Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 18/8/2019 15:25'(GMT+7)

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ở Quảng Ninh tiếp tục được đổi mới, sắp xếp tinh gọn

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 18/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và đại hội Đảng các cấp của tỉnh Quảng Ninh; công tác dân tộc và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Ninh đạt được trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đồng thời rất ấn tượng với Quảng Ninh về sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, Quảng Ninh luôn năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn với xã hội, phát triển toàn diện từ đô thị cho đến vùng cao, biên giới, hải đảo, gắn với xây dựng nông thôn mới; quốc phòng-an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại, cải cách hành chính có chuyển biến tích cực; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm, cải thiện rõ rệt và tiếp tục được bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc triển khai công tác chuẩn bị, công tác nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp; tiếp tục làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Thực hiện nghiêm túc các bước hướng dẫn của Trung ương, coi trọng chất lượng, nhất là việc lựa chọn cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Trong đó, vai trò giám sát của Hội đồng Nhân dân cần phải được tăng cường, thể hiện đúng vai trò của cơ quan quyền lực. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục làm tốt công tác phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại; thực hiện chấn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí; chăm lo nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nhất là khu vực nông thôn...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn Quảng Ninh phải trở thành cực tăng trưởng mạnh ở vùng Đông Bắc của cả nước.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến kiến nghị, góp ý của các đại biểu cũng được thảo luận, ghi nhận nhằm góp phần đưa kinh tế-xã hội, chính trị của Quảng Ninh ngày càng phát triển và chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội Đảng các cấp.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8-9%/năm; xây dựng tỉnh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, hiện đại, phát triển kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm cảng biển của vùng, cửa ngõ giao thương quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc, thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2025.

Tỉnh phát triển nâng cao mức sống của người dân, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long...

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh duy trì ở mức cao so với bình quân chung cả nước. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 5 nghìn USD gấp 1,3 lần so với 2015; thu ngân sách nhà nước luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tỉnh đã hợp nhất Cơ quan Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra và Ban Tổ chức-phòng Nội vụ ở 14/14 địa phương; hợp nhất Văn phòng Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tại ba huyện: Tiên Yên, Cô Tô, Hoành Bồ; thí điểm thực hiện cơ quan tham mưu giúp việc chung Khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội ở 14 địa phương và cấp tỉnh.

Đến nay, các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của người dân vùng miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc được cải thiện và nâng lên đáng kể. Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được đổi mới, nhất là hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân và cử tri trong tỉnh./.

Đức Hiếu (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất