Ngày 7/1, tại tỉnh Thái Nguyên, Đoàn công tác số 4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên để công bố dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Thái Nguyên.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì cuộc làm việc.
Sau khi công bố dự thảo báo cáo và ghi nhận ý kiến của các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên và các cơ quan, ban, ngành liên quan, đồng chí Nguyễn Hòa Bình biểu dương, ghi nhận những kết quả đáng khích lệ của Đảng bộ, cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong công tác phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng suốt ba năm qua, nhất là trong năm 2018. Đồng chí cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên vào dự thảo báo cáo, biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã làm việc chủ động, có trách nhiệm với đoàn kiểm tra. Đồng chí lưu ý rằng mặc dù tại thời điểm này tại Thái Nguyên không có nhiều án tham nhũng, không xảy ra nhiều vụ việc lớn nhưng tỉnh không nên chủ quan mà cần tập trung công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình lưu ý tỉnh Thái Nguyên, nhất là các cơ quan tố tụng, trong thời gian tới cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong phòng chống tham nhũng để tránh oan sai, lọt đối tượng, lọt tài sản có được do tham nhũng; chủ động trong kê biên, phong tỏa tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Các cơ quan truy tố, xét xử phải đặt ba yêu cầu về làm rõ, chứng minh tội phạm, không để xảy ra án hình sự về tham nhũng, kinh tế oan sai và thu hồi tài sản của các vụ án tham nhũng, quan tâm hình phạt kinh tế bổ sung, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự...
Dự thảo báo cáo của Đoàn công tác số 4, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại tỉnh Thái Nguyên cho biết: Qua hai năm thực hiện Đề án số 07-DA/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng đã tăng so với trước đây, trong đó tỷ lệ thu hồi tài sản qua hoạt động điều tra là 69,1% và qua công tác thi hành án là 27,19%. Cơ quan điều tra của Công an tỉnh và Công an cấp huyện đã khởi tố điều tra, giải quyết 196 vụ với 313 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, kết luận điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố 157 vụ với 250 bị can. Các cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra 30 vụ án tham nhũng với 59 bị can, kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát truy tố 24 vụ với 44 bị can, trong đó 25 vụ phải thu hồi tài sản, tài sản đã thu hồi là hơn 9,5 tỷ đồng trên tổng số hơn 30 tỷ đồng. 165 vụ an kinh tế đã được khởi tố với 253 bị can, kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát truy tố 133 vụ với 206 bị can, thu hồi hơn 2,9 tỷ đồng trên tổng số hơn 6,8 tỷ đồng phải thu hồi...
Nhìn chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã kịp thời triển khai, kiểm tra, giám sát các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, trong đó có nội dung về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các cơ quan chức năng đã tích cực tổ chức thi hành án để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ việc có điều kiện thi hành án đạt tới 89,6%.
Tuy vậy, trong công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế ở Thái Nguyên còn một số hạn chế: tỷ lệ thu hồi vẫn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, trong giai đoạn thi hành án mới đạt tỷ lệ 21% số tiền phải thu hồi và trong giai đoạn điều tra đạt tỷ lệ 31,68% số tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng, đạt 42,4% số tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, cơ quan tiến hành tố tụng mới quan tâm tới việc điều tra, xác minh làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo mà chưa chủ động, xác minh truy tìm tài sản bị thất thoát, tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can, bị cáo để thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản phục vụ cho việc thi hành án...
Dự thảo báo cáo cũng kiến nghị tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tăng cường kiểm tra giám sát đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; chủ động, tích cực xác minh, truy tìm tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; nâng cao hiệu quả thực hành quyền công tố và kiểm tra, giám sát các hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiền hành tố tụng, cơ quan thi hành án và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương.
Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)