Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 1/4/2021 16:2'(GMT+7)

Cơ hội khẳng định vị thế Việt Nam trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ

Một phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một phiên họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài viết nhân dịp Việt Nam được tín nhiệm bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới."

Với phương châm “Việt Nam là đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trựcHội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Việt Nam đã thể hiện vai trò và vị thế của một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Đó cũng là tinh thần để Việt Nam, lần thứ hai trong nhiệm kỳ, sẵn sàng đảm nhiệm trọng trách Chủ tịchHội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021 với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Việt Nam lần thứ hai đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 trong bối cảnh môi trường chính trị, an ninh thế giới và các khu vực có những diễn biến rất phức tạp. Nhiều cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông-Bắc Phi chưa được giải quyết, những điểm nóng xung đột mới lại có nguy cơ bùng phát ở một số khu vực, ngay cả ở châu Á-Thái Bình Dương.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trong khi tâm lý hoài nghi chủ nghĩa đa phương đang cản trở những nỗ lực hợp tác toàn cầu. Những hành vi đơn phương, cường quyền, không tôn trọng luật pháp quốc tế… vẫn là thách thức trực tiếp đối với hòa bình và an ninh toàn cầu.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 kéo dài hơn một năm nay vẫn tiếp tục gây ra những tác động tiêu cực, đa chiều, đặc biệt ảnh hướng tới việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên họp qốc, Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ một trong những khó khăn hiện nay mà Việt Nam phải đối mặt và xử lý là những vấn đề nảy sinh phức tạp, như vấn đề Myanmar và Triều Tiên trong khu vực, xa hơn là vấn đề của các nước như Yemen và Syria.

Cũng theo Đại sứ Đặng Đình Quý, mặc dù các nước lớn đã có sự điều chỉnh nhưng vẫn có những vấn đề không thống nhất được với nhau, ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa các nước khi làm việc tại Hội đồng bảo an. Đó là chưa kể có những vấn đề mới nảy sinh hoặc sắp nảy sinh khó có thể lường trước được. 

Trong bối cảnh đầy khó khăn đó, tác động của đại dịch COVID-19 đã buộc Hội đồng bảo an phải chuyển từ các hoạt động trực tiếp sang trực tuyến, trong khi ngoại giao nói chung và những hoạt động của cơ quan này đòi hỏi các mối liên hệ tiếp xúc cá nhân giữa con người với con người, giữa những nhà ngoại giao với nhau để trực tiếp trao đổi, xử lý các vấn đề. Việc không có được những cuộc tiếp xúc như vậy cũng gây khó khăn trong quá trình trao đổi, thương lượng các văn kiện.

Tuy nhiên, việc Việt Nam trong suốt nửa đầu nhiệm kỳ đã tham gia chủ động, tích cực, thể hiện hình ảnh một ủy viên không thường trực có trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột... đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế đất nước, đồng thời tạo không ít thuận lợi cho Việt Nam trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong 15 tháng ở Hội đồng bảo an, nhờ vậy hợp tác của Việt Nam ở bên trong và bên ngoài cơ quan này cũng trơn tru, hiệu quả hơn. Đặc biệt, Việt Nam nhận được sự ủng hộ rất lớn của các nước trong Hội đồng bảo an nhiệm kỳ này.

Bên cạnh đó, trong năm Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị trực tuyến. Những kinh nghiệm này có thể được phát huy để Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng bảo an tháng 4. 

Đánh giá về kỳ Chủ tịch Hội đồng bảo an đầu tiên của Việt Nam tháng 1/2020, đại diện các nước cho rằng việc đảm nhiệm vị trí chủ tịch ngay trong tháng đầu tiên trở thành ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là thách thức rất lớn và Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Nhiều ý kiến đánh giá Việt Nam đã xây dựng chương trình nghị sự hợp lý, xử lý linh hoạt các vấn đề phức tạp nảy sinh, ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc cung cấp thường xuyên, trong chức trách của chủ tịch, thông tin về công việc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho các nước không phải ủy viên, cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia tại Liên hợp quốc Dian Triansyah Djani nhận xét: "Việt Nam đã đảm trách vị trí chủ tịch một cách rất hiệu quả và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình."

Trong khi đó, Đại sứ Bỉ tại Liên hwjp quốc Marc Pecsteen de Buytswerve nhận định Việt Nam đã làm rất tốt và thực sự tạo được dấu ấn với Phiên thảo luận mở về 75 năm Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt trong bối cảnh cả Liên hợp quốc cũng như thế giới có rất nhiều căng thẳng như hiện nay.

Ông Marc Pecsteen de Buytswerve đặc biệt ấn tượng bởi trong tháng 1/2020 có rất nhiều phiên họp, nhiều sự kiện và Việt Nam với vai trò Chủ tịch đã điều phối để tất cả diễn ra hết sức suôn sẻ và tốt đẹp. Thành công trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 1/2020 đã giúp đặt nền tảng và tạo đà thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam trong cả nhiệm kỳ 2020-2021.

Trong bối cảnh đó, lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa vai trò và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. Chương trình hoạt động trong tháng 4 của Hội đồng bảo an sẽ tương đối bận rộn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ, xử lý 12 vấn đề của các khu vực trên thế giới. 

Để thực hiện vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an, Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, xử lý khác biệt giữa các nước thành viên, cố gắng duy trì đoàn kết, đồng thuận để giải quyết các vấn đề.

Việt Nam ưu tiên thúc đẩy 3 chủ đề gồm tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực để thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại; khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững; bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang. Đây cũng là những ưu tiên đã được Việt Nam đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Trong thông điệp chúc mừng 75 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/2020), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá, với tư cách là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.

Lời khẳng định này cho thấy cộng đồng quốc tế đánh giá cao những đề xuất, sáng kiến và  đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong năm đầu tiên trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Đó cũng là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục vững vàng, chủ động đảm nhiệm trọng trách này, với điểm nhấn là vai trò Chủ tịch Hội đồng bảo an tháng 4/2021, nhằm phát huy và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất