Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu đang nóng lên từng
ngày và có nguy cơ leo thang nếu các quốc gia châu lục này không thống
nhất được một giải pháp hữu hiệu để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, cộng
đồng người Việt Nam tại Séc, ước tính khoảng 65.000 người, cũng bày tỏ
quan tâm và tìm cách chủ động ứng phó nếu tình hình xấu đi.
Chiều 24/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã chủ trì cuộc tọa
đàm với chủ đề “Cuộc khủng hoảng tị nạn, nhập cư tại châu Âu và Séc. Sự
tác động, ảnh hưởng tới cộng đồng người Việt Nam tại Séc."
Tham dự tọa đàm có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn và
các cán bộ Đại sứ quán, đại diện lãnh đạo Trung ương Hội người Việt Nam
và đông đảo đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc tọa đàm tập trung phân tích tác động, ảnh
hưởng của vấn đề di dân, nhập cư đối với cộng đồng người Việt Nam làm
ăn, sinh sống tại Cộng hòa Séc cũng như đưa ra những giải pháp cụ thể
nhằm khắc phục hậu quả khủng hoảng di cư tại Séc nói riêng và trên toàn
châu Âu nói chung đối với cộng đồng người Việt Nam tại Séc.
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn nêu rõ ba nhóm giải
pháp định hướng vào việc ổn định cộng đồng người Việt Nam tại Séc, trong
đó nhấn mạnh đến việc nắm bắt đúng diễn biến vấn đề di dân, tị nạn tại
Liên minh châu Âu (EU) và Séc để có cơ sở nghiên cứu, phân tích sự tác
động, ảnh hưởng đối với cộng đồng, từ đó có biện pháp tuyên truyền, động
viên bà con yên tâm làm ăn; tăng cường công tác tiếp xúc đối ngoại với
chính phủ, các cơ quan chức năng của Séc để tranh thủ sự ủng hộ đối với
sắc tộc thiểu số Việt Nam; tăng cường công tác bảo hộ công dân và an
ninh cộng đồng, góp phần ổn định lâu dài việc cư trú, làm ăn của cộng
đồng người Việt Nam tại Séc.
Đại sứ cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong việc đưa tin
cập nhật, toàn diện, khách quan về diễn biến cuộc khủng hoảng di cư và
vấn đề di dân, nhập cư ở châu Âu và Séc, góp phần định hướng đối với
cộng đồng người Việt Nam tại Séc trong tình hình hiện nay.
Về phần mình, ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại
Cộng hòa Séc cũng chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng người Việt Nam tại
Séc sẽ phải đối mặt trong vấn đề cư trú, đi lại, kinh doanh… một khi
chính quyền Séc thắt chặt chính sách cư trú đối với người nước ngoài.
Theo ông, một trong những giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư
hiện nay là bà con phải chấp hành tốt luật pháp, giữ quan hệ tốt với các
cấp chính quyền địa phương cũng như hội nhập sâu hơn nữa vào xã hội
nước sở tại nhằm duy trì cuộc sống ổn định và phát triển công việc kinh
doanh, học tập tại Séc.
Trong bối cảnh khủng hoảng di cư hiện nay, mặc dù chính sách của nhà
nước Séc đối với cộng đồng người Việt Nam chưa hẳn đã rõ ràng, song
trong những tuyên bố, bài phát biểu, bài viết của một số lãnh đạo các
nhánh quyền lực, chính khách, lãnh đạo các đảng phái chính trị Séc có
thể nhận thấy một điều là cộng đồng người Việt Nam không những không bị
kỳ thị, mà còn được đánh giá cao.
Người Việt Nam được thừa nhận là một cộng đồng gương mẫu, tiêu biểu, cần
cù, thông minh, đặc biệt là thế hệ thứ hai, thứ ba, hội nhập tốt và có
những đóng góp tích cực cho xã hội Séc.
Trên thực tế thời gian qua chưa ghi nhận trường hợp tác động tiêu cực
nào tới việc ổn định cư trú, công việc làm ăn, kinh doanh và vấn đề an
ninh trong cộng đồng người Việt Nam tại Séc.
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng di cư leo
thang, khiến chính quyền Séc buộc phải thực thi những biện pháp cứng rắn
nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư tràn vào nước này.
Bên cạnh đó, không loại trừ nguy cơ tâm lý bài ngoại có thể bùng phát
trong người dân và chính quyền, tác động tiêu cực đến chính sách định cư
của nhà nước Séc đối với người Việt Nam; người Việt sẽ bị phân biệt đối
xử như đối với người nhập cư đến từ Trung Đông và Bắc Phi hiện nay./.
(TTXVN)