Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 31/5/2023 8:4'(GMT+7)

Cơ chế đặc thù giúp "đầu tàu" TP Hồ Chí Minh đi trước, hành động trước

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Quốc hội đang hoàn thiện và dự kiến sẽ phê chuẩn Nghị quyết Quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là “đầu tàu,” dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. 

Bên cạnh việc cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, nghị quyết mới cũng bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp như áp dụng các chính sách thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới. Dự thảo Nghị quyết đưa 4 nhóm cơ chế, chính sách, trong đó có các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Phát huy tối đa "dám nghĩ, dám làm"

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27% ngân sách. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, dự thảo nghị quyết cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một số chính sách đã được cho áp dụng với các tỉnh, thành phố gần đây và một số chính sách đang được đưa ra trong quá trình sửa đổi các dự án luật liên quan. Nói cách khác, trong dự thảo nghị quyết lần này không phải cơ chế, chính sách đặc thù nữa mà là một khung khổ pháp luật để thành phố đi trước, hành động trước. 

Đại biểu Hoang Văn Cường cho rằng tuy đây chưa thực sự là những “viên thuốc” đặc hiệu để phát huy tối đa tiềm năng của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của thành phố.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đang tạo động lực dám nghĩ, dám làm cho hệ thống chính trị. Bản thân Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một địa phương rất đặc biệt, cán bộ, người dân, doanh nghiệp vốn được đánh giá là luôn năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Có thể thấy, chính dám nghĩ, dám làm sẽ tạo động lực để đổi mới, tạo sự nhảy vọt về phát triển cho các địa phương. Do vậy, rất cần cần một khuôn khổ pháp lý để thành phố phát huy tối đa được tinh thần dám nghĩ, dám làm này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng nên cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện những cơ chế tương tự như Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã cho phép Chính phủ được chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; biện pháp nào trái với quy định pháp luật hiện hành sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý. Như vậy, dự thảo Nghị quyết lần sẽ  có tầm nhìn dài hạn và đột phá hơn cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Khơi thông nguồn lực

Thảo luận tại tổ về chính, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng với các chính sách đặc thù; trong đó có những cơ chế, chính sách dài hơi cho sự phát triển của thành phố.

Co che dac thu giup
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ủng hộ Quốc hội ban hành nghị quyết mới, song đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng về lâu dài để tạo điều kiện cho thành phố phát triển thì Quốc hội và Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu ban hành Luật dành cho đô thị loại đặc biệt, trong đó quy định một số cơ chế, đặc biệt là liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, phương thức vận hành. 

“Với cơ chế đó, thành phố có thể chủ động cao nhất từ nguồn lực, đặc điểm sẵn có. Các đô thị đặc biệt có thể tạo ra bước chuyển mới hơn, thực hiện các nhiệm vụ gắn với vị trí vai trò của thành phố đối với đất nước,” đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng để tránh tình trạng thực hiện mỗi nghị quyết đặc thù trong vài năm nên luật hoá các cơ chế đặc thù bằng Luật đô thị đặc biệt, đó sẽ là cơ sở, hành lang pháp lý trung hạn và dài hạn cho thành phố phát triển.

Nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh luôn đóng góp về ngân sách trung ương với tổng số, tỷ lệ cao nhất và là "đầu tàu," động lực, lan toả nhiều mặt, trước hết là kinh tế đối với khu vực trọng điểm phía Nam và cả nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định cơ chế cho Thành phố Hồ Chí Minh phải đột phá và vượt trội, phải khác với bình quân.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng điểm nghẽn của Thành phố Hồ Chí Minh chính là cơ chế chính sách, thể chế, hạ tầng và nhân lực của thành phố không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố. Trong những năm vừa qua thành phố vẫn tăng trưởng nhưng mỗi khi bị tác động bên ngoài hoặc từ bên trong thì thành phố đều bị ảnh hưởng rất lớn.

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng kỳ vọng Nghị quyết mới sẽ đảm bảo được tính nội lực và phát triển bền vững, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh. Hay nói cách khác, các chính sách mới sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn cho “đầu tàu" kinh tế tiếp tục tăng tốc./.

Theo Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất