Thực tiễn triển khai Công ước trong đời sống quốc tế đã cho thấy UNCLOS
1982 là cơ chế hữu hiệu để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Geneva, Tiến
sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2023-2027 nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển
(UNCLOS) được ký kết ngày 10/12/1982, đánh dấu lần đầu tiên thiết lập
một bộ quy tắc cho các hoạt động biển và đại dương, xây dựng trật tự
pháp lý mới trên biển đầy tiềm năng.
Thực tiễn triển khai Công ước trong đời sống quốc tế đã cho thấy UNCLOS 1982 là cơ chế hữu hiệu để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.
Nói về tầm quan trọng của UNCLOS 1982, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao khẳng định Công ước thể hiện cao nhất tính pháp điển hóa tập quán quốc
tế và sự phát triển tiến bộ của luật quốc tế trong lĩnh vực biển.
Dựa trên nguyên tắc “Đất thống trị Biển”, UNCLOS 1982 lần đầu tiên đưa ra các khái niệm xác định thềm lục địa,
lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển quốc tế...
qua đó xác định chủ quyền về mặt kinh tế, quyền tài phán của các quốc
gia ven biển.
Điều 87 của Công ước nêu rõ: “Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc
gia, dù có biển hay không có biển,” cùng với định nghĩa vùng đáy biển
là di sản chung của loài người. UNCLOS 1982 cũng là cơ sở để các bên
tiếp tục đàm phán khung pháp lý điều chỉnh bảo tồn và khai thác bền vững
đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của
các quốc gia.
Bộ quy tắc cho các hoạt động biển và đại dương được đề ra trong
UNCLOS 1982 cũng giúp thiết lập và thúc đẩy cơ chế quản lý và bảo tồn
tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển một cách đồng bộ và hiệu quả dựa
trên hệ sinh thái.
Một trong những đóng góp lớn nhất của UNCLOS 1982 là việc thiết lập cơ chế mới hữu hiệu về giải quyết các tranh chấp biển.
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, UNCLOS 1982 đã đặt nền móng cho giải
quyết các tranh chấp biển từ phân định biển, tranh chấp nghề cá, hàng
hải, nghiên cứu khoa học biển, đặt cáp và ống dẫn ngầm đến các tranh
chấp hoạt động biển khác.
Cơ chế giải quyết tranh chấp mà Công ước trù định ngày càng cho thấy tính ưu việt.
Đến nay, khoảng hơn 1/3 trong tổng số 500 các vùng biển chồng lấn đã
được giải quyết. Lần đầu tiên cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc
thông qua hòa giải và trọng tài bắt buộc đã được thông qua và áp dụng
trên thực tế.
Công ước là điều lệ thành lập các tổ chức quốc tế riêng về biển như
Tòa Trọng tài quốc tế về Luật biển (ITLOS), Ủy ban ranh giới thềm lục
địa (CICS) và Cơ quan quyền lực Đáy đại dương. Các cơ quan này đã góp
phần duy trì sự tuân thủ các quy định của Công ước trên các vùng biển
đặc thù.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết trên tinh thần tuân thủ các quy định
của Công ước, Việt Nam là nước thành công nhất trong khu vực giải quyết
các tranh chấp biển với các công cụ đa dạng nhất.
Việt Nam đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997, Vịnh Bắc Bộ với
Trung Quốc 2000, phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003; phương
thức hợp tác cùng phát triển và hợp tác khai thác chung về nghề cá với
Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ 2004, với Malaysia năm 1995, Campuchia năm
1982 và đang tiếp tục đàm phán giải quyết phân định biển ở khu vực ngoài
cửa Vịnh Bắc Bộ hay phân định đặc quyền kinh tế với Indonesia.
Việt Nam ủng hộ quyền tài phán của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ
lục VII của Công ước trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông
năm 2016 và thể hiện sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp giải quyết hòa bình
các tranh chấp biển ở Biển Đông với các nước láng giềng.
Các quy định và tinh thần của Công ước 1982 cũng được thể hiện rõ
trong quá trình xây dựng và thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên
ở Biển Đông (DOC) và quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên
(COC) ở Biển Đông.
Việt Nam và Đức là hai nước đồng sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 vào tháng 6/2021.
Sáng kiến này đã được 10 nước khác đồng bảo trợ và đến nay đã có gần 100 nước tham gia.
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 sẽ giúp có cái nhìn toàn diện hơn về UNCLOS từ các nơi trên thế giới.
Khuôn khổ này sẽ giúp các nước tìm hiểu xu thế, triển khai tập hợp
lực lượng, đấu tranh vì những giá trị pháp lý công bằng mà UNCLOS mang
lại./.
TTXVN