Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Ngay sau kỳ họp thứ 5, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp cùng Cơ quan trình dự án và các
cơ quan hữu quan tích cực nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu
Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Tại phiên họp, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37); thẩm
quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32); xử lý tài sản, thu nhập mà
người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc
(Điều 59); phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước;… là những nội
dung lớn được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo
luận, làm rõ.
Liên quan đến quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập
(Điều 37), có nhiều ý kiến tán thành tán thành với việc mở rộng đối
tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật. Bên cạnh đó,
một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung
vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ
quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản,
thu nhập của các đối tượng này.
Về nội dung này, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề
lớn của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban
Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, hạn chế, vướng mắc trong kiểm soát tài sản,
thu nhập thời gian qua có nguyên nhân từ những quy định chưa hợp lý của
Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành, như: Quy định mọi đối tượng có
nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê
khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt
các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau; quy định về
căn cứ tiến hành xác minh vừa hẹp, vừa mang tính tùy nghi; chưa có quy
định để xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn
gốc.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho hay, dự
thảo Luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương
thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp. Đối với người giữ
chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các
vị trí có nguy cơ tham nhũng cao thì có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ
hơn; các đối tượng khác được kiểm soát ở mức độ đơn giản hơn với mục
đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ
nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài
sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm. Đồng thời, dự
thảo Luật đã bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không
giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Các quy định này cơ bản đáp ứng
yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người công tác
tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, đồng thời bảo đảm phù hợp với
năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc
kiểm soát tài sản, thu nhập, qua đó tăng cường hơn hiệu lực, hiệu quả
của các biện pháp này trong phòng chống tham nhũng.
“Do đó, tán thành ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và
Cơ quan trình dự án đề nghị cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối
tượng có nghĩa vụ kê khai như Điều 37 của dự thảo Luật do Chính phủ
trình để bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng
đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu
phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga
nêu rõ.
|
Toàn cảnh phiên thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). (Ảnh: quochoi.vn) |
Tại phiên họp, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc
(Điều 59) nhận được nhiều ý kiến khác nhau giữa các các thành viên Ủy
ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều ý kiến tán thành với phương án là thu thuế
thu nhập cá nhân và đề nghị, sau khi có Kết luận xác minh thì cần phân
biệt: Tài sản, thu nhập có dấu hiệu do phạm tội mà có thì chuyển vụ việc
sang cơ quan điều tra để xử lý; tài sản, thu nhập có dấu hiệu do vi
phạm pháp luật mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính để xử lý; tài sản, thu nhập hợp pháp nhưng chưa
nộp thuế thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế để xử lý theo quy
định của pháp luật về thuế hiện hành.
Riêng tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không
giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan nhà nước cũng chưa chứng
minh được do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có thì chuyển sang cơ
quan quản lý thuế để thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật
Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế
và thuế suất (Phương án thu thuế thu nhập cá nhân).
Không đồng tình với quan điểm này, nhiều thành viên cho rằng việc lựa
chọn phương án đánh thuế thì phải làm rõ vấn đề về căn cứ thu thuế,
không phải cứ không rõ nguồn gốc là đánh thuế. Theo đó, các ý kiến này
cho rằng, quy định này trong dự luật hiện nay chưa thật sự thuyết phục.
Bởi lẽ, tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp mà đánh thuế là
không hợp lý. Theo đó, nếu nghi ngờ là tài sản tham nhũng thì cũng cần
áp dụng tính nhân văn, suy luận đó là tài sản hợp pháp. Sau đó, khi
chứng minh được đó là tài sản không hợp pháp thì sẽ tịch thu; còn nếu
không chứng minh được đó là tài sản không hợp pháp mà đánh thuế 45% thì
chưa có cơ sở thuyết phục.
Một số thành viên cũng đề xuất cần có các quy định cụ thể về giao dịch,
chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần minh bạch hóa về
nguồn gốc tài sản.
Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là dự án
luật khó, phức tạp. Đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan
liên quan tiếp tục thảo luận, nghiên cứu dự luật để tiếp tục trình Ủy
ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại các phiên họp sau./.
(Theo: qdnd.vn)