Thứ Tư, 2/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 25/6/2012 16:45'(GMT+7)

CPI giảm và những vấn đề cần quan tâm

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Diễn biến của CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2012 có một vài điểm đáng lưu ý. Thứ nhất, nếu tính tháng sau so với tháng trước, thì tốc độ tăng CPI tháng 6 năm nay lần đầu tiên đã giảm, kể từ tháng 4/2009. Tốc độ tăng CPI tháng 6 năm nay cũng là tháng đầu tiên mang dấu âm so với tốc độ tăng CPI của tháng 6 cùng kỳ trong 9 năm qua, tính từ năm 2004. Thứ hai, tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm (tức là tháng 6/2012 so với tháng 12/2011) của năm nay cũng là tốc độ tăng thấp nhất so với con số tương ứng của 8 năm trước đây (bình quân tốc độ tăng tăng 6 tháng của 8 năm trước là 7,61%, trong đó của 6 tháng đầu năm 2008 tăng tới 18,43%, của 6 tháng đầu năm 2011 tăng tới 13,28%). Thứ ba, sau 1 năm, tốc độ tăng CPI đã chậm lại liên tục trong 10 tháng, tính từ tháng 9/2011, đặc biệt đã thấp nhanh trong 4 tháng gần đây.

Diễn biến CPI như trên có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Nhìn tổng quát và về công tác điều hành, đây là kết quả của việc nhất quán kiên trì thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát với tâm điểm là Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.

Biểu hiện cụ thể của điều đó được thể hiện trên nhiều mặt. So với cuối năm trước, tăng trưởng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 5 vẫn còn mang dấu âm. Trong khi đó, huy động tiền gửi, dù lãi suất huy động đã giảm tương đối nhanh, nhưng vẫn tăng. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng thực hiện đạt thấp so với kế hoạch năm (36,4%); so với cùng kỳ năm trước nếu tính theo giá thực tế thì tăng 4%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì còn bị giảm. Một số địa phương tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm còn thấp hơn tỷ lệ chung.

Tiêu dùng của dân cư co lại, thể hiện ở tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng mặc dù vài tháng nay đã cao lên, nhưng tính chung 5 tháng chỉ tăng 6,6%, cùng với tốc độ tăng của năm 2011 (4,7%) đã thấp xa so với tốc độ tăng 2 chữ số của 10 năm trước đó. Một yếu tố quan trọng góp phần làm cho đầu tư, tiêu dùng co lại là tâm lý ổn định, làm giảm kỳ vọng lạm phát, khi giá vàng, giá USD giảm (6 tháng giá vàng giảm 7,51%, giá USD giảm 0,8%).

Có một nguyên nhân quan trọng là giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi tiêu cho đời sống của người tiêu dùng, còn chiếm tỷ trọng lớn hơn đối với người có thu nhập thấp - đã giảm xuống. Giá lương thực đã giảm 6 tháng liền, với tốc độ giảm 4,68% - một hiện tượng hiếm thấy của cùng kỳ trong nhiều năm qua, mặc dù theo thông lệ thường tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán và vào dịp giáp hạt dài nhất trong năm đối với miền Bắc, miền Trung. Giá lương thực giảm, một phần do lương thực được mùa lớn trong năm 2011, miền Nam đã thu hoạch xong vụ đông xuân, đang bước vào thu hoạch hè thu; các tỉnh miền Bắc được mùa vụ lúa đông xuân; giá thực phẩm cũng đã giảm 4 tháng liền và tính chung 6 tháng, chỉ tăng 1,4%, thấp xa so với tốc độ tăng CPI chung.

Như vậy, dù nhìn nhận dưới góc độ nào thì tốc độ tăng CPI đã chậm lại. Nói cách khác, mục tiêu kiềm chế lạm phát được các chuyên gia dự đoán gần như chắc chắn sẽ đạt được, thậm chí còn ở mức thấp hơn tốc độ tăng CPI của năm 2006 và 2009.

Tuy nhiên, cũng đã đến lúc cần chuyển sang lo cho tăng trưởng hợp lý, khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ.

Minh Ngọc - Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất