Thứ Sáu, 20/12/2024

Coi trọng quyền tự ứng cử và quyền lựa chọn của cử tri

 Hai tháng kể từ thời điểm Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng chính thức công bố Ngày bầu cử 22/5/2016, công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này đang được triển khai sôi động, đồng bộ tại các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất cho Ngày hội lớn của dân tộc. Từ hội nghị cấp cao cho tới cuộc họp khu dân cư, tổ dân phố, một vấn đề nổi bật, được tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện và cũng là "tâm điểm" được đông đảo quần chúng nhân dân, cử tri cả nước quan tâm, theo dõi trong công tác bầu cử đó là nguyên tắc đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử.

Tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tính đến ngày 18/3, công tác hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành. Ở Trung ương, Hội nghị hiệp thương lần thứ hai do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức đã biểu quyết nhất trí thông qua Danh sách sơ bộ 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai tại các tỉnh, thành phố đã có tổng cộng 969 người được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và 7.462 người được lập danh sách sơ bộ ứng cử đại biểu HĐND dân cấp tỉnh.

Như vậy, Hội nghị hiệp thương lần hai đã tạm gút lại một danh sách quan trọng với khoảng 1.166 người đã được lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đáng chú ý, số người tự ứng cử tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, nhất là ở hai thành phố lớn Hà Nội (48 người) và Thành phố Hồ Chí Minh (73 người). Trong số đó, có nhiều ứng viên trong giới văn nghệ sỹ, diễn viên, người nổi tiếng tham gia ứng cử. Đây là nét mới, thể hiện sức hấp dẫn của hoạt động bầu cử, sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân đối với Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.

Đảm bảo bằng Hiến pháp và pháp luật

Tinh thần của Điều 69 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định về tính đại diện cao nhất của Quốc hội thể hiện trên 3 yếu tố: Quốc hội có cơ cấu thành phần đại biểu đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình dựa vào sự tín nhiệm của nhân dân, do nhân dân ủy quyền và Quốc hội chịu trách nhiệm trước nhân dân. Chính vì vậy, việc các ứng viên đại biểu Quốc hội dù là tự ứng cử hay được giới thiệu ứng cử cũng đều được Hiến pháp bảo vệ quyền bình đẳng trước lá phiếu của cử tri.

Hướng dẫn cụ thể hơn vấn đề này trong công tác chuẩn bị bầu cử, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết, trong đó có bao gồm quy định về Hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú với đối tượng tham gia là những người dân quen biết người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử.
Hiến định và hướng dẫn thực hiện chi tiết như vậy thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trước sau như một là luôn tôn trọng, đảm bảo tính công bằng, dân chủ và khách quan, vừa coi trọng quyền tự ứng cử của người dân, vừa đảm bảo quyền và lợi ích của cử tri trong việc lựa chọn những người đại biểu của mình tham gia cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là, làm thế nào để đảm bảo mọi ứng cử viên đều bình đẳng trong cuộc vận động bầu cử khi mà những người tự ứng cử không có được sự hậu thuẫn của các tổ chức, đơn vị như những ứng cử viên được đề cử?

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Những người đã được MTTQ Việt Nam hiệp thương giới thiệu bao gồm cả những người được các tổ chức, cơ quan giới thiệu và những người tự ứng cử đều bình đẳng trong vận động bầu cử. Các ứng viên chỉ được tiến hành vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Việc trả lời phỏng vấn, đưa tin trên báo chí phải bảo đảm bình đẳng. Ví dụ, mỗi ứng cử viên đều có thời lượng như nhau là trình bày kế hoạch hành động của mình. Hoặc nếu đăng bài phát biểu, hình ảnh của các ứng cử viên thì phải xếp theo thứ tự chữ cái A,B, C ...

Tuy nhiên, suy cho cùng, sự hậu thuẫn tốt hay không phụ thuộc chính vào lá phiếu của cử tri. Cử tri tin tưởng ai thì sẽ bỏ phiếu cho người đó. Thực tế cũng cho thấy ngày càng xuất hiện nhiều người tự ứng cử đủ tiêu chuẩn và đủ sức thuyết phục cử tri. Quốc hội cũng có nhiều đại biểu là người tự ứng cử hoạt động tích cực và rất có uy tín trên nghị trường.

Khách quan, công bằng trong tổ chức bầu cử

Khẳng định trước công luận về việc đảm bảo cơ hội bình đẳng cho các ứng cử viên tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia nhấn mạnh đến việc "không có điểm nào phân biệt giữa những người được giới thiệu và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tất cả những người này đều được đối xử bình đẳng trong quá trình tổ chức bầu cử".

Cũng theo người phụ trách Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian qua, trong quá trình nhận hồ sơ, những người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử đều thực hiện các mẫu kê khai giống nhau. Họ cùng tiến hành vận động bầu cử một cách bình đẳng, được quyền báo cáo chương trình vận động của mình. "Quy định của pháp luật cũng không cho phép ai làm trái quy trình vận động này để đảm bảo công bằng trong hoạt động bầu cử," ông Phúc nêu rõ như vậy.

Dưới góc nhìn của cơ quan tổ chức hiệp thương, theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, kỳ này, số người tự ứng cử tăng là một tín hiệu tốt vì sẽ giúp cho MTTQ các cấp có thêm nhiều lựa chọn để qua hiệp thương giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Thực tế cho thấy, qua những lần bầu cử trước, tại Hội nghị cử tri, có những người tự ứng cử không đạt đủ tín nhiệm của cử tri vì bản thân người đó không gương mẫu tại nơi mình sinh sống. Tuy nhiên, ý kiến cử tri nơi cư trú không phải là cuộc bầu cử, chỉ là nơi thể hiện sự tín nhiệm. Khi người tự ứng cử gương mẫu, đủ đức, đủ tài, đạt được tín nhiệm ở nơi cư trú thì mới có thể đại diện cho cử tri cả nước, của các địa phương được và mới có thể được MTTQ Việt Nam đưa vào danh sách chính thức.

Điểm mấu chốt, mang ý nghĩa quyết định là người tự ứng cử phải xác định có đủ tiêu chuẩn theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và nếu
trúng cử có đủ điều kiện làm như mình đã hứa hay không.

Coi trọng quyền tự ứng cử và quyền lựa chọn của cử tri

Lướt qua bảng danh sách 87 ứng viên đại biểu Quốc hội tại thành phố Hà Nội, trong số 48 người tự ứng cử, có nhiều thành phần, trong đó có cả người lao động tự do, người đã về hưu, … Bên cạnh việc xuất hiện một số ý kiến cho rằng muốn làm đại biểu Quốc hội trước hết phải tự lo được cho mình, cho gia đình mới có thể gánh vác công việc của xã hội, cũng có nhiều ý kiến đề nghị đảm bảo quyền tự ứng cử của công dân, còn việc họ có trúng cử hay không là quyền của cử tri.

Kinh nghiệm cho thấy, đã có tiền lệ, bầu cử là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong nhân dân và đồng thời cũng là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước. Việc nâng cao ý thức cảnh giác đối với các thế lực thù địch, phản động phá hoại, làm sai lệch công tác tổ chức bầu cử là việc làm cần thiết. Do đó, mọi thông tin liên quan đến công tác bầu cử cần hết sức thận trọng, tránh gây hoang mang cho cử tri và dư luận. Trong trường hợp phát hiện những trường hợp ứng viên cả tự ứng cử hoặc được giới thiệu ứng cử vi phạm pháp luật, cần có những biện pháp xử lý phù hợp, trên cơ sở quy định của pháp luật.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, tất cả những người tự ứng cử hay được giới thiệu ứng cử đều không có sự phân biệt nào, kể cả điều kiện giới thiệu trên cơ quan truyền thông cũng như khi tiếp xúc, giới thiệu chương trình hành động của mình. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không tán thành ý kiến cho rằng không nên nói chung chung việc có thế lực thù địch, phản động hậu thuẫn đằng sau những người tự ứng cử, nếu có phải nói cụ thể.

Để đảm bảo một Quốc hội rộng mở với mọi đối tượng, thành phần trong xã hội, không nên hạn chế loại hình nghề nghiệp của ứng viên, đảm bảo quyền tự do ứng cử của người dân và chỉ nên loại bỏ nếu phát hiện ra trường hợp người tự ứng cử vi phạm pháp luật. Cũng bởi vậy, hội nghị cử tri nơi cư trú, làm việc có vai trò quan trọng để tập hợp một cách rộng rãi các ý kiến nhận xét, đánh giá của người dân nơi ứng viên sinh sống, làm việc.

Mục tiêu của việc tổ chức cuộc bầu cử sắp tới là phải bảo đảm các nguyên tắc hiến định về bầu cử: Phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Trong đó chú trọng đến yếu tố bảo đảm sự bình đẳng theo đúng pháp luật giữa những người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử. Chính việc có sự tham gia ứng cử của người tự ứng cử và người được giới thiệu ứng cử là một trong những biểu hiện cụ thể, rõ nét nhất cho tính đại diện cao nhất của Quốc hội Việt Nam. Hơn nữa, đối với hoạt động của Quốc hội, chất lượng đại biểu được đặc biệt chú trọng, nên việc có đại biểu tự ứng cử hay được giới thiệu ứng cử không quan trọng bằng việc người đó thực sự có tâm, có tài, có ý thức cống hiến và đại diện tốt cho nhân dân và cử tri cả nước./.

Quang Vũ/TTXVN


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất