập trường của nhau, giải toả một số quan ngại và xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Qua chuyến thăm, hai bên đã duy trì, mở rộng các cơ chế hợp tác, đối thoại để triển khai hợp tác cụ thể, đồng thời giải quyết những khác biệt, vấn đề nảy sinh kịp thời, không để cản trở đà phát triển chung của quan hệ.

Kết quả của chuyến thăm đã góp phần duy trì thế đối ngoại, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, bảo đảm tốt nhất lợi ích của đất nước trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực còn nhiều biến động phức tạp, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp quan trọng với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đúng dịp kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập tổ chức này. Thứ trưởng có thể đánh giá về cuộc gặp này và về triển vọng quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc, đặc biệt là trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững?

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Trong thời gian ở thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới New York, có cuộc hội đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và cùng Tổng Thư ký tham gia Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam-Liên Hợp Quốc. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, mở ra một bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc. Có thể nói các hoạt động đã diễn ra tốt đẹp.

Thứ nhất, Tổng Thư ký và Thủ tướng đã trao đổi về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, và đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên Hợp Quốc giữ vai trò trung tâm.

Thứ hai, hai bên đánh giá tổng thể về quan hệ Việt Nam-Liên Hợp Quốc trong 40 năm qua và thảo luận về định hướng hợp tác trong thời gian tới.Tổng Thư ký rất ấn tượng về những thành tựu Việt Nam đạt được trong 40 năm qua và ghi nhận những đóng góp của Việt Nam trong việc thực hiện sứ mệnh của Liên Hợp Quốc ở cả ba trụ cột là hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người. Về phần mình, Thủ tướng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Liên Hợp Quốc, kể từ cả những năm tháng sau chiến tranh Việt Nam tái thiết đất nước, cũng như trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế ngày nay.

Thứ ba, chúng ta khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Liên Hợp Quốc là ưu tiên hàng đầu và nhấn mạnh vai trò thành viên có trách nhiệm của Việt Nam trong các công việc chung của Liên Hợp Quốc, cũng như sự tích cực của Việt Nam tại nhiều cơ chế như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế-Xã hội, Hội đồng nhân quyền. Phát huy vai trò đó, Thủ tướng cũng thông báo về việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Tôi cho rằng Việt Nam và Liên Hợp Quốc đang có nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy quan hệ phát triển tốt đẹp hơn nữa. Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, năng động, có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và đang ngày càng khẳng định vị thế ở khu vực và quốc tế. Đại hội Đảng lần thứ 12, với yêu cầu nâng cao hiệu quả của đối ngoại đa phương, cũng đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của ta tại Liên Hợp Quốc. Đây là tiền đề và là cơ sở tốt để chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Liên Hợp Quốc. Việt Nam sẽ nỗ lực để đóng góp thực chất hơn vào công việc của Liên Hợp Quốc, nhất là những lĩnh vực mà ta có thể chia sẻ kinh nghiệm như tái thiết sau chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương… Đồng thời, chúng ta mong muốn Liên Hợp Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các thỏa thuận toàn cầu như Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…

Riêng đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đây là một trong những trọng tâm của Kế hoạch chiến lược chung Việt Nam-Liên Hợp Quốc giai đoạn 2017-2021. Trong trao đổi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Guterres mong muốn Việt Nam thành công trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ huy động nguồn lực hỗ trợ Việt Nam triển khai Kế hoạch chiến lược chung. Về phía Việt Nam, chúng ta đã nhiều lần thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 với quyết tâm cao nhất, giống như đã triển khai thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ./.

Theo chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất