Ngay sau khi Chỉ thị số 20-CT/TW được ban hành, Lào Cai là tỉnh duy nhất trong cả nước đã ban hành một Chỉ thị riêng về tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh (Chỉ thị số 40 - CT/TU, ngày 25/11/2019). Để tạo ra sự thống nhất cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 1397-QĐ/TU, ngày 25/12/2019 về nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử sở, ban, ngành, địa phương. Trên cơ sở Quy định của tỉnh ủy, các cấp ủy xây dựng và triển khai kế hoạch nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, địa phương, đơn vị theo giai đoạn và cụ thể cho từng năm. Trong 5 năm qua (2017-2022), các cấp ủy, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành hơn 800 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng.
Các cấp ủy đã kịp thời chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục lịch sử; hướng dẫn và giúp các đơn vị xác định ngày truyền thống, ngày thành lập; thẩm định, đôn đốc các đơn vị về công tác lịch sử Đảng. Đến tháng 12/2022, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập và duy trì hoạt động của Hội đồng thẩm định các công trình lịch sử xã, phường, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc cấp huyện theo quy chế. Các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủyđã ban hành kế hoạch nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ huyện, lịch sử đơn vị, lịch sử đảng bộ xã; phân công 01 cán bộ phụ trách tham mưu về công tác lịch sử Đảng, có trình độ từ đại học trở lên và trong các năm đều được tập huấn, trang bị các kỹ năng, phương pháp nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng. Ban tuyên giáo cấp huyện tích cực hướng dẫn công tác nghiên cứu, biên soạn, thẩm định lịch sử Đảng bộ lịch sử đơn vị cấp xã. Một số đảng bộ chủ động xây dựng các tài liệu tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương.
NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRỌNG
Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các cuốn lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh những năm qua được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch, sưu tầm tư liệu, xây dựng đề cương, bản thảo, tổ chức hội thảo góp ý, hoàn thiện bản thảo, thẩm định xin phép xuất bản, tổ chức in ấn và xây dựng kế hoạch sử dụng các ấn phẩm sau khi phát hành. Các công trình lịch sử đã chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, do vậy đã góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ các cấp, đặc biệt là phục vụ tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương.
Kết quả trong 5 năm qua (2017-2022), Tỉnh ủy đã tiến hành sưu tầm tư liệu nghiên cứu, biên soạn 3 ấn phẩm, lũy kế đến hết năm 2022 đã xuất bản được 8 ấn phẩm. Năm 2021 đã hoàn thành nghiên cứu 3 đề tài khoa học Lịch sử tỉnh Lào Cai: (1907-1950), (1950-1991), (1991-2017). Trong năm 2021 và 2022, Tỉnh ủy đã tiến hành sưu tầm tư liệu nghiên cứu, biên soạn, xuất bản tiếp 5 tập (từ tập 28 đến tập 32) Văn kiện Đảng bộ tỉnh Lào Cai toàn tập (khóa XV). Đây là bộ Văn kiện có tính hệ thống, toàn diện mang ý nghĩa chính trị sâu sắc và có giá trị về mặt khoa học, thực tiễn to lớn. Tính đến hết năm 2022, Lào Cai là tỉnh duy nhất trong cả nước ban hành được bộ Văn kiện hoàn chỉnh gồm 32 tập, dung lượng 43.200 trang. Hết năm 2022 đã có 14/14 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy xuất bản lịch sử đạt 100%; Sở, ban ngành 37/70 đạt 52,8%, xã, phường, thị trấn 128/152 đạt 84,2%.Trong 5 năm tổng các ấn phẩm lịch sử đã được xuất bản trên địa bàn tỉnh là 148, có 79 công trình lịch sử đang được nghiên cứu, biên soạn và tái bản bổ sung từ nay đến năm 2025 sẽ hoàn thiện xuất bản.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, các cấp ủy đảng tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú (tích hợp vào tài liệu giáo dục địa phương, cuộc thi tìm hiểu, nghiên cứu thực tế, tổ chức tọa đàm, hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền trực quan, phát sóng phóng sự tài liệu),... Các cuốn lịch sử sau khi phát hành đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng Nhân dân đón đọc, góp phần tích cực trong việc giáo dục lòng tự hào, truyền thống yêu quê hương đất nước, sự đoàn kết và tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân địa phương.Để phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền Tỉnh ủy đã thực hiện số hóa tài liệu, tư liệu lịch sử từ năm 1947 đến năm 2020. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, sơ kết hằng năm được cấp ủy các cấp chỉ đạo triển khai kịp thời, trong 5 năm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng trực thuộc đã tiến hành kiểm tra được 62 đơn vị.
MỘT SỐ KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC
Thực tế cho thấy trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử các đơn vị, địa phương còn khó khăn về nguồn tư liệu. Một số địa phương, đơn vị lúng túng trong việc sưu tầm tư liệu, chọn lọc, phân loại xử lý tư liệu, đến việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng, lịch sử địa phương, đơn vị, tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Một số tổ chức Đảng chưa xác định được ngày thành lập, ngày truyền thống, kinh phí chi cho công tác lịch sử Đảng còn hạn hẹp, việc biên soạn tài liệu rút gọn để tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống có nơi còn chưa đảm bảo tiến độ, việc đánh giá hiệu quả sử dụng các ấn phẩm lịch sử đã xuất bản chưa được thực hiện thường xuyên; một số ấn phẩm lịch sử xuất bản chất lượng chưa cao. Việc biên soạn tài liệu rút gọn, triển khai xây dựng nhà truyền thống, phòng truyền thống để tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống địa phương ở một số ngành, địa phương hạn chế.
Tỉnh Lào Cai trải qua 2 lần sáp nhập, chia tách lại bị chiến sự biên giới tàn phá nên nhiều tư liệu lịch sử bị mất hoặc thất lạc, không thể khôi phục; điều kiện bảo quản tư liệu ở một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo theo quy định nên tài liệu lịch sử nhanh bị mờ, nát, khó khăn cho việc tra cứu, sử dụng, công tác lưu trữ tài liệu chưa tốt, nhân chứng lịch sử tuổi ngày càng cao và giảm dần theo thời gian. Chưa có văn bản hướng dẫn việc xác định ngày thành lập tổ chức Đảng đầu tiên, ngày thành lập ngành, cơ quan, đơn vị đối với những nơi không có văn bản gốc (hoặc thất lạc). Cán bộ được giao phụ trách tham mưu công tác lịch sử Đảng ở cấp huyện, cấp xã hầu hết là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn về công tác lịch sử, chủ yếu làm theo kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên. Kinh phí đầu tư cho công tác lịch sử Đảng ở một số nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế của việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, đơn vị, tài liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống.
MỘT SỐ KINH NGHIỆM RÚT RA
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Lào Cai có thể rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhận thức đúng đắn và coi trọng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống địa phương. Dành sự quan tâm, chăm lo và dành các nguồn lực cần thiết về cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác lịch sử Đảng. Đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị, huy động mọi nguồn lực trong nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng, địa phương, đơn vị.
Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, bảo đảm tính lịch sử, tính khoa học và tính Đảng của các công trình lịch sử Đảng, địa phương, đơn vị; chú trọng nghiên cứu, biên soạn biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ, văn kiện Đảng bộ các cấp; triển khai tái bản, chỉnh sửa, bổ sung, nghiên cứu, biên soạn mới lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử các địa phương, đơn vị bảo đảm tính hệ thống, liên tục. Đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là các đơn vị chưa hoàn thành theo tiến độ của Kế hoạch số 18-KH/TU của Tỉnh ủyvề nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng giai đoạn 2021- 2025.
Ba là, phải đảm bảo chất lượng của các ấn phẩm, xác định rõ mốc thời gian cụ thể để hoàn thành việc biên soạn các tác phẩm; có sự phân công, hỗ trợ phù hợp để các cơ sở thực hiện tốt công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng; cần tăng cường số hóa và đưa các ấn phẩm lên mạng Internet, nhất là các trang thông tin điện tử của địa phương, đơn vị, để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tiếp cận, nghiên cứu, tham thảo, phát huy giá trị, hiệu quả của ấn phẩm lịch sử. Tích cực đưa các gương anh hùng liệt sĩ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng có những đóng góp quý báu cho sự nghiệp cách mạng ở địa phương trong toàn Đảng bộ và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bốn là, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng có trình độ chuyên môn sâu, rộng về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Các cơ quan, đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử tăng cường đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn, tiếp tục nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng cấp huyện và cấp cơ sở.
Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảngở địa phương có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Các công trình lịch sử đã xuất bản trong thời gian qua giúp các thế hệ cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn hiểu rõ hơn sự ra đời, phát triển, những đóng góp của các tổ chức đảng, các địa phương, đơn vị đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai qua các chặng đường lịch sử. Với sự vào cuộc của cấp ủy các cấp và sự đồng thuận của cán bộ đảng viên, công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới hứa hẹn thu được nhiều kết quả tốt đẹp góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng và của cả nước./.
TS. Dương Đức Huy
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai