(TG) - Để động viên và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, UBND tỉnh Quảng Nam đã Ban hành Giải thưởng Khoa học Công nghệ Phạm Phú Thứ để tặng thưởng những tập thể, cá nhân có công trình khoa học và công nghệ xuất sắc và đã xét trao thưởng cho các công trình đạt giải.
Từ kết quả lãnh đạo, quản lý công tác khoa học và công nghệ
Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chương trình 22-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và các định hướng chiến lược, cơ chế và chính sách phát triển KH&CN. Trong 5 năm (2012-2016), toàn tỉnh đã ban hành 19 văn bản chỉ đạo, quản lý, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương. Cuối năm 2015, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020; ban hành Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức gặp mặt, động viên đại biểu đội ngũ trí thức nói chung, trong đó có trí thức KH&CN.
Đến nay, hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã có những phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Tỉnh Quảng Nam hiện có 63 tổ chức KH&CN, trong đó 54 tổ chức công lập, 9 tổ chức ngoài công lập. Các tổ chức KH&CN đã được kiện toàn theo hướng tách các hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN độc lập với các hoạt động dịch vụ KH&CN. Các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập đã chuyển đổi hoạt động sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tương đối ổn định.
Trong 5 năm, tỉnh Quảng Nam đã triển khai 75 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 3 nhiệm vụ thuộc Đề án khung quỹ gen cấp tỉnh và 8 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Các nhiệm vụ cấp tỉnh được triển khai thuộc 6 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược, nông nghiệp, khoa học xã hội và khoa học nhân văn; trong đó, chú trọng nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực khoa học nông nghiệp, kỹ thuật công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất, đời sống.
Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đội ngũ cán bộ KH&CN ngày càng phát triển và trưởng thành với 4.700 người, trong đó 661 người có trình độ sau đại học, đã có những đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hạ tầng thông tin KHCN đã được đầu tư nâng cấp, Tạp chí Khoa học và Sáng tạo tỉnh có nâng cao chất lượng, đã xuất bản được 156 số và phát hành đến 64 tỉnh, thành trên cả nước, Trang thông tin điện tử KH&CN của tỉnh được nâng cấp hoàn thiện, bảo đảm nguồn thông tin KH&CN cho mọi đối tượng sử dụng. Đầu tư tài chính cho KH&CN tăng đều qua các năm. Giai đoạn 2006-2011, kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh là 68,4 tỷ đồng, đến giai đoạn 2012-2016 là 105,7 tỷ đồng, tăng hơn 37 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã tranh thủ đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư thông qua các chương trình kinh tế-xã hội, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công, hợp tác quốc tế với tổng kinh phí gần 9,7 tỷ đồng. Với chủ trương "Đưa KH&CN gần hơn với doanh nghiệp", tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Đến nay đã hỗ trợ cho 40 cơ sở xác lập quyền sở hữu công nghiệp và 26 cơ sở áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến với tổng số tiền 573,5 triệu đồng.
Tỉnh đã ký kết Chương trình hợp tác với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam triển khai thực hiện 3 nhiệm vụ KH&CN do Viện quản lý, 02 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 01 nhiệm vụ cấp thiết phục vụ cho địa phương và 01 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi. Hợp tác với Viện Hàn lâm Liên bang Nga và các cơ quan khoa học trong nước thực hiện khảo sát, đánh giá, tuyên truyền, vận động nhân dân, quan trắc, cảnh báo động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2. Triển khai hợp tác trực tiếp với một số trường đại học để thực hiện các chương trình KH&CN.
Để động viên và phát huy tư do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, UBND tỉnh đã Ban hành Giải thưởng Khoa học Công nghệ Phạm Phú Thứ để tặng thưởng những tập thể, cá nhân có công trình KH&CN xuất sắc và đã xét trao thưởng lần thứ nhất cho 3 công trình đạt giải; chỉ đạo tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh. Trong 05 năm qua, đã có 54 giải pháp sáng tạo kỹ thuật và 157 sản phẩm sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng được xét chọn trao giải. Qua hội thi cấp tỉnh đã chọn và hỗ trợ một số giải pháp tiếp tục hoàn thiện để dự thi cấp quốc gia hoặc áp dụng vào thực tiễn cuộc sống
Đến hiệu quả ứng dụng của các sản phẩm nghiên cứu
Trong số các nhiệm vụ KHCN được triển khai, có nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả rõ rệt. Các dòng công nghệ mới trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, bưu chính viễn thông có bước phát triển đột phá, được ứng dụng góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng xây dựng Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp, hiện đại.
