Tại phiên thảo luận, các đại biểu không đơn thuần phân tích nội dung đưa ra trong báo cáo của Chính phủ mà còn đưa ra chính kiến, đóng góp nhiều nội dung và đề xuất giải pháp cho Quốc hội, Chính phủ.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 4/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường nhiều nội dung về kinh tế-xã hội.
Theo dõi phiên làm việc qua truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri quan tâm đến việc triển khai sách giáo khoa lớp 1, công tác đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện... Nhiều đại biểu bày tỏ hài lòng với phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Liên quan đến việc triển khai sách giáo khoa lớp 1, cử tri Nghiêm Thị Kim Huê, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu phản ánh, năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thay sách giáo khoa lớp 1 nên ngành Giáo dục cả nước nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng còn gặp một số khó khăn.
Năm học trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nghỉ học nhiều ngày khiến kiến thức bị gián đoạn.
Trong khi đó, Lai Châu là tỉnh biên giới, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tựu trường năm học mới 2020-2021 muộn khiến thời lượng tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số không nhiều.
Do đó, việc tiếp cận chương trình mới của các em gần như không có. Mặt khác, một số nhà trường còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức các hình thức dạy học, phân bổ thời lượng cho phù hợp với đối tượng học sinh.
Hiện, Lai Châu đang triển khai 3 bộ sách giáo khoa lớp 1 gồm "Kết nối tri thức với cuộc sống,” "Cùng học để phát triển năng lực,” "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.”
Về nội dung an toàn đập, hồ chứa của công trình thủy điện, cử tri Lai Châu mong muốn chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ quy trình vận hành, xả lũ, bảo đảm an toàn cho người dân hạ du.
Hiện nay, tỉnh Lai Châu có trên 100 dự án thủy điện đã được đưa vào quy hoạch với công suất hơn 3.600 MW. Trong đó, 19 dự án hoàn thành phát điện kinh doanh với công suất lắp máy hơn 2.200 MW.
Cử tri Lưu Minh Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý vận hành Thủy điện Tây Bắc (thuộc Tập đoàn Hưng Hải) đánh giá, nội dung giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh rõ ràng, nêu rõ ưu điểm hoạt động của các nhà máy thủy điện và chỉ ra những hạn chế trong quá trình vận hành.
Theo ông, hoạt động của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ ở trên lòng sông ít ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không gây ảnh hưởng đến đất rừng, chủ yếu là dâng nước ở các con sông, suối.
Khi đi vào vận hành, các nhà máy thủy điện đều có quy trình vận hành điều tiết hồ chứa được Bộ Công Thương phê duyệt.
Trước khi có dự án, Công ty đã đi khảo sát đánh giá tình hình, tần suất xảy ra lũ, lưu lượng xả lũ so với mực nước hạ lưu.
Với hệ thống nhà máy Công ty quản lý, hồ của nhà máy này là hạ lưu của nhà máy kia, nên không có nguy cơ lũ ống, lũ quét. Trước khi xả lũ, Công ty thông báo tới chính quyền và người dân trước hai tiếng.
Ông Hoàn kiến nghị, các cấp chính quyền cần nâng cao ý thức cho người dân, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Cử tri Mai Thanh Ân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau đánh giá cao không khí làm việc nghiêm túc, tích cực của các đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, trong phiên thảo luận, các đại biểu tích cực tranh luận, yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm.
Ông Mai Thanh Ân bày tỏ hài lòng với phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với việc cung cấp nhiều thông tin quan trọng về các công trình thủy điện như hiện cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3, đóng góp khoảng 20.000MW, chiếm 37% công suất nền, công suất phát điện của đất nước.
Đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ nhu cầu về năng lượng của đất nước cho phát triển kinh tế-xã hội cũng như đời sống của nhân dân...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đã thẳng thắn thừa nhận việc vận hành công trình ở một số địa phương còn bất cập, hạn chế, tác động tiêu cực đến môi trường, đất, nước, khí hậu, đời sống dân sinh.
“Một cam kết rất quan trọng của Bộ trưởng mà tôi đặc biệt quan tâm là siết chặt các hoạt động thủy điện,” ông Mai Thanh Ân nêu rõ.
Cử tri Đặng Văn Luốt, Tỉnh Đoàn Cà Mau chia sẻ, những ý kiến tranh luận tại nghị trường là rất cần thiết, truyền tải đầy đủ những thắc mắc của cử tri đến Quốc hội.
“Quan điểm không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế là cần thiết, cần đánh giá lại việc đóng cửa rừng,” anh Đặng Văn Luốt chia sẻ thêm.
Cử tri Đỗ Ngọc Uẩn, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh đánh giá cao những vấn đề đại biểu Quốc hội đã thảo luận, trở thành cầu nối của cử tri với Quốc hội. Những nội dung được đưa ra khá toàn diện, đáp ứng đúng sự mong mỏi của cử tri cả nước.
“Dưới sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, đứng đầu là Chính phủ đã đưa nhân dân vượt qua đại dịch mà cả thế giới đang phải đối mặt; từ đó, tiếp tục lãnh đạo nhân dân quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ,” cử tri Đỗ Ngọc Uẩn nhấn mạnh.
Cử tri Đỗ Ngọc Uẩn đánh giá cao sự mạch lạc trong điều hành của chủ tọa phiên họp. Tuy nhiên, cử tri Đỗ Ngọc Uẩn mong muốn những phiên thảo luận tới sôi động hơn nữa, tránh phát biểu trùng lặp về cùng một nội dung như tình hình dịch bệnh, bão lũ.
Cử tri Nguyễn Thế Dũng, Bí thư Chi đoàn xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, thời gian gần đây, cử tri luôn quan tâm theo dõi các phiên thảo luận của Quốc hội.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu không đơn thuần phân tích nội dung đưa ra trong báo cáo của Chính phủ, mà còn đưa ra chính kiến, đóng góp nhiều nội dung và đề xuất giải pháp cho Quốc hội, Chính phủ để điều hành tốt trong giai đoạn tới.
Cử tri Nguyễn Thế Dũng đánh giá cao ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vấn đề kiểm soát chặt chẽ thủy điện, sử dụng đất rừng tự nhiên.
Cụ thể, Bộ trưởng khẳng định không có dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên, qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, sạt lở đất xảy ra trong thời gian gần đây./.
Theo TTXVN