Trong khuôn khổ VIETNAM DAIRY 2017, Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công thương Hiệp Hội sữa Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo “Công nghệ tiệt trùng - Tương lai ngành sữa Việt Nam trước xu thế mới”.
Các nội dung của Hội thảo xoay quanh các nội dung: Ngành sữa Việt Nam: Cơ hội và Thách thức; Phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa bền vững; Công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng Tetra Pak trong sản xuất thực phẩm; Xu hướng tiêu dùng của thế hệ trẻ - hướng đi mới cho các nhà sản xuất; Tetra Pak và định hướng phát triển bền vững…
Hội thảo với tham dự của Lãnh đạo và chuyên viên chi cục ATVSTP, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh: Hòa Bình , Nam Định, Hà Nam, Hà Nội; Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình; Ban chấp hành và Hội viên Hiệp hội Sữa việt Nam, BCH và Hội viên Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam; sự tham dự của các nghiên cứu viên, giảng viên, sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Học viện nông nghiệp Việt Nam; Các doanh nghiệp sản xuất sữa và đồ uống tại Việt Nam Và đặc biệt là đông đảo người dân tại Thủ Đô Hà Nội.
Ông Robert Tổng giám đốc Công ty Tetra Pak Việt Nam chia sẻ, dựa trên xu thế mới, Tetra Pak đã bắt đầu đưa ra các dịch vụ áp dụng nền tảng kỹ thuật số trong ngành sản xuất sữa. Theo đó, công nghệ sẽ giúp hệ thống đoán lỗi có thể xảy ra trong dây truyền máy móc đồng thời giảm thiểu thời gian xử lý các lỗi đó.
Cụ thể, Tetra Pak đang áp dụng ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (Microsoft HoloLens) nhằm giảm thời gian máy ngưng hoạt động do trục trặc và giúp các nhà máy sản xuất ngăn ngừa những rủi ro về an toàn thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm.
Theo ông Trần Toàn Thắng, Phó vụ trưởng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam, năm 2020 cả nước sản xuất khoảng 2,6 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ trung bình đạt khoảng 27 lít/người/năm. Kế hoạch, nguồn cung cấp sữa tươi sản xuất trong nước dự kiến đạt 1 tỷ lít, đáp ứng khoảng 38% nhu cầu sản xuất.
Thống kê cho thấy, thế hệ trẻ từ 16 tuổi đến 30 tuổi đang chiếm khoảng 1/3 dân số cả nước và đây là thị trường tiềm năng cho sự phát triển ngành sữa của Việt Nam. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh từ xu thế hội nhập, chất lượng và an toàn thực phẩm trở thành yếu tố quan trọng nhất. Điều này đòi hỏi, các nhà sản xuất phải có những hệ thống kiểm tra chất lượng chặt chẽ, thông qua việc cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ của từng sản phẩm và việc cách mạng công nghiệp bước đi cần thiết của ngành công nghiệp sữa Việt Nam.
Ông Thắng ghi nhận thực tế, bên cạnh việc khai thác công suất hiện có, các doanh nghiệp sữa đang mở rộng đầu tư vào công nghệ, nâng cao công suất nhà máy, phát triển vùng nguyên liệu sữa tươi trong nước, nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa bột nhập ngoại.
Hiện tại, người tiêu dùng Việt Nam ở khu vực nông thôn đã bắt đầu được tiếp cận với sản phẩm sữa an toàn nhờ vào công nghệ tiệt trùng của Tetra Pak. Công nghệ này cho phép các sản phẩm sữa được phân phối tới những nơi xa xôi một cách an toàn với chi phí thấp vì không đòi hỏi điều kiện bảo quản lạnh.
Đây là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất trong nước và cũng như Tetra Pak thúc đẩy sự cải tiến, đổi mới về công nghệ, sản phẩm và bao bì để tạo ra những đột phá, ví dụ như đưa những loại đồ uống mới như sữa chua uống, sữa ép từ hạt đóng trong những loại hộp giấy hiện đại.
Ngoài ra, chất lượng và an toàn thực phẩm hiện nay là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết. Xu hướng hiện nay là các nhà sản xuất đang phải kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn, thông qua việc cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng đang diễn ra mạnh mẽ, len lỏi tới mọi lĩnh vực khác nhau của hoạt động sản xuất, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nâng cao kiểm soát chất lượng, ông Robert cho biết./.
Duy Phong