Tỉnh đã ứng dụng thiết bị tự động điều khiển quang thông công suất lớn để tiết kiệm điện năng cho một số tuyến đèn đường thành phố Tam Kỳ. Các công nghệ về phát thanh - truyền hình được chuyển đổi công nghệ sản xuất SAN thành công nghệ sản xuất NAS để mở rộng giao diện kết nối hệ thống với các trạm sản xuất. Xây dựng thư viện điện tử về KH&CN, khung phần mềm dùng chung cho dịch vụ công trực tuyến; quản lý hệ thống đại lý Internet cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến công cộng. Triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, hiện nay, có khoảng 80% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện triển khai áp dụng. Trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, đã ứng dụng công nghệ đo đạc, biên vẽ bản đồ và lưu trữ số liệu vào các hoạt động đo đạc, quản lý cơ ở dữ liệu bản đồ địa chính. Công nghệ về khảo cổ học được nâng cấp, trang bị mới phục vụ bảo tồn giá trị văn hoá và nâng cao đời sống tinh thần, trình độ dân trí cho nhân dân.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến góp phần tạo nghề mới, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu trong tỉnh, trong nước thay thế nguyên liệu nhập góp phần nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP như: công nghệ tuyển cát làm khuôn đúc, công nghệ chế biến cát silicat tự nhiên; công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghệ chế biến thuỷ sản; công nghệ sấy gạch bằng công nghệ lò tuy nen; sản xuất gốm mỹ nghệ tráng men bằng công nghệ đốt gas, …
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống vô tính sâm Ngọc Linh, tạo cây ăn quả đầu dòng chất lượng cao, bảo tồn nguồn gen quý và phục tráng giống bản địa (bưởi Đại Bình, tiêu Tiên Phước, sâm Ba kích…). Nổi bật là việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Sản phẩm được Trung tâm Ứng dụng & Thông tin KH-CN chuyển giao rộng rãi ở nhiều địa phương, phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững và đã được mở rộng ứng dụng vào thực tế khi Sở KH-CN đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện “Phương án hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH-CN để sản xuất phân hữu cơ vi sinh chức năng tại 50 xã điểm nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”.
Trên lĩnh vực y tế, đã áp dụng phương pháp xét nghiệm Elisa để xác định các vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng trong các loại thực phẩm, nước uống phòng trừ ngộ độc thực phẩm; giúp chẩn đoán khẳng định người nhiễm HIV, nhiễm cúm A/H5N1. Ứng dụng các xét nghiệm PCR thay thế các xét nghiệm vi sinh truyền thống giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán đối với các ca bệnh nghi nhiễm lao; viêm gan siêu vi B,C; cúm A/H5N1, H7N9; vi rút Dengue.
Trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã ứng dụng công nghệ Biogas để sản xuất khí sinh học, xử lý chất thải tại các khu chăn nuôi tập trung; sản xuất chế phẩm sinh học dạng phun, phân bón hữu cơ vi sinh từ các chất phế thải có khả năng phân hủy nhanh các chất hữu cơ, nhờ đó đã rút ngắn được quá trình phân hủy; sử dụng vi sinh vật Myosilop để tiêu diệt côn trùng, bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, việc tiếp thu làm chủ công nghệ nhập, cải tiến, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN đã từng bước nâng dần hàm lượng KH&CN thông qua sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến; nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đề tài, dự án, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thủy sản của tỉnh.
Có thể nói, công tác khoa học công nghệ của tỉnh Quảng Nam tuy chưa phải là vượt bậc, vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, nhưng những thành quả có được trên các mặt đã đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh. Với định hướng tập trung nghiên cứu ứng dụng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, hy vọng công tác nghiên cứu khoa học sẽ ngày càng có những đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển của tỉnh Quảng Nam trong những năm đến.
Đan Thanh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